15 thg 8, 2013

Phương pháp tư duy

Lời tựa
Con xin cảm tạ cha mẹ, gia đình, bạn bè, và tất cả mọi người quanh con đã cho con được hôm nay bằng tình yêu thương và bằng cả những liên hệ thân hữu. Con tin rằng cha mẹ và mọi người cũng không hề chấp nhất và mặc cả gì trong những sai sót của con trong quá khứ
Cuối cùng là một danh sách dài các ghi ơn mà con xin ghi ra lần lượt như sau:
Trân trọng cảm ơn mọi thầy cô đã giáo dục bảo ban cho con kiến thức hôm nay, đặc biệt
Cô giáo dạy lớp 3 đã tặng cho con điểm 0 cho môn toán đầu tiên trong đời, nhờ vậy con mới hiểu ra số không có ý nghĩa gì khi mà con bị roi vào mông vì tội học bết.
Cô giáo Yến, giáo viên môn toán lớp 7,8 thường xuyên trừ điểm toán vì con không có "tập sạch chữ đẹp", và chắc cô không còn nhớ nổi có lần cô dùng tay điểm thẳng vào cái mụt ruồi to trên mặt con để mắng; nhờ vậy, con mới quyết tâm học toán đầu lớp (xin báo cáo với cô cái mụt ruồi đó con đã dùng xà bông trộn muối phá tiệt nọc đến nay muốn tìm lại cái xẹo làm kỉ niệm cũng khó và trông giờ đẹp trai hơn nhiều -- cảm ơn cô lần nữa  :) .
Cảm ơn nhiều thầy cô trong năm lớp 9 vì thấy con nghèo mà lại hiếu học các bộ môn khoa học tự nhiên đã "thiên vị" để nâng con lên vị trí đại điện duy nhất của trường để nhận phần thưởng học sinh giỏi của sở giáo dục, mặc dù trong lớp vẫn còn có một bạn gái khác có điểm trung bình trội hơn con một tí. Bạn đó chắc giờ đã quên chuyện này nhưng con thì chưa.
Vô cùng cảm tạ cô giáo TL dạy sử năm lớp 10 khi biết rằng con chỉ có đúng 1 bộ quần áo mặc đi học đã tìm mọi cách "ép" tặng cho con 1 cái áo sơ mi mới, mặc dù nhà cô vừa bị "đánh tư sản mại bản" xong, nhà cô cũng chẳng còn gì.
Cảm ơn khoa toán trong những năm con học ĐH ở trường CĐKTM đã bắt buộc chúng sinh đi lao động XHCN, nhờ có những đợt LĐ như vậy con mới biết thế nào là nỗi thống khổ của những người phải đi kinh tế mới theo cơ chế "Kinh điển" XHCN và cũng nhờ đó con hiểu được nghĩa một cụm từ lóng "ôm tủ lạnh" nghĩa là lãnh cơn sốt rét. Nhân đây, cùng cảm ơn một vị y-bác sĩ bệnh viện quận Z chẩn cho con cái bệnh cấp tính do kí sinh trùng "plasmodium Falciparum" và được ông diễn dịch ra Việt ngữ là "cúm", cũng may mà ba con có kinh nghiệm về y đưa con sớm vào "108" điều trị không thì con giờ thành ma sốt rét rồi.
Cảm tạ thầy giáo hình sơ cấp CQ , trong năm thứ 4 ở đại học,(thầy cũng là người đứng dạy lớp chuyên toán cho con trong năm lớp 11) dù rằng thầy cấm thi con môn này chỉ vì con "ngồi học mà giống như ngồi xem ti vi", nhưng cho đến giờ con vẫn bảo lưu ý kiến của con rằng: "Thưa thầy, nếu như bài giảng của thầy y hệt từng chữ như trong cái cuốn sách mà thầy đã xuất bản để bán cho SV thì tại sao con lại phải tốn thêm giấy mực để ghi lại những gì đã có sẵn trong tủ?" Cũng nhờ thầy mà con quyết tâm làm khóa luận bộ môn đại số thay thế cho môn bị cấm và nhờ đó con mới hiểu thế nào là bảo vệ luận án!
Xin dâng lên 1 nén hương lòng thành kính tới thầy TVT, người chưa bao giờ đứng giảng cho con dù 1 chữ bẻ đôi, nhưng thầy lại người duy nhất công tâm mạnh dạn bênh vực cho một SV không quen biết về khả năng hiểu biết của nó, không có thầy chắc chắn con khó lòng lấy được điểm ưu của buổi bảo vệ khóa luận  hôm đó trước con mắt chứa đầy tư tưởng chính trị giáo điều của thầy trưởng khoa trong thời bao cấp. Dẫu sao cũng nhờ có những người như thầy trưởng khoa đây thì mấy SV thiếu khả năng học vấn nhưng dư khả năng cung cấp một tờ lý lịch diện ưu tiên được vào học thoải mái điểm thi 3 hay 4 gì không thành vấn đề vẫn lên lớp đều đều.
Cảm ơn trời đất cho tôi quen dược 1 anh bạn LKV, học thật xuất chúng, anh đã làm luận văn tốt nghiệp hạng tối ưu nhưng nhà trường lại không cấp bằng tốt nghiệp cho anh khi ra trường chỉ vì Bố của anh còn đi học tập cải tạo chưa về. Có như vậy, con mới thông cảm được có những thiên tài đã có thể bị vùi dập bằng cách nào. Cũng may, anh ấy giờ cũng đã là một GS ĐH Hoa Kì.
Tôi vẫn còn nhớ như in cảnh tượng một HS hệ B đã dõng dạc tuyên bố sau khi nghe lời giảng "moral" của tôi về việc cố gắng học để khỏi phụ lòng cha mẹ như sau: "Thưa thầy, nếu em có ráng học thì cùng lắm em được bằng thầy, nhưng nếu như vậy thì lương của em không đủ muôi miệng em, trong khi hiện tại, em lơ là chuyện học mỗi ngày để chạy đi bán hàng rong, em lại kiếm về đủ tiền nuôi cái miệng em và còn dư chút đỉnh phụ cha mẹ. Theo em như vậy không phải là bất hiếu!" Cảm ơn em HS đó đã tặng cho tôi 1 gáo nước lạnh khiến tôi có cái nhìn khách quan hơn về nghề bán cháo phổi. Xa hơn tí, tôi vẫn nhớ có một hôm đang đứng lớp dạy kèm thì mấy em HS làm ồn quá, tôi nổi nóng và la các em, thì có một em (không biết ai đã dạy cho em "kiến thức" này) đứng lên và trả treo với tôi : "Thưa thầy tụi em đã đóng tiền học rồi mà, nhiệm vụ của thầy bây giờ là nói cho hết giờ rùi về !" Kết quả là tôi đem tiền học của nhóm HS tháng đó trả lại cho khỏi nợ lương tâm. Đây chắc cũng là cái duyên khiến thầy từ bỏ cái nghề cao quí này quách dứt khổ về cả tinh thần lẫn vật chất.
Tôi sẽ không bao giờ quên những tấm lòng rộng mở của các SV quốc tế đã giúp tôi mở rộng đươc tầm nhìn ra quôc tế trong khi tôi còn gặp khó khăn về ngoại ngữ. Tiện đây, cũng xin nhắc nhở các bạn nào có ý định đi du học rằng: Biết nói tiếng ở vùng sở tại là việc tối cần thiết cho sự tồn tại vững vàng, không có nó thì mệt lắm. Việc rộng mở trái tim của mình với bè bạn khắp nơi cũng đem lại nhiều hậu quả tốt. Hãy sẵng sàng giúp những người bạn đồng môn trong học tập và sinh hoạt dù rằng bản thân bạn cũng đang gặp nhiều khó khăn vì đó cũng là chìa khóa của sự thành công.
Cuối cùng, trân trọng cảm ơn tất cả các tác giả đã tạo ra những tuyệt phẩm về khoa học nhất là trong các ngành toán, lý, hóa, sinh,... Nhờ đó, nghiệp say mê khoa học mới được nuôi dưỡng và tồn tại trong lòng Tôi. Nhưng dĩ nhiên, tôi cũng không quên ơn nhiều quyển sách đã trình bày không chính xác hay quá khó hiểu về mặt thuật ngữ, nhờ vậy tôi mới hiểu rằng đừng nên quá tin vào bất kì loại giáo điều nào kể cả sách giáo khoa, nhất là các sách giáo khoa luyện thi Đại Học.

Phương pháp nghiên cỨu khoa hỌc
Các bạn SV/HS cùng các cựu đồng nghiệp kính/thân mến, (viết tắt nhưng hy vọng ai cũng nom hiểu được --)
Cách nay hơn một năm, tình cờ tôi đọc được câu hỏi lý thú (được gõ trên bàn phím không có chương trình hổ trợ tiếng Việt) về một sự khởi đầu. Câu hỏi đó, sau khi được bỏ dấu lại thì nó có dạng:
Tôi rất đam mê khoa học nhưng lại không biết về phương pháp nghiên cứu khoa học. Tôi rất mong được các nhà khoa học cho tôi biết phương pháp nghiên cứu một đề tài khoa học như thế nào? Cho tôi một vài ví dụ về nghiên cứu một đề tài nào đó để tôi có thể học tập? (kí tên A)  1
Quả thật câu hỏi này lại cũng chính là câu hỏi mà tôi đã tự đặt ra cho mình nhiều chục năm trước khi mà tôi con đang ngồi trên ghế trung học. Suốt thời gian mài đũng quần ở trung học và đại học, đôi khi tôi được nghe kể hay thu tóm về ở đâu đó trong vài cuốn sách mỏng hay vài bài viết được dịch lại từ tiếng nước ngoài ít nhiều có đề cập tới các mẩu chuyện, các gương thành công cũng như những thất bại chua cay của các nhà khoa học đi trước. Tuy vậy, dù là một con mọt sách hạng nặng, tôi vẫn không thể tìm ra một cuốn sách hay một bài giảng nào bằng Việt ngữ khả dĩ ít nhiều trực tiếp động đến cái đề tài mà anh bạn A trên đã dạn dĩ viết nhưng không bỏ dấu. Có phải chăng đây là cái gì đó thật bí hiểm ... bí hiểm đến nỗi các nhà định hướng và chỉ đạo về giáo dục và đào tạo ở Việt Nam không dám đề cập tới hay phải chăng đây là thứ mà mọi người đều đã biết hết cả nên chả cần phải dạy dỗ mà người bắt đầu tập tành yêu khoa học và muốn làm nghiên cứu khoa học tự phải biết ? (Hì hì! nói một cách "ẩn dụ" thì bạn có thể so sánh chuyện này với việc giáo dục về tình dục cho trẻ em ở tuổi dậy thì. Đa số các bậc phụ huynh thời đó (hay thời nay ?!!) đều nghiểm nhiên lặng lẽ quan sát con trẻ mình tự sinh tự hiểu!)
Suốt thời gian học ở đại học, tôi đã tự nguyện tham gia khá nhiều hoạt động phụ trợ về kiến thức của nhà trường từ việc tham gia các semina, dự các kì sinh viên giỏi, cho đến việc tham gia làm các khóa luận. Vậy mà đến khi trình bày bản tiểu luận ra trường tôi vẩn cảm thấy không an tâm. Không an tâm không phải vì cái đề tài nhận về là khó so với sức lực mà là vì những câu hỏi đeo theo tôi suốt mấy năm ròng chẳng những không có gì sáng tỏ mà tôi còn vác thêm trên lưng hàng tá câu hỏi nảy sinh từ việc nhỏ như là cách trình bày một nguồn tham khảo sao cho đúng, cách viết một luận án sao cho hay,..., cho đến việc lớn như là làm sao để tạo ra được các ý tưởng mới giúp ích trong lúc tìm cách giải quyết một vấn đề khó.
Có thể tôi là một trong số ít người may mắn (hay xúi quẩy) trở thành một giáo chức gõ đầu trẻ ở tỉnh lẻ và rồi sau đó, lại được tiếp tục vừa đi dạy, vừa học ở tại Sài gòn, một ngành mà người ta cho là "hẻo nhất" (thế mà nó vẫn được nhà nước tâng bốc miệng rằng đây là nghề cao quí nhất trong các nghề mới lạ chứ :^); nhờ vậy tôi lại càng có dịp hiểu thấu hơn cái bản chất vốn thiếu thốn của cơ chế XHCN, cái cứng ngắt về đường lối và cái lạc hậu về tổ chức của ngành giáo dục nước nhà đã vô tình (hay cố ý ?) hủy hoại không biết bao nhiêu nhân tài trong nước vì đã trấn nghẹt các tư tưởng sáng tạo để dành chỗ cho các chế độ ưu đãi của con em có lí lịch cao quí sạch đẹp và để chỗ nương náu cho những khuôn thức giảng dạy vừa khô cứng vừa lạnh lùng hơn cả thành đồng đất thép, và sự thay đổi sách giáo khoa như chong chóng!
Nay, với các kinh nghiệm học hỏi được từ các trường Đại hoc ở Hoa Kì, Đức, từ các lớp đào tạo chuyên về sở hữu trí tuệ và từ các cách thức khai phóng lề lối suy nghĩ,’” Chỉ nghe lén thui. Hihi : *)” tôi xin phép ghi ra ở đây như một chia sẻ với các bạn cũng như các giáo chức, hy vọng nó sẽ trở thành một tài liệu khác với cách sách vở thông thường vì nó sẽ chỉ đề cập đến những gì nhà trường Việt Nam không dạy tới và những kiến thức tối cần thiết để làm hành trang cho một người yêu khoa học thực sự muốn nỗ lực để làm công tác này cho có hiệu quả.
Tập sách này sẽ bao gồm sự tổng hợp, hiệu chỉnh, và viết mới các bài viết bài giảng trước đây mà tác giả đã có dịp trình bày trong các trang WEB, cũng như trong các báo cáo, các diễn đàn và trong các giảng đường của các trương ĐH ở nước ngoài...
Dĩ nhiên trong một tài liệu dài sẽ có thể chứa nhiều ý kiến không hợp hay trái ngược với ý kiến bạn đọc. Tôi xin trân trọng và chân thành cảm ơn tất cả mọi phê bình đóng góp hay ý kiến bàn thảo chân tình và thẳng thắn của người đọc, bên cạnh đây tôi cũng xin các tác giả của những cuốn sách mà tôi đã dùng làm tư liệu đại xá vì mạo phép không xin bản quyền, vì tôi không biết làm cách nào để liên hệ được với các ngài.









Các phương pháp tư duy sáng tạo
Nói về tư duy tức là nói về lãnh vực liên quan đến động não và giải quyết vấn đề, đối với mỗi con người bình thường trong chúng ta ai cũng có khả năng tư duy. Tuy vậy, câu hỏi lớn hay được động tới là tại sao có người thì thành công giải quyết nhiều vấn đề trong khi nhiều người khác lại chịu chấp nhận thất bại? Dĩ nhiên, nếu phân tích cặn kẽ đây là việc phức tạp. Sự thành công trong giải quyết một vấn đề lớn hay khó khăn bao gồm nhiều yếu tố. Trong đó có các yếu tố bẩm sinh, lòng kiên trì, khả năng tập trung suy nghĩ cao, sự hiểu biết thấu đáo vấn đề, cách định hướng để giải quyết vấn đề đó, và kể cả sự may mắn tình cờ ...
Não bộ con người có một tiềm năng rất lớn; tuy nhiên, làm cách nào để khai, mở tận dụng được các chức năng tuyệt vời ẩn kín bên trong mỗi người lại là một chuyện khác. Trong nữa cuối thế kỉ 20, nhiều nhà khoa học đặc biệt là trong các ngành y học, giáo dục học và tâm lí học đã tìm ra nhiều phương cách để kích thích và định hướng hóa các hoạt động của tư duy nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của bộ óc. Các nghiên cứu này được tập họp lại và tổng quát hóa thành các phương pháp được tạm đặt tên là các phương pháp tư duy sáng tạo.
Hiện nay, trong các nước tiên tiến thì các phương pháp để giải quyết mau lẹ và hiệu quả các khó khăn về tư duy này đã được nghiên cứu và giảng dạy khá kỹ trong nhiều "course" hay "semina" ở các truờng. Tuy vậy, khi "trở về xứ Việt" thì chúng ta hầu như không thể tìm thấy một hướng dẫn nào khả dĩ giúp trang bị cho chúng ta một số phương tiện để có thể "qua cầu" mà không bị gió bay.
Trong một thời gian dài theo dõi thu thập tài liệu và phân tích, tôi cố gắng trình bày lại với các bạn một số phương pháp quan trọng. Hy vọng các phương pháp này sẽ cung cấp thêm những "tia sáng cuối đường" hầu có thể giúp các bạn giải quyết được các vấn đề đang gặp phải trong môi trường nghiên cứu cũng như trong học vấn.
Các bạn không nhất thiết phải "bám chắc" theo một phương cách nào hết mà chỉ cần rút tỉa ra xem phương pháp nào có hợp với tính cách đặc điểm công việc cũng như tư duy của bạn để có thể xử dụng thích hợp nhằm giải quyết vấn đề các bài toán của mình và do đó, cũng không nhất thiết phải nghiền ngẫm hết tất cả các phương pháp được trình làng ở đây. Một điểm quan trọng xin nhấn mạnh nữa là các phương pháp tư duy sáng tạo có thể được sử dụng kết hợp với nhau để giúp ta tìm đến những lời giải hay và đẹp hơn.
Đến ngọn đèn trắng tối này
Trước khi đi sâu vào các phương pháp cụ thể, chúng ta cần nắm qua khái niệm tóm gọn như sau:
Tư duy sáng tạo là chủ đề của một lĩnh vực nghiên cứu còn mới. Nó nhằm tìm ra các phương án, biện pháp thích hợp để kích hoạt khả năng sáng tạo và để đào sâu rộng khả năng tư duy của một cá nhân hay một tập thể cộng đồng làm việc chung về một đề tài hay lĩnh vực. Ứng dụng chính của bộ môn này là giúp cá nhân hay tập thể thực hành nó tìm ra các phương án, các lời giải từ một phần đến toàn bộ cho các vấn đề nan giải. Các vấn đề này không chỉ giới hạn trong ngành nghiên cứu khoa học kỹ thuật mà nó có thể là một trong các ngành khác như chính trị, kinh tế, xã hội, nghệ thuật, và trong các tìm tòi phát minh sáng chế. Một khái niệm tương đương được giáo sư Edward De Bono (*) (1933 -) sử dụng để chỉ ngành nghiên cứu này cũng được rất phổ biến là
Tư duy định hướng. Một số các phương pháp tư duy sáng tạo đã và đang được triển khai thành các lớp học, các hội nghị chuyên đề ở các hãng nghiên cứu lớn hay ngay cả trong các tổ chức chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của từng cá nhân hay tập thể người. Ở các trường trung học của các nước phát triển các phương pháp quan trọng như tập kích não, giản đồ ý cũng đã được áp dụng cho học sinh biết cách áp dụng trong các dạng thô sơ. Đồng thời, đã có rất nhiều trường tư thục hay học viện tư giảng dạy chuyên về các phương pháp tư duy sáng tạo cho các chuyên gia, sinh viên và học sinh của mọi lứa tuổi.
Rất tiếc ở Việt Nam hiện chưa có trường học hay cơ quan chính thức nào nghiên cứu hay đưa vào ngành giáo dục các biện pháp "giải phóng tư duy" này. Do vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức nhấn mạnh và đi sâu hơn chương này ngỏ hầu giúp các SV/HS hay các giáo chức có thêm một nguồn tham khảo để thử ứng dụng các phương pháp tư duy sáng tạo.










Tập kích não
Đầu tiên xin đề cập đến các phương pháp tận dụng được khả năng tổ chức và làm việc của cá nhân hay một nhóm các nhà chuyên môn (có thể không cùng một lãnh vực và có tầm nhìn khác nhau trong cách tiếp cận vấn đề). Vì các phương pháp này còn nhiều mới lạ so với những phương pháp đã được dạy trong trường nên các bạn hãy cố gắng đọc, hiểu và làm quen với cách xử dụng chúng. Chắc chắn các phương pháp này sẽ đem lại nhiều ích lợi cho việc suy nghĩ và giải quyết khó khăn cho các bạn.
1. Tập kích não là một phương pháp đặc sắc dùng để phát triển nhiều giải đáp sáng tạo cho một vấn đề. Phương pháp này hoạt động bằng cách nêu các ý tưởng tập trung trên vấn đề, từ đó, rút ra rất nhiều đáp án căn bản cho nó.
Các ý niệm/hình ảnh về vấn đề trước hết được nêu ra một cách rất phóng khoáng và ngẫu nhiên theo dòng suy nghĩ càng nhiều, càng đủ càng tốt. Các ý kiến có thể rất rộng và sâu cũng như không giới hạn bởi các khía cạnh nhỏ nhặt nhất của vấn đề mà những người tham gia nghĩ tới.
Trong tập kích não thì vấn đề được đào bới từ nhiều khía cạnh và nhiều cách (nhìn) khác nhau. Sau cùng các ý kiến sẽ được phân nhóm và đánh giá.
Tập kích não có nhiều áp dụng nhưng thường nhất là vào các lĩnh vực:
Quảng cáo - Phát triển các ý kiến dành cho các kì quảng cáo.
Giải quyết các vấn đề - các khó khăn, những phương hướng giải quyết mới, phân tích ảnh hưởng, và các đánh giá của vấn đề.
Quản lý các quá trình - Tìm phương cách nâng cao hiệu quả công việc và xử lý sản phẩm.
Quản trị các đề tài - nhận diện đối tượng, độ nguy hại, các phân phối, các tiến độ công việc, tài nguyên, vai trò và trách nhiệm, thủ thuật, các vấn đề.
Xây dựng đội ngũ - Tạo sự chia sẻ và bàn thảo về các ý kiến trong khi khuyến khích người trong đội ngũ tư duy.
2. Đặc điểm và yêu cầu
Có thể tiến hành bởi một hay nhiều người: Tuy nhiên, thường thì phương pháp này sẽ hiệu quả hơn cho nhóm làm việc bởi vì cở sở hoạt động của nó dựa trên việc tạo ra càng nhiều ý tưuởng liên quan từ nhiều góc nhìn và nhiều cấp độ càng tốt. Số lượng người tham gia nhiều sẽ giúp cho phương pháp tìm ra lời giải được nhanh hơn hay toàn diện hơn nhờ vào nhiều góc nhìn khác nhau bởi các trình độ, trình tự khác nhau của mỗi người.
Dụng cụ: Dể nhất là thể hiện bằng một bảng viết cho mọi thành viên đều đọc rõ tình trạng của hoạt động tập kích não. Nếu tiến hành cá nhân hay vài người thì có thể thay thế bằng giấy viết. Ngày nay, người ta có thể tiến hành bằng cách nối các máy tính cá nhân vào chung một mạng làm cùng tiến hành việc tập kích não. Bằng cách này những người ở xa nhau cùng có thể tham gia và việc tập kích còn được giúp đỡ bởi các phương tiện mạnh của tin học như là các kho dữ liệu, các từ điển trực tuyến, và các máy truy tìm dữ liệu.
Định nghĩa vấn đề: Vấn đề muốn giải quyết phải được xác định thật rõ ràng phải đưa ra được các chuẩn mực cần đạt được của một lời giải đáp. Trong bước này thì vấn đề sẽ được cô lập hóa với môi trường và các nhiễu loạn. Nói theo cách chuyên môn đây là bước đầu tiên xác định nội hàm của vấn đề và xác định các khả năng, các điều kiện cần hay đủ của một lời giải.
Tập trung vào vấn đề -- Đây là bước tập kích. Tránh các ý kiến hay các điều kiện bên ngoài có thể làm lạc hướng buổi làm việc. Trong giai đoạn này người ta thu thập tất cả các ý niệm, ý kiến và ngay cả các từ chuyên môn có liên quan trực tiếp đến vấn đề cần giải quyết (thường có thể viết lên giấy hoặc bảng tất cả). Những ý kiến này đều được xem là có vai trò ngang nhau không phân biệt chi tiết lớn nhỏ. Việc ghi chép ra bảng cũng không nhất thiết phải liệt kê hay sắp xếp theo trình tự nào hết.
Loại bỏ các chi tiết cảm tính không liên quan: Không được phép đưa bất kì một bình luận hay phê phán gì về các ý kiến hay ý niệm trong lúc thu thập. Những ý tưởng thoáng qua trong đầu nếu bị các thành kiến hay phê bình sẽ dễ bị gạt bỏ và như thế sẽ làm mất sự tổng quan của buổi tập kích não. Ngoài ra,
Thành viên tham gia không được dù chỉ là tỏ thái độ cử chỉ chán chường, lãng ý, hay khinh khỉnh đối với các ý kiến đóng góp.
Thành viên cung cấp ý kiến không nên dùng các câu có đại từ xưng hô (như là anh, các anh, bạn, các bạn, đồng chí, ...) thay vào đó là các câu chỉ có các động từ chỉ hành động hay thao tác.
Khuyến khích tinh thần tích cực: Mỗi thành viên cần thực sự cố gắng đóng góp và phát triển các ý kiến tùy theo trình độ, khía cạnh nhìn thấy riêng và không giới hạn cách nhìn của mỗi thành viên.
Góp gió thành bão: Các thành viên đưa ra càng nhiều ý càng tốt về mọi mặt của vấn đề kể cả những ý kiến không thực tiễn, ý kiến hoàn toàn lạ lẫm hay sáng tạo. Đôi khi chính những ý kiến lạ lẫm khôi hài lại nêu bật được các chi tiết mấu chốt của vấn đề hay các biện pháp đi vòng để vựot khó.
3.Các bước tiến hành
1. Tổng thời gian cho 1 buổi tập kích não sẽ tùy theo tầm cở và độ sâu của vấn đề, tùy trình độ và sự phân tán về chuyên môn, và tùy số lượng người tham gia thường kéo dài từ 30 phút đến vài tiếng. Số lượng người tham gia tối đa thường la 10-15.
2. Trong nhóm lựa ra 1 người trưởng nhóm (để điều khiển) và một người thư kí để ghi lại tất cả ý kiến (cả hai công việc có thể do cùng một người thực hiện nếu tiện).
3. Xác định vấn đề hay ý kiến sẽ được tập kích. Phải làm cho mọi thành viên hiểu thấu đáo về đề tài sẽ được tìm hiểu.
4. Thiết lập các "luật chơi" cho buổi tập kích não. Chúng nên bao gồm
Người trưởng nhóm có nhiệm vụ điều khiển buổi làm việc.
Không một thành viên nào có quyền đòi hỏi hay cản trở, đánh giá, phê bình hay thêm bớt vào ý kiến, từ vựng nêu ra, hay giải đáp của thành viên khác.
Cần xác định rằng không có câu trả lời nào là sai!
Tất cả câu trả lời, các ý, các cụm từ, ngoại trừ nó đã được lập lại đều sẽ được thu thập ghi lại (cách ghi có thể tóm gọn trong một chữ hay một câu cho mỗi ý riêng rẽ).
Vạch định thời gian cho buổi làm việc và ngưng khi hết giờ.
5. Bắt đầu tập kích não: Người lãnh đạo chỉ định hay lựa chọn thành viện chia sẻ ý kiến trả lời (hay những ý niệm rời rạc). Người thư kí phải viết xuống tất cả các câu trả lời, nếu có thể công khai hóa cho mọi người thấy (viết lên bảng chẳng hạn). Không cho phép bất kì một ý kiến đánh giá hay bình luận nào về bất kì câu trả lời nào cho đến khi chấm dứt buổi tập kích.
6. Sau khi kết thúc tập kích, hãy lượt lại tất cả và bắt đầu đánh giá các câu trả lời. Một số lưu ý về chất lượng câu trả lời bao gồm:
Tìm những câu ý trùng lặp hay tương tự để thu gọn lại.
Góp các câu trả lời có sư tương tự hay tương đồng về nguyên tắc hay nguyên lí.
Xóa bỏ những ý kiến hoàn toàn không thích hợp.
Sau khi đã cô lập được danh sách các ý kiến, hãy bàn cãi thêm về câu trả lời chung.
Lưu ý:
Đối với một đề tài lớn hay có vai trò thiết yếu: Thường người ta sẽ có vài buổi tập kích não. Trong đó, vấn đề sẽ được chia làm nhiều mối nhỏ hơn và mồi buổi tập kích não sẽ tập trung theo từng mối. Buổi đầu thường sẽ tập trung vào các đề tài tổng quát nhất và cách chia vấn dề thành nhiều mối. Buổi cuối có thể dành cho tổng kết và đưa ra cái nhìn và biện pháp thực tế cho việc giải quyết đề tài.
Trong các buổi làm việc tập trung cao dài hơn 1 giờ thường cần xen vào 5-15 phút giải lao cho mồi giờ nhằm mụch đích xã bớt sự căng thẳng và giúp thành viên có thể có thêm các ý tưởng thoáng mới thông qua giờ giải lao
Lịch sử
Chữ tập kích não (brainstorming) được đề cập đầu tiên bởi Alex Osborn năm 1941. Ông đã mô tả tập kích não như là Một kĩ thuật hội ý bao gồm một nhóm người nhằm tìm ra lời giải cho vấn đề đặc trưng bằng cách góp nhặt tất cả ý kiến của nhóm người đó nảy sinh trong cùng một thời gian theo một nguyên tắc nhất định.
Ngày nay phương pháp này đã được xử dụng rất phổ biến trong các lớp học hay các hãng xưởng. Ngoài việc tiến hành kiểu thông thường, người ta còn tận dụng khả năng của máy tính và các phần mềm hổ trợ cho việc tập kích não được hữu hiệu hơn.
Thí dụ

HÌNH 1: Liệt kê tất cả các ý kiến thu nhận về từ các thành viên tham gia tập kích não.
Trong hình là các ý nhận được cho các dịch vụ mà máy ATM có thể có
Vấn đề: "Thiết kế máy chuyển ngân của nhà băng" (ATM -Automated Teller Machine)
Thành viên mời tham dự buổi tập kích não có thể bao gồm: 1 người có gửi tiền nhà băng, 1 nhân viên làm việc chuyển ngân hàng ngày, 1 nhà thiết kế phần mềm, 1 người không có gửi tiền trong nhà băng.
Câu hỏi chính được cô lập lại thành: "Thao tác nào máy chuyển ngân có thể phục vụ được cho khách hàng?" (hay máy chuyển ngân đảm đương nhiệm vụ gì?)
Sau khi tập kích thì các ý kiến đã được thu thập về máy ATM đưọc đặt trong hình vẽ.
Khi có bảng các ý niệm thì nhóm làm việc sẽ phân loại theo góc nhìn của người dùng máy ATM. Như vậy một số ý kiến như là "khám máy từ xa", "nâng cấp cho máy từ xa", hay "bảo trì máy" chỉ dùng cho người kĩ sư bảo trì.

HÌNH 2: Các ý kiến sau khi phân loại và điều chỉnh lại cho thấy chức năng cần được thiết kế của một máy ATM
Đứng trên quan điểm các dịch vụ mà máy cung cấp thì có thể rút thành 3 nhóm dùng máy. (Các ý tưởng còn lại được gom gọn thành 3 nhóm này).
Như vậy dựa vào các thông tin thu nhập được người thiết kế có thể nắm được những tính năng chính của một ATM mà tiến hành (hình 2).
Bài tập
Hãy dùng phương pháp Tập kích não để thiết kế một máy bán vé tự động ở các trạm xe điện tương lai.
Gợi ý: Chức năng máy ít nhất bao gồm các phương pháp bán vé từng chuyến, vé có thời hạn, vé có hiệu lực theo thời gian, ... vé bán qua nhiều hình thức chi trả, cũng như các khả năng thối tiền và trả trả khi người mua đổi ý …







III. Nới rộng khái niệm
Nới Rộng Khái Niệm (Concept Fan)là một cách để tìm ra các tiếp cận mới về một vấn đề khi mà tất cả các phương án giải quyết hiển nhiên khác không còn dùng được. Phương pháp này triển khai nguyên tắc "lui một bước" (khi hổ vồ mồi thì chúng cũng lui lại để có thế nhảy vọt?!!!) để nhận được tầm nhìn rộng hơn. Như vậy, phương pháp này không khác gì một người khi đứng quá gần với một bức tranh thì sẽ khó lãnh hội được toàn bộ nội dung cuả nó mặc dù có thể thấy rõ từng nét chi tiết của bức tranh, cách tốt nhất là đứng lui ra xa hơn để tầm ngắm nhìn được xa và rộng hơn.
1.Lịch sử cuả Khái niệm
Khái niệm về nới rộng khái niệm đầu tiên được nêu lên bởi Edward de Bono trong quyển sách "Serious Creativity: Using the Power of Lateral Thinking to Create New Ideas" (tạm dịch -- Sáng tạo thực sự: Xử dụng Tư Duy Dịnh Hướng để Tạo các Phát Kiến) xuất bản lần đầu tiên vào tháng năm 1992 ấn bản Anh ngữ
2.Các bước tiến hành
Các bước để tiến hành phương pháp này sẽ được minh họa qua một thí dụ về việc nghiên cứu tìm tòi các biện pháp toàn diện để giải quyết nạn ô nhiễm không khí trong nội thành. Dĩ nhiên, các phương pháp tìm ra có thể chưa phù hợp hay cần phải điều chỉnh cho thích hợp với hoàn cảnh thực tại của thành phố.
Bước 1
Khi bắt đầu, vẽ 1 khung khép kín ở giữa cuả một miếng giấy khổ lớn. Viết xuống (một cách ngắn gọn) vấn đề mà bạn đang tìm cách giải quyết. Bên phải cuả khung vẽ ra những nửa đường thẳng (nối với khung và hướng ra xa như các rẽ quạt -- đây cũng là lí do tên gọi cuả phương pháp là concept fan). Mỗi nửa đường thẳng như vậy sẽ đại diện cho một lời giải khả dĩ cho vấn đề này.
Có thể rằng các ý kiến mà bạn có thì không khả thi hay chưa hoàn toàn giải quyết triệt để vấn đề. Nếu thế, có thể lùi lại một bước để tạo cái nhìn tổng quát hơn cho vấn đề.
Bước 2
Bước này tiến hành bằng cách vẽ thêm 1 khung khép kín ở ngay bên trái cuả vòng tròn đầu tiên, và viết vào đó định nghiã rộng hơn. Liên kết hai khung bằng một mũi tên chỉ ngược vào khung mới lập nên.
Sử dụng ý mới này như là điểm xuất phát cho các ý kiến mới.
Các Bước kế tục
Nếu như ý niệm mới này cũng chưa đủ, bạn có thể bước lui thêm một lần nưã để nới rộng hơn ý kiến (và có thể lập lại nhiều lần,...)
Thí dụ
Bước 1

Hình 1: Các biện trực tiếp để giải quyết nạn ô nhiểm không khí trong thành phố: làm sạch không khí trong thành phố
Bước đầu tiên cho thấy các biện pháp trực tiếp thường có tính bị động, chỉ nhắm thẳng vào những hậu quả thấy được (Bước này còn gọi là "đau đâu chữa đó"). Cụ thể là lọc không khi (qua cây xanh hay qua các biện pháp khác tại nhà) Hoặc xe hơn một chút là dùng các hệ thống đo đạc quan sát chổ ô nhiễm (hay dùng đến "cảnh sát môi sinh")

Hình 2: Bước mở rộng ý đầu tiên:Kiểm soát tác nhân ô nhiễm
Buớc 2
Thường thì các biện pháp thụ động ở bước 1 sẽ không đủ để làm sạch thành phố vì tác nhân gây ô nhiễm vẩn hoạt động và làm tổn thuơng môi trường. Buớc hai là việc mở ý rộng hơn: tìm cách "đưa vào khuôn phép" các tác nhân chủ yếu gây hại môi trường (dĩ nhiên một cũng nhờ bước một giúp cho việc phân tích cụ thể các tác nhân: lý do và từ đâu)

Hình 3: Sau khi mở rộng một ý, triển khai ý đó ra làm nhiều cụm ý tiếp theo để giải quyết vấn đề: Các biện pháp dùng hạn chế tác nhân ô nhiễm
Từ ý chính là "kiểm soát các tác nhân" thì ta bắt đầu cụ thể hóa các tác nhân chính gây ô hiễm không khí thành phố là: Khói xe, khí thảy nhà máy, các công cụ gây ô nhiễm và làm hại khí quyển trong nội thất, và yếu hơn là các nguồn chất thảy ra sông lạch tạo mùi hôi thối. Từ đó sẽ đưa ra các biện pháp ngặn chận từ việc giới hạn hoạt động xe máy đến việc đánh thuế trên tác nhân gây hại cho môi trường.

Hình 4: tiếp tục mở rộng ý trên, làm tương tự như ý trước liên tục mở rộng đến khi không thể được nữa: Tấn công thẳng vào chủ thể tạo ra tác nhân ô nhiễm
Buớc 3
Đôi khi các biện pháp trong bước hai vẩn chưa đủ mạnh hay không khả thi thì vẩn có thể "lui" sang bước thứ thứ 3: Gây khó khăn, bất lợi cho nguồn tạo hay các đối tác đã có trách nhiệm trong việc tạo ra tác nhân ô nhiễm đó. Bao gồm việc đưa ra các luật lệ gắt gao chống vi phạm, nâng cao các tiêu chuẩn cho các tác nhân thảy chất gây hại môi trường, và áp dụng hình luật phạt vạ đối với các tái phạm hay cố ý vi phạm. Ngược lại, có thể ảnh hưởng lâu dài bằng cách giáo dục cộng đồng ý thức về việc bảo vệ môi sinh.
Xa hơn sẽ là những bước bao gồm cả việc quy hoạch lại tổng thể môi trường hay ngay cả di chuyển các tác nhân nếu áp dụng được (như chuyển các nhà máy ra khuôn viên nội thành)
Bài tập
Dùng phương pháp Nới rộng khái niệm để giải quyết vấn đề làm sạch kênh Nhiêu Lộc TP HCM hay làm sạch hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, so sánh và tìm cách sử dụng kết hợp với phương pháp Tập kích não hay Thâu thập ngẫu nhiên để có thêm ý tởng sáng tạo.

III. Thâu thập ngẫu nhiên
Thâu thập ngẫu nhiên là một phương pháp tư duy sáng tạo. Phương pháp này hữu ích khi bạn cần những ý kiến sáng rõ hay những tầm nhìn mới trong quá trình giải quyết vấn đề. Đây là phương pháp bổ sung thêm cho quá trình tập kích não.
Phương pháp này được đề nghị bởi Adward de Bono.
1.Đặc điểm và yêu cầu
Xu hướng chung về sự suy nghĩ của con người là tư duy bởi sự nhận biết các kiểu mẫu mà người ta hay gọi nôm na là các "phương pháp" hay các "nếp suy nghĩ". Chúng ta phản ứng lại các mẫu đó dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ và mở rộng các kinh nghiệm này. Mặc dù vậy, đôi khi, chúng ta sẽ bị giam bên trong lối tư duy của mình. Với một nếp (phương pháp) tư duy đặc thù có thể sẽ không đủ để kiến tạo một lời giải tốt cho một loạt các vấn đề riêng biệt.
Một ví dụ điển hình là trường hợp của các học sinh PTTH, chúng ta biết rất rõ, đa số khi giải các bài toán tích phân hay các bài toán hóa học định tính, các em đã được "gạo sẵn" các dạng toán theo một loại "công thức hay mẫu mã" được cung cấp bởi các thầy dạy (ở các trung tâm luyện thi) và cứ như thế "nhắm mắt" mà giải các đề bài cho đến khi gặp những bài tưởng chừng dùng công thức này hay công thức nọ có thể làm ra nhưng lại lay hoay mãi mà không tìm ra được một giải thuật đúng đắn.
Kỹ thuật thâu thập ngẫu nhiên cho phép liên kết một kiểu tư duy mới với kiểu tư duy mà chúng ta đang sử dụng. Cùng với sự có mặt của kiểu tư duy mới này thì tất cả các kinh nghiệm sẵn có sẽ cùng được nối vào với nhau.
Phương pháp này đòi hỏi người tiến hành phải biết dùng kĩ thuật tập kích não.
2.Các bước tiến hành
Lưu ý: phần ví dụ theo sau phần này sẽ minh họa rõ ràng hơn các thủ thuật để tiến hành.
Chọn ra ngẫu nhiên một danh từ trong một từ điển hay trong một danh mục các từ vựng đã được chuẩn bị từ trước. Thường danh từ được chọn là danh từ cụ thể sẽ giúp ích hơn. Danh từ cụ thể hiểu theo nghĩa là những danh từ chỉ vật mà mình có thể nhận biết bằng giác quan hay sờ mó được. Cách chọn ngẫu nhiên khác là lấy ra từ một tạp chí một danh từ nào đó hoặc có thể dùng sự hỗ trợ của phần mềm để chọn.
Không nên chọn một danh từ trừu tượng hay một khái niệm tổng quát.
Dùng danh từ này như là điểm khởi đầu cho giải quyết vấn đề bằng tập kích não.
Nếu như từ được chọn không nằm trong phần chuyên môn của người tiến hành phương pháp này, có thể thấy mình sẽ có thêm nhiều tri thức sáng suốt nhờ vào các bước tìm tòi kế tiếp.
Mặc dù vậy, cách tốt nhất là chọn những danh từ không liên quan gì đến vấn đề đang cần giải đáp nhưng lại có thể nằm trong chuyên môn của người tiến hành vì như thế nhiều ý tưởng mới hơn sẽ được tìm ra.
Nếu như từ chọn ra là thích hợp, một dãy những ý kiến và khái niệm vào quá trình tập kích não sẽ nảy sinh.
Trong khi một số từ tìm ra trở nên vô dụng, thì qua đó, có thể sẽ tìm ra những phương hướng mới cho vấn đề.
Nếu bạn kiên trì nhiều lần, thì có thể tìm ra bước đột phá.
Thí dụ
Giả sử vấn đề muốn giải quyết là "giảm ô nhiễm không khí thành phố". Theo lối nghĩ thông thường, chúng ta đều thấy cách giải quyết là sử dụng thiết bị xúc tác để chuyển hóa các chất thải được gắn trong ống khói xe hơi và dùng các loại xăng sạch hơn sẽ có khả năng cháy gần như hoàn toàn trong buồng đốt cũng như là tăng cường việc lọc khí thải ở các nhà máy.
Bây giờ lựa ngẫu nhiên một danh từ trích từ tựa của những cuốn sách trên tủ, chẳng hạn ta tìm thấy chữ "cây cỏ" (thực vật). Tập kích não từ chữ này bạn có thể đào bới tìm ra một số ý mới:
Cây xanh trên các vệ đường có thể chuyển hoá CO2 thành O2.
Tương tự, nếu thổi khí thải ra từ động cơ xe qua một dung môi của tảo thì cũng chuyển hoá được CO2 sang O2. Và có lẽ, bộ lọc không khí từ các phi thuyền không gian dùng cách này?
Chứa vi khuẩn trao đổi lưu huỳnh vào bộ chuyển hóa khí thải để làm sạch chúng. Có lẽ hợp chất của nitơ cũng được làm giàu giống như vi khuẩn này?
Sản phẩm của các loại cây cỏ là giấy. Giấy có thể dùng làm màng lọc của các bộ lọc không khí ở các máy điều hoà nhiệt độ, các động cơ nổ (xe hơi, xe gắn máy).
Sản phẩm của cây cao su là nhựa có thể làm nguyên liệu chế tao bộ lọc không khí thải ra.
Sản phẩm của cây mía là đường có thể chế thành rượu cồn một loại chất đốt sạch (dùng ở Brazil)
Cây xanh sống nhờ năng lượng mặt trời, có thể nào thay vì dùng chất đốt gây ô nhiễm thì thay bằng năng lượng mặt trời hay các năng lượng sạch hơn.
Cây xanh sống nhờ Oxy, vậy có thể nào, phân giải nước để lấy Oxy và Hydro để làm năng lượng sạch ? Hướng này đã đem lại nhiều thành quả.
...
Trên đây là những ý kiến thô thiển nảy sinh. Một số có thể sai và không thực tế. Tuy nhiên, một trong chúng có thể dùng làm cơ sở cho những phát triển lợi ích.


Dùng máy truy tìm dữ liệu để lấy ngẫu nhiên một hình ảnh dùng cho phương pháp thu thập ngẫu nhiên
Ảnh: Từ ngẫu nhiên là "love", được dùng trên máy truy tìm www.ask.com. Sau đó, một ảnh bất kì trong đây sẽ được dùng cho thu thập ngẫu nhiên
3.Biến thể của phương pháp
Ngoài việc dùng các danh từ ngẫu nhiên người ta còn có thể dùng hình ảnh như là đối tượng để tập kích não tìm ý mới. Cách làm như sau:
Nghĩ ra bất kì một chữ Anh ngữ nào, rồi lấy nó làm từ khóa điền vào khung tìm kiếm của máy truy tìm dữ liệu.
Thay vì tìm các trang Web, thì dùng máy để tìm các hình ảnh.
Bây giờ chọn ra một hình bất kì mà máy truy tìm cung cấp. Lấy nó làm đối tượng để tập kích não tương tự như đã tiến hành.
4.Bài tập
Hãy dùng phương pháp Thâu thập ngẫu nhiên để đưa ra phương án làm sạch kênh Nhiêu Lộc TP HCM hay làm sạch hồ Hoàn Kiến Hà Nội


IV. Kích hoạt
Tương tự như phương pháp Thâu thập ngẫu nhiên, Kích hoạt là một kĩ thuật tư duy khá quang trọng. Tác động chính của phương pháp là đưa sự suy nghĩ ra khỏi các nền nếp tư duy cũ mà bạn thường dùng để giải quyết vấn đề.
Như đã giải thích trước đây, chúng ta tư duy bằng cách nhận thức các kiểu và phản ứng lại chúng. Các phản ứng đáp trả này dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ và các mở rộng "có lý" từ các kinh nghiệm. Suy nghĩ của chúng ta thường ít vượt qua hay đứng bên ngoài của các kiểu mẫu cũ. Trong khi chúng ta có thể tìm ra câu trả lời như là một "kiểu khác" cuả vấn đề, cấu trúc não bộ sẽ tư động gây khó khăn cho chúng ta để liên kết các lời giải này.
Kích hoạt là một phương pháp dùng để giúp liên kết các kiểu tư duy khác nhau lại.
Lịch sử
Phương pháp này được nghiên cứu bởi Edward de Bono, tiến sĩ Tâm lý học. Giáo sư tại các trường đại học Oxford, Cambridge, và Harvard. Đây là trang WEB cuả ông http://www.edwdebono.com/




2.Các Bước tiến Hành
bước 1
"con người có cánh" vừa là ước mơ vừa là một mệnh đề vô lí đã được hiện thực hóa. Ngày nay, người ta có thể bay bằng nhiều cách: Bay trên máy may hay các con tàu vũ trụ và bay bằng phương tiện Internet.
Hình chụp tượng thần Victoria
Ảnh này có giấy phép GNU được lấy từ en.wikipeidia.org
Hãy viết xuống nhiều mệnh đề ngớ ngẩn (không hợp lý lẽ, không dựạ trên lập luận khoa học và có thể phản khoa học hay đi ngược với thực tế thường nhật) một cách chủ ý, trong đó chúng ta cho phép các tình huống không thực. Các mệnh đề này cần thiết phải "ngu xuẩn" để tạo cú "sốc" (kích hoạt) cho hệ thống tư tưởng làm nó thoát ra ngoài những cung các suy nghĩ hiện có. Một khi chúng ta đã tạo ra các mệnh đề kích hoạt này, chúng sẽ làm ngưng các đánh giá phán quyết dể mà tạo nên ý kiến mới. Kích hoạt cung cấp những điểm khởi đầu nguyên thủy cho sự sáng tạo. Các ý tưởng cuả phương pháp này thuờng là các bước mở đầu cho những ý tưởng mới.
Cách xếp đặt ra những mệnh đề kích hoạt như vậy đã được thấy rất nhiều trong các công án thiền (Zen koans) và các dạng thơ Haiku (Nhật). Kĩ thuật này, làm giảm các sức ỳ tâm lý trì trệ trong bộ óc, đã được phổ dụng ở Đông Phương từ lâu nhưng đôi khi làm khó khăn cho lối suy nghĩ kiểu Tây phương.
Chẳng hạn như chúng ta đưa ra câu: "Nhà không nên có nóc!". Thông thường thì điều này không phải là ý kiến hay. Mặc dù vậy, ý này dẫn đến suy nghĩ về các ngôi nhà "mở nóc" hay các ngôi nhà nóc trong suốt. Và bạn có thể vưà ngủ vưà ... ngắm trăng. Còn nếu như bạn đã xem qua bộ phim "Xích Lô" thì hẳn bạn sẽ nhớ đến câu "người ta thì ngủ khách sạn 5 sao còn tao thi ngủ khách sạn ... ngàn sao" -- bạn cũng đã biến câu này thành thực tế vậy!
bước 2
Khi đã tạo nên sự kích hoạt, bạn có thể dùng nó trong nhiều phương cách khác nhau bởi kiểm nghiệm:
Các hậu quả, hiệu ứng cuả mệnh đề?
Các lợi ích có thể nhận được?
Tình huống đặc thù nào có thể làm cho nó trở thành lời giải bén nhạy?
Các nguyên tắc, nguyên lý nào cần dùng để làm việc này và để nó hoạt động?
Làm sao để nó hoạt động trong mọi thời điểm?
Cái gì sẽ xãy ra nếu như một dãy các biến cố bị thay đổi?
Vân vân
Bạn có thể dùng danh sách các câu hỏi trên như là 1 khuôn mẫu.
Thí dụ
(Thí dụ này được làm ra để áp dụng vào các địa phương mà người dân có nếp sống thoải mái thu nhập cao nên không chắc áp dụng nổi cho các vùng nghèo)
Chủ tiệm cho thuê băng video muốn tìm ra phương pháp để cạnh tranh với Internet. Cô chủ bắt đầu với mệnh đề "khách hàng không nên trả tiền để mướn băng video"
Sau đó cô ta kiểm nghiệm các "kích hoạt" sau đây:
Các hậu quả: Cưả tiệm sẽ không có tiền thu nhập qua thuê băng và do đó phải có một nguồn thu nhập khác hơn. Phải làm cho việc muợn băng tại cửa tiệm được rẻ hơn là tải về máy các phim mướn trên Internet hay đặt cọc nó qua catalog.
Các lợi ích: Có nhiều người đến mượn băng video hơn. Nhiều người hơn sẽ ghé vào tiệm. Cửa tiệm sẽ thu hút khách hàng từ các tiệm cho thuê khác trong địa phương.
Tình huống: Cửa hàng cần có nguồn thu nhập thay thế. Có thể chủ tiệm sẽ bán các quảng cáo trong tiệm, hay là bán thêm "đồ nhắm", bán bia, nước ngọt, kẹo bánh, rượu và thức ăn nhanh. Điều này sẽ biến cưả hàng thành "tiệm tạp hoá kiểu mới". Chỉ cho người ta mượn băng sau khi đã phải "ngấm" qua 30-giây các mặt hàng quảng cáo hay là sau khi hoàn tất các bản câu hỏi nghiên cứu thị trường.
Sau khi dùng kích hoạt, chủ tiệm quyết dịnh "thử nghiệm" trong nhiều tháng. Cô ta cho phép khách hàng mượn miễn phí các "top-ten" băng mới ra lò. (nhưng dĩ nhiên khách hàng sẽ bị phạt tiền nếu họ trả băng trể) Cô chủ sẽ đặt các băng video phía đàng sâu trong cùng cuả cưả tiệm. Phiá trước sẽ đập vào mắt khách hàng những thứ hàng "hấp dẫn" khác (để dẫn dụ khách mua hàng) như là các mặt hàng kể trên. Như vậy, một người khách muốn mượn băng sẽ phải đi ngang qua và ngắm các món khác trước khi tới được quầy video. Ngoài ra, bên cạnh quầy trả băng, cô chủ chưng bán các mặt hàng "model" thấy được qua các phim này.
Bài tập
Giả sử bạn là người có quyền hành trong địa phương, hãy thử dùng phương pháp kích hoạt để có thể quyên góp hữu hiệu được tiền bảo trợ quỹ khuyến học cho địa phương mà không vi phạm pháp luật hay các tiêu chuẩn đạo đức. Dĩ nhiên, bạn có quyền điều tiết (regulate) các luật lệ, chính sách mà địa phương bạn có ở mức chấp nhận được, mà không làm ảnh hưởng tới bất kì đời sống riêng tư của mọi người (trong và ngoài địa phương; các sự tham gia đóng góp nếu có đều là tự giác tự nguyện và đôi khi "đôi bên cùng có lợi" (win-win)


IX. Tương tự hoá và Tương tự hóa cưỡng bức
Trong các lớp bậc trung học chúng ta cũng đã biết chút ít thế nào là tương tự. Hai bài toán có thể dùng cùng một phương cách để giải thì ta gọi đó là "quá trình tương tự hoá". Với lối suy nghĩ này nhiều bạn cũng đã mang theo lên các lớp bậc đại học cũng như khi đi làm và rồi cho rằng chẳng cần gì để hiểu hay biết nhiều hơn trong phương cách này. Thực ra, nếu sử dụng các phương pháp tương tự một cách thấu đáo thì cùng có thể bạn sẽ tìm thấy "những cá tính mới cuả một người bạn cũ". (Đồ "cổ" thì lúc nào cũng có giá mờ!) Trong bài này thay vì đưa vào những định nghiã cổ điển chúng tôi sẽ cố gắng trình bày nhiều tình huống giải quyết vấn đề đã hay đang đươc tiến hành trong thực tế.
Các phương pháp tương tự hóa thường rất dể ứng dụng trong việc tìm thiết kế sản phẩm mới hay thiết kế các hệ thống với nguyên lý làm việc mới mô phỏng từ các hiện tượng hay ý tưởng triết lý khác.
1. Tương tự hóa
Các bước tiến hành tương tự hóa
Hãy nghĩ vấn đề như là một đối tượng. Và bây giờ xem xét một đối tượng khác. Đối tượng có thể là bất kì nhưng những cơ phận cuả thiên nhiên thường sẽ thích hợp nhất.
Viết xuống tất cả những sự tương đồng cuả hai đối tượng các tính chất về vật lý, hoá học, hình dạng, màu sắc... cũng như là chức năng và hoạt động
Bây gìờ xem xét sâu hơn sự tương đồng cuả cả hai xem có gì khác nhau và qua đó tìm thấy được những ý mới cho vấn đề.
Thí Dụ 1
Cải tiến máy thu hình (camcorder) khi so sánh với đôi mắt người
Sự tương đồng rất lớn: Thu nhận ảnh chuyển động màu sắc ..(bạn có thể liệt kê một danh sách khá dài về sự giống nhau)
Bây giờ phân tích chi tiết hơn:
- Con mắt người thu hình chuyển động nhanh tốt hơn máy
- Con mắt người có khả năng tự điều chỉnh độ tương phản khi đối tương có một phong nền thật sáng (chẳng hạn như khi thu 1 người bạn đứng trước ngọn đèn sáng thì ảnh thu vào có thể gặp hiện tương ..."đen mặt"
- Mắt người biết tự điều tiết để nhìn vật gần hay xa
- Mắt người có thể cho phép phán đoán khoảng cách và nhận diện hình khối 3 chiều
- ...
Qua đó thấy ra những gì cần cải thiện cho máy thu hình
Thí Dụ 2
Quá trình tương tự hoá còn gặp rất nhiều trong khoa Phỏng Sinh Học. Ngành này thường nghiên cứu các quá trình, các hiên tượng sinh học trong thiên nhiên để chế tạo ra các thiết bi mới: máy bay trực thăng, quân phục tự đổi màu với môi trường là hai ví dụ rất điển hình về sự "bắt chước" hay tương tự hoá
2. Tương tự hóa cưỡng bức
Đây là một cách mở rộng tầm nhìn hay bóp méo những hiểu biết hiện có để tìm ra những phát kiến mới. Có rất nhiều cách thức áp dụng sau đây là hai cách:
Cách thứ 1
Gán thêm cho đối tượng sẵn có những đặc tính mới đã có cuả một đối tượng khác:
Lưu ý: Trái với phương cách tương tự thông thường, đối tượng được chọn để thi hành tương tự hoá sẽ không nhất thiết có nhiều hay không những đặc điểm giống nhau với đối tượng muốn giải quyết vấn đề.
Thí dụ
Khi so sánh phương pháp thảo chương phần mềm khi xử lí thông tin Input-Output kiểu module. Tức chia chương trình ra thành nhiều bộ phận nhỏ (mỗi phần như vậy thường được gọi là function có chức năng xử lí một phần thông tin) và các đặc tính xử lí thông tin cuả con nguời
Ta sẽ thấy những phần "kiểu con người" đã có như:
- Có thể gìn giữ va di truyền các thông tin (inheritance)
- Có khả năng ẩn dấu quá trình xử lý thông tin và chỉ cho biết kết quả sau khi xử lý (encapsulation)
- Có thể dùng cùng 1 tên gọi nhưng các loại thông tin nhập vào khác nhau có thể được xử lý khác nhau (override operation)
- Có thể tạo ra 1 khuôn mẫu để xử lý các thông tin có kiểu cách xử lý giống nhau (template)
Qua những đặc điểm thúc ép sự tương tự -- người ta có thể phát triển loại phần mềm mới (như C++) chẳng hạn có đủ những yếu tố mới hay hơn và lạ hơn
Cách thứ 2
Trong cách này thì sự cưỡng bức sẽ áp dụng lên mỗi đặc tính cuả đối tượng một cách có hệ thống
Lưu ý Phương pháp này thường áp dụng cho các ngành thiết kế (design)
Các bước tiến hành
Liệt kê các đặc tính cuả đối tượng
Dưới mỗi đặc tính viết ra thêm nhiều tính chất khác thuộc cùng kiểu (hình dạng, chất liệu, kiểu cấu trúc,...
Sau khi hoàn tất, tạo nên một thay đổi ngẫu nhiên cuả các đặc tính để "biến" đối tượng thành đối tượng mới
Thí dụ
Quá trình thiết kế các kiểu "viết" mới tóm lược trong bảng cưỡng bức như sau:
Bảng thay đổi thiết kế cho một "cây viết"
Hình dạng
Chất liệu
Màu sắc bề ngoài
Kiểu đậy
Nguồn mực
Số lượng/kiểu mực
Hình Trụ
plastic
Một màu
Nắp
Ống cố định
Một màu mực
Khối vuông
Kim loại
Nhiều màu
Không nắp
Ống mực thay được
Nhiều màu mực riêng rẽ
Hình điêu khắc
Thủy tinh
Màu néon hay mạ kim
Bấm
Ống mực bơm được
Thay mực bằng lưỡi dao (hay hình, vật rắn khác)
Chuỗi hạt
Gỗ
Đổi màu
Có đầu chùi
Không có ống mực
Nhiều màu trên cùng 1 ruột mực
Bầu dục
Giấy
Không màu
Nhiều đầu bấm
Ống mực chấm tự hút
 
Nhiều thân nối nhau
Chất uốn dẽo được
Hình 3D
Xoay mở
Chất tan chậm vào dịch lỏng
 
Thay đổi được
Kết hợp nhiều chất liệu
 
 
Chất rắn (sáp, than chì ...)
 
Sau khi có bảng rồi thì tạo nên một "phát minh" mới bằng cách gán ghép ngẫu nhiên: Một cây viết bi hình người đánh golf, bằng thuỷ tinh màu xanh lá cây có nắp đậy là cái nón đội, ống mực thay được và có hai màu mực đen và đỏ. Tùy theo tình hình, một bước xa hơn là trên mỗi chi tiết có thể áp dung sự thay đổi thành 1 danh mục (hay bảng) nhỏ chẳng hạn như khi phân tích kiểu đậy là nút bấm thì thêm chi tiét nút bấm ở đâu?, bấm hình dạng thế nào?, cách bấm? , ...
Luu ý: Khi phân tích theo dạng bảng như trên, điều quan trọng nhất là các tiêu đề chính được đưa ra để bổ túc ý kiến. Như trong thí dụ trên thì Hình dạng, Chất liệu, Kiểu đậy, Màu sắc bề ngoài, Nguồn mực, Số lượng/kiểu mực là các tiêu đề. Các tiêu đề nay nên có nội dụng rõ ràng tách biệt nhau. Nội hàm của tiêu dề càng cô lập thì bảng thiết kế càng dể tiến hành. Số lượng tiêu đề càng nhiều thì kiểu dáng và thiết kế của sản phẩm mới càng phong phú. Tuy nhiên số lượng tiêu đề nhiều cũng dẫn đến các nhiều chi tiết đa dạng đôi khi đòi hỏi nhiều thay đổi trong công nghệ hay dây chuyền sản xuất. Thêm vào đó, số lượng các thành phần của từng tiêu đề cũng sẽ giữ vai trò làm phong phú hóa các sản phẩm.
Sử dụng tương tự hóa trong thực tế
Để thấy được toàn bộ bức tranh cuả các bước sử dụng khả năng cuả các phương cách tương tự hoá. thí dụ sau sẽ phân tích chi tiết hơn về một quá trình phát minh được tìm ra bằng phương pháp tương tự hóa cưỡng do chính tác giả đã đề xuất (trong năm 2000) tạo ra nhằm chống lại nạn "ăn cắp mật khẩu":
Tìm hiểu vấn đề
Trong những năm cuối cuả thập niên 90, khi Internet trở nên phổ biến thì các hiện tượng tiêu cực lợi dụng chỗ hở cuả Internet và các Hê Điều hành cũng đã xãy ra: Đó là việc ăn cắp tên và mật khẩu cuả các thành viên trong một hệ thống mạng hay e-mail. Ngoài ra, hiện tượng ăn cắp mật khẩu giữa những người làm chung một công sở cũng có thể xãy ra (nhìn trộm nguời ta login và nhớ mật khẩu để ăn cắp các nghiên cứu chẳng hạn)
Nghiên cứu đối tượng
Hệ thống Login (còn gọi là hệ thống đăng nhập):
- Đọc user account (tên đăng nhập)
- Đọc password (mật khẩu) và mã hoá password
- So sánh password đã mã hoá với mã sẵn có cuả người log-in nếu đúng thì cho phép xử dụng các dịch vụ -- Sai thì loại bỏ
Xác định vấn đề
Hacker có thể dùng một hệ thống bao gồm nhiều computer làm việc chung với nhau tấn công vaò một hệ thống password bằng cách "mò mẫm" (bạn đọc có thể tìm hiểu thêm các tài liệu viết về phương cách "ăn cắp" password trên mạng). Phương pháp thử mò mẫm kiểu này thông dụng nhất là loại tấn công theo từ điển (dictionary attack). Tức là, các computer sẽ kiến tạo vô cùng nhanh một các mật khẩu bằng cách tăng tiệm biến các giá trị cuả mật khẩu rồi thử đăng nhập vào cho tới khi "mò ra" được cái mật khẩu đúng ... (Quá trình này sẽ không bao giờ làm nổi ... nếu bạn làm bằng tay; tiếc thay với vận tốc nhiều tỉ phép tính trong 1 giây thì một hệ thống máy (còn gọi là supper computer system) sẽ bẽ gãy hầu như bất kì một mật khẩu thông thường nào nếu được chạy và thử liên tục trong 7-10 ngày)
Mật khẩu cũng có thể bị "đọc" lén bằng các thiết bị phần cứng, phần mềm hay ngay cả dùng máy quay phim rồi đêm tới nơi khác đăng nhập.
Mật khẩu cũng có thể bị ăn cắp và thừa lúc chủ máy không có mặt, kẻ xấu sẽ đăng nhập và phá hoại sau đó.
Phân tích cội rễ cuả vấn đề
Trong thời gian mà người thành viên cuả một hệ thống password không đổi giá trị cuả mật khẩu thì "Mật khẩu là một giá trị hằng số tạm thời". Và cũng vì nó là hằng số trong 1 thời gian đủ lâu nên nó mới bị "mò" ra
Lực lượng tập họp cuả các giá trị mật khẩu có thể dùng thì tối đa chỉ tương đương với lực lượng tập họp cuả các số tự nhiên (nếu bạn đọc không hiểu khái niệm lực lượng thì cũng có thể bỏ qua nhận xét này).
Trong thực tế thì các hằng số mật khẩu tạm thời thường không có giá trị qúa đặc biệt hay quá khó mò .Đa số mật khẩu chỉ bao gồm các kí tự trong bảng kí tự La tin ... một số có thể có thêm vài chữ số nhưng cùng không giúp gì nhiều trong việc chống hacker. Chưa kể rằng, thường thì người đặt ra mật khẩu sẽ dùng các tên quen thuộc (tên chính mình, người thân, hay vật dụng mình thích) để tạo hình các mật khẩu. Điểm yếu này cũng là 1 cơ sở cho các chương trình dò tìm. Do đặc điểm này mà các mật khẩu có thể bị mò ra càng nhanh hơn.
Truờng hợp xấu hơn là mật khẩu bị ăn cắp bởi người làm chung (công nhân quét dọn hay cộng sự viên chẳng hạn) -- Đặc điểm phân tích được là: mật khẩu bị ăn cắp sẽ được dùng đăng trên 1 máy khác với máy cuả người chủ hợp pháp trong 1 thời gian sau khi đã bị "nhìn lén" lúc đăng nhập. Hay đôi khi ngay trên cùng máy mà người chủ quá vô tâm để hở cho người xấu "mượn đỡ". Trên đây chỉ là 4 điểm yếu quan trọng
Áp dụng tương tự hóa
Tìm chủ đề so sánh
So sánh với hai câu trong kinh điển phật giáo: "vạn pháp vô thường" (Dịch nghiã nôm na: Tất cả mọi vật đều không giữ nguyên trạng thái cuả nó)-- và câu "bất ưng trụ pháp sinh tâm" (đại ý là đừng cố bám vào phật pháp như là chỗ "trụ" cố định) Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên về cách "tương tự cưỡng bức kì quái này" nhưng nó là phát khởi cuả phát minh. So với đối tượng là sự cố định tạm thời cuả mật khẩu -- Ta đi đến 1 ý mới đó là mật khẩu "biết tự thay đổi và không là hằng số nữa". Như vậy rõ ràng là vấn đề sẽ hầu như được giải quyết vì ... máy có thể mò kiếm ra 1 hằng số dễ dàng chớ khó có thể kiếm ra mật khẩu mà giá trị cuả nó bị thay đổi liên tục theo thời gian... Nghiã là, nếu giá trị gõ vào cuả mật khẩu là giá trị cuả 1 hàm số F(t) cuả thời gian thì mọi việc sẽ êm đẹp hơn nhiều (Hãy "so sánh việc này với việc trò chơi trốn tìm ... và người trốn liên tục thay đổi chỗ núp! !!). Hơn nưã một khi mật khẩu thay đổi theo thời gian thì dẫu người xấu có đọc lóm được giá trị tạm thời cuả đó thì nó cũng sẽ không thể dùng được trong 1 khoảng thời điểm khác. Ngoài ra, việc áp dụng câu "bất ưng trụ pháp sinh tâm" cũng có thể giúp bạn "cởi trói" giá trị của một mật khẩu bằng cách tạo thêm một hàm G(s) phụ thuộc vào sự biến đổi đặc tính riêng của từng máy (thí dụ như hàm G đòi hỏi biến của nó là dung lượng chỗ trống hiện có trên máy chẳng hạn). Hàm G chắc chắn sẽ ngăn chận sự đăng nhập trên tất cả các máy khác trừ khi người đăng nhập biết cấu trúc của hàm G là gì.
Vấn đề nẩy sinh khi dùng ý mới
Vấn đề ở chỗ làm sao người chủ cuả mật khẩu biết được giá trị thay đổi này để có thể log-in? Câu trả lơì cũng không quá khó là người chủ sẽ định nghiã qui luật thay đổi cuả mật khẩu (tức là người chủ sẽ tự định nghiã hàm số F cuả mật khẩu theo thời gian và hàm số G nêu trên. Mỗi lần thay đổi mật khẩu thì người chủ cũng có thể đổi luôn các hàm này)
Các hệ quả hay hệ lụy
Tuy nhiên, như vậy bắt buộc người chủ mật khẩu phải biết ...TOÁN. Và hơn nưã người đó không được tiết lộ hay để hở cái hàm số mật khẩu mỗi khi cài đặt mới.
Trên đây chỉ là những ý sơ khởi cho một hệ thống mật khẩu mới có khả năng chống lại ...việc chôm mật khẩu có thể được dùng trong các hệ thống chuyên nghiệp.
Bài tập
Hãy thực tập thiết kế một mẫu giỏ/ví cho phụ nữ dựa theo phương pháp tương tự hóa cưỡng bức đạng bảng đã trình bày bên trên.
V. Lục mạo tư duy
Lục Mạo Tư Duy (Six Thinking Hats) Là một kĩ thuật được thiết kế nhằm giúp các cá nhân có được nhiều cái nhìn về một đối tượng mà những cái nhìn này sẽ khác nhiều so với một người thông thường có thể thấy được. Đây là một mẫu hình cho sự suy nghĩ và nó có thể kết hợp thành lối suy nghĩ định hướng. Trong phương pháp này thì các phán xét có giá trị sẽ có chỗ đứng riêng của nó nhưng các phê phán đó sẽ không được phép thống trị như là thường thấy lối suy nghĩ thông thường.
1.Ứng đụng
Lục Mạo Tư Duy được dùng chủ yếu để:
Kích thích suy nghĩ song song.
Kích thích suy nghĩ toàn diện.
Tách riêng cá tính (như là bản ngã, các thành kiến ...) và chất lượng
2. Lịch Sử cuả Phương Pháp
Đây là phát kiến cuả Tiến sĩ Edward de Bono trong năm 1980. Năm 1985 nó đã được mô tả chi tiết trong cuốn "Six Thinking Hats" cuả ông.
Phương pháp này đã được phát triễn và giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới (ngoại trừ Xứ Đại Cồ Việt cuả ta tính đến thời điểm bài này được đăng lần đầu? ?!!) Nhiều tổ chức lớn như là IBM, Federal Express, Brtish Airways, Pepsi, Polaroid, Prudential, Dupont, ...cũng dùng phương pháp này.
3. Cách thức tiến hành
(Bạn nên xem thêm phần ví dụ để có một hình dung cụ thể về nó)
Dùng 6 cái nón đại diện cho 6 dạng thức cuả suy nghĩ. Nó đề cập đến chiều hướng suy nghĩ hơn là tên gọi. Mỗi nón có một màu (mà màu này chỉ đại diện cho duy nhất 1 dạng thức duy nhất cuả suy nghĩ).
Mọi người đều sẽ tham gia góp ý. Tuỳ theo kiểu ý kiến mà người đó sẽ đề nghị đội nón màu gì.
Các nón không được dùng để phân loại cá nhân mặc dù hành vi hay thói quen cuả cá nhân đó "dường như" hay có vẻ thuộc về loại nào đó. Nó chỉ có tác dụng định hướng suy nghĩ trong khi thành viên trong nhóm cho ý kiến đội lên mà thôi
* Các đặc tính cuả nón màu
Nón trắng: trung tính - tập trung trên thông tin rút ra được, các dẫn liệu cứ liệu và những thứ cần thiết, làm sao để nhận được chúng.
Nón Đỏ: Nóng, tình cảm, cảm giác, cảm nhận, trực quan, những ý kiến không có chứng minh hay giải thích, lí lẽ
Nón Đen: Phê phán, Bình luận, Tại sao sự kiện là sai, tất cả những cảm ý tiêu cực hay bi quan
Nón Vàng: Tích cực, lac quan, những cái nhìn sáng lạng, tìm đến những lợi ích, cái gì tốt đẹp
Nón Lục: Sáng tạo, khả năng xảy ra và các giả thuyết, những ý mới
Nón Xanh Dương: Ðiều khiển, chi phối quá trình, các bước, tổ chức lãnh đạo, suy nghĩ về các suy nghĩ hay kết luận
Cách tiến hành điển hình
Sau đây là một cách tiến hành qua các bước:
Mọi người trong nhóm làm việc sẽ cùng tham gia góp ý -- tùy theo tính chất cuả ý đó mà người đó (hay người trưởng nhóm) sẽ đề nghị đội nón màu gì. Người trưỏng nhóm sẽ lần lược chia thời gian tập trung ý cho mỗi nón màu... Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt nếu cần bất kì thành viên nào cũng có thể đề nghi góp thêm ý vào cho 1 nón màu nào đó (tuy vậy phải giữ đủ thời lượng cho mỗi nón màu)
Bước 1
Nón trắng: Tất cả các ý kiến nào chỉ chưá sự thật, bằng chứng, hay dữ kiện, thông tin. Đội nón này có nghiã là "hãy cởi bỏ mọi thành kiến, mọi tranh cãi, cởi bỏ mọi dự định và hãy nhìn vào cơ sở dữ liệu"
Bước 2
Nón lục: Tạo ra các ý kiến làm sao để giải quyết. Các sáng tạo, các cách thức khác nhau, các kế hoạch, các sự thay đổi
Buớc 3
Đánh giá các giá trị cuả các ý kiến trong nón lục
Viết ra danh mục các lợi ích dùng nón vàng
Nón vàng: Tại sao vài ý kiến sẽ chạy tốt và tại sao nó mang lại lợi ích. Ỏ đây cũng có thể dùng về các kết quả cuả các hành động được đề xuất hay các đề án. Nó còn dùng để tìm ra những vật hay hiệu quả có giá trị cuả những gì đã xãy ra.
Viết các đánh giá, và các lưu ý trong nón đen
Đây là nón có giá trị nhất. Dùng để chỉ ra tai sao các đề nghị hay ý kiến không thích hợp (hay không hoạt động được) cùng với các dữ kiện, với kinh nghiệm sẵn có, với hệ thống đang hoạt động, hoặc với chế độ đang được theo. Nón đen lúc nào cũng phải tính đến sự hợp lí
Bước 4
Nón đỏ: Viết các phản ứng, trực giác tự nhiên và các cảm giác xuống.
Nón này cho phép người suy nghĩ đặt xuống các trực cảm mà không cần bào chữa
Bước 5
Tổng kết và kết thúc buổi làm việc
Nón này là sự nhìn lại các bước trên hoặc là quá trình điều khiển. Nó sẽ không nhìn đến đối tượng mà là nghĩ về đối tượng (thí dụ như ý kiến "đội cho tôi cái nón lục, tôi cảm giác rằng có thể làm đươc nhiều hơn về cái nón xanh này")
Lưu ý: các bước trên không hoàn toàn nhất thiết phải theo đúng thứ tự như nêu trên mà ở nhiều trường hợp nên chỉnh lại theo thứ tự như sau:
Trắng -> Đỏ -> Đen -> Vàng -> Lục -> Xanh Dương
Thí dụ
Giải quyết vần đề sau đây trong lớp học "Học sinh nói chuyện trong lớp"
Dùng phương pháp 6 nón để cho các học sinh nhìn vào vấn đề ở các góc cạnh khác nhau. Có thể dùng 6 phấn màu khác nhau để ra hiệu (thay cho nón). Học sinh chủ động cho ý kiến và giáo viên sẽ điều khiển toàn buổi qua các bước như sau:
1. Nón trắng: Các sự kiện
Các HS nói chuyện trong khi cô giáo đang nói
Có sự ồn ào làm cho các học sinh khác bị xao lãng hoặc không nghe đươc (cô giáo nói gì)
Học sinh không biết làm gì sau khi cô giáo đã hướng dẫn cách thức
Nhiều học sinh bực mình hay không muốn học nữa.
2. Nón đỏ: cảm tính
Cô giáo cảm giác bị xúc phạm
Các HS nản chí vì không nghe được hướng dẫn (cuả cô)
Người nói chuyện trong lớp vui vẻ được tán dóc và nghe dóc
3. Nón Đen: Các mặt tiêu cực
Lãng phí thì giờ
Buổi học bị làm tổn thương
Nhiều người bị xúc phạm rằng những người nghe không bất cần đến những gì được nói
Mất trật tự trong lớp
4. Nón vàng: Các mặt tích cực cuả tình trạng được kiểm nghiệm
Mọi người được nói những gì họ nghĩ
Có thể vui thú
Mọi người không phải đợi tới lượt cuả mình để nói nên sẽ không bị quên cái gì mình muốn nói
Không chỉ những HS giỏi mới được nói
5. Nón Lục: Những cách giải quyết đến từ cách nhìn vấn đề theo trên
Cô giáo sẽ nhận thức hơn về "thời lượng" mà cô nói
Cô giáo sẽ cố gắng tác động qua lại (để ý cho phép nhiều đối tượng tham gia) với nhiêù HS không chỉ với các HS "giỏi"
HS sẽ phải làm viêc để không phải phác biểu linh tinh. HS sẽ tự hỏi "điều muốn nói có liên hệ đến bài học hay không?" và có cần để chia sẻ ý kiến vói các bạn khác hay không? Sẽ cần thêm bàn thảo làm sao HS vượt qua khó khăn này!
HS sẽ suy nghĩ rằng có nên chen vào phá sự học cuả người khác hay không?
Sẽ giữ bản tường trình này lại làm taì liệu sau này xem xét có tiến bộ hay không?
6. Nón Xanh Dương: tổng kết những thứ đạt được
Cô giáo rút kinh nghiệm rằng cần phải giới hạn thời gian dùng để nói
Cô giáo cần tham gia bàn luận với tất cả HS và cần phải ưu tiên hơn đến những HS ít khi tham gia phát biểu hay là các HS chỉ thụ động im lặng chờ được gọi trả lời
Cô giáo cần để HS có thời gian suy nghĩ trước khi họ tham gia vào bàn luận. Thì giờ cho HS suy nghĩ trong buổi học quan trọng rất cần thiết.
HS hiểu rằng "nói chuyện làm ồn trong lớp" sẽ làm cho các HS khác bị ảnh hưởng và bực mình.
HS hiểu rằng chỉ cần cười giỡn trong một tí thì cũng đủ phá hỏng sự học cuả người khác.
HS ý thức rằng nói bất kì lúc nào mình muốn là hành đông thiếu kỷ luật với chính những giá trị kiến thức cuả bản thân
HS và giáo viên cần xem lại đề tài này để kiểm xem có tiến bộ hay không
(Bài ví dụ này dùng ý nguyên thủy cuả cô giáo Brenda Dyck, Master's Academiy and College, Calgary, Alberta, Cananda và được viết lại cho hợp với tình hình giảng dạy và ngôn ngữ dùng trong lớp học cuả Việt Nam)
Bài tập
Có rất nhiều vấn đề để thực tập ỏ đây chi xin nêu một vài vấn đề đơn giản:
Xã rác trong lớp?
Thi tuyển sinh vào Đại Học nên hay không?
Cho phép mở sách trong khi làm kiểm tra?












VI. DOIT
DOIT - Một Trình Tự Đơn Giản để Sáng Tạo
Các kỹ thuật đã nêu trong các chương truớc tập trung trên những khiá cạnh đặc biệt riêng rẽ cuả tư duy sáng tạo. DOIT là phương pháp để "gói ghém" chúng lại với nhau, và dẫn ra các phương pháp về sự xác nghiã và đánh giá cuả vấn đề. DOIT giúp bạn tìm ra kỹ thuật sáng tạo nào là tốt nhất.
1. Thuật ngữ
Chữ DOIT là chữ viết tắt từ các chữ Anh ngữ sau:
D - Define Problem (Xác định vấn đề).
O - Open Mind and Apply Creative Techniques (Cởi Mở Ý Tưởng và Áp Dụng Các Kỹ Thuật Sáng Tạo)
I - Identify the best Solution (Xác Định lời giải hay nhất)
T - Transform (Chuyển Bước)
2. Lịch sử cuả Phương Pháp
Kĩ thuật này đã được mô tả trong quyển "The Art of Creative Thinking" (tạm dịch Nghệ Thuật Tư Duy Sáng Tạo) cuả Robert W. Olson năm 1980
3. Cách tiến hành
3.1 Xác Định Vấn Đề
Phần này tập trung vào phân tích vấn đề để đoan chắc rằng vấn đề được đặt ra là đúng. Đây là bước quan trọng nhất vì nếu có nắm được vấn đề sâu vững thì mới có thể tìm ra lời giải hoàn hảo hơn.
Những bước sau đây sẽ giúp bạn khẳng định vấn đề:
Kiểm lại rằng bạn nắm vững vấn đề, không chỉ thấy dấu hiệu cuả nó. Hãy hỏi lập đi lập lại rằng tại sao vấn đề tồn tại, cho tới khi nào bạn nhận ra cội rể cuả vấn đề. Phải tìm hiểu đến mức tối đa nguyên do, hậu quả, tác động, vận động, và ảnh hưởng có thể của vấn đề trong tất cả các phương diện mà bạn có thể "nhìn" được. Một các để nhìn là đặt vấn đề vào trong môi trường tương tác hoạt động của nó để xem xét,hay ngược lại, cô lập nó khỏi các ràng buộc, liên hệ nhân quả. Cũng có thể dùng phưong pháp phân tích theo từ khía cạnh nhân văn (bao gồm tâm lý, kiến thức, điều kiện xã hội, văn hoá, thói quen,....) tự nhiên (bao gồm điều kiện tồn tại vật lý, môi trường, các luật chi phối, các giả thiết, các mối tương quan nhân quả, ...) để có thể thấy được toàn cục vấn đề.
Đặt câu hỏi tại sao vấn đề nảy sinh. Điều này có thể dẫn tới mệnh đề tổng quát hơn cuả vấn đề.
Hãy nắm rõ các giới hạn, biên giới cuả vấn đề. Rút ra từ các đối tượng cái gì bạn muốn đạt tới và cái gì ràng buộc những hoạt động/thao tác cuả bạn.
Tìm rõ các ngoại lệ đặc biệt của vấn đề đó và nguyên do vì sao chúng lại là ngoại lệ.
Ghi xuống các mụch đích, các đối tượng và/hoặc các tiêu chuẩn mà một lời giải cuả vấn đề phải thỏa mãn. Sau đó hãy "kéo dãn" mỗi mụch đích, mỗi đối tượng và tiêu chuẩn ra và viết xuống tất cả những ý tưởng mà nó có thể được "để mắt tới".
Khi mà vấn đề tưởng chừng rất lớn, thì hãy chia nhỏ hay bẽ gãy nó ra thành nhiều phần. Tiếp tục như vậy cho tới khi tất cả các phần chia ra đều có thể giải đoán được trong đúng phạm vi cuả nó, hay là phải xác định một cách chính xác những vùng nào cần nghiên cứu để tìm ra. (* xem thêm về kỹ thuật đào bới 1 vấn đề)
Tổng kết vấn đề trong một dạng càng ngắn gọn súch tích càng tốt. Tác giả phương pháp này cho rằng cách tốt nhất để làm việc này là viết xuống một số mệnh đề mô tả vấn đề bằng hai từ và lựa chọn mệnh đề nào rõ nhất
3.2 Cởi mở ý tưởng và áp dụng các kỹ thuật sáng tạo
Một khi đã nắm rõ vấn đề muốn giải quyết, bạn đã có đủ diều kiện để bắt đầu đề ra các lời giải khả dĩ. Hãy chấp nhận tất cả những ý tưởng hay nảy sinh trong óc.
Ở giai đoạn này chúng ta không cần đánh giá về các ý tưởng được đưa ra (cởi mở ý tưởng). Thay vaò đó, hày cố đưa ra càng nhiều càng tốt các ý kiến có thể dùng. Ngay cả những ý tồi có thể làm ngòi nổ cho các ý tốt về sau.
Kích thích những ý mới bằng cách "lôi ra" (một cách bắt buộc) những sư tương đồng, tương tự giữa vấn đề đang suy nghĩ với những vấn đề khác tưởng chừng không hề có một liên hệ nào với nhau. Chẳng hạn như (dùng phương pháp Thâu Nhập ngẫu nhiên):
1. Viết xuống tên cuả các đối tương vật chất, hình ảnh, thưc vật, hay động vật
2. Lập danh sách chi tiết các đặc tính cuả nó.
3. Xử dụng danh sách này để làm mồi kích thích trực giác nảy sinh các ý mới cho việc giải quyết vấn đề.
Bạn có thể dùng đến tất cả các phương pháp tư duy đã đề cập trước đây để tìm tất cả các ý có thể là lời giải đúng cho vấn đề. Mỗi phương pháp sẽ cho ta những điểm mạnh và những điều lợi ích.
Hãy hỏi nhiều ngươì có nền tảng học vấn, có hiểu biết, và có mức độ thông minh khác nhau cho ý kiến về các lời giải. Trong khi đưa ra các lời giải, hãy nhớ cho rằng mỗi cá nhân khác nhau sẽ có một cách tiếp cận khác nhau và cái nhìn khác nhau về cùng 1 vấn đề, và gần như chắc chắn rằng các ý kiến dị biệt đó sẽ góp phần vào quá trình chung
3.3 Xác định lời giải hay nhất
Chỉ có trong bước này bạn mới lựa ra ý tưởng hay nhất trong các ý đã nêu ra. Thường thì ý tưởng tốt nhất được nhận ra một các hiển nhiên. Nhưng nhiều lúc, một cách có giá trị là kiểm nghiệm và phát triển chi tiết hơn nhũng ý kiến đã đề ra trước khi lựa chọn ý nào hay hơn.
Khi lưạ chọn lời giải phải luôn bám sát vào các mụch đích cuả bạn. Việc quyết định sẽ trở nên dể dàng khi mà bạn hiểu rõ các mục đích này.
Ghi ra tất cả những "mặt trái" hay yếu điểm cuả ý kiến cuả bạn. Hãy thật sự nghiêm khắc! Cố gắng để làm tốt lên (mỹ hoá) các mặt xấu này. Sau đó hãy điều chỉnh lời giải để giảm các khiá cạnh yếu kém trên.
Trong một số vấn đề phức tạp thì cần cân nhắc diểm yếu mạnh của từng lời giải cũng như hiệu quả so với công sức bỏ ra của vấn dề. Đôi khi có thể đưa ra các thước đo khách quan để đánh giá. Một cách khác để đánh giá là dùng các thử nghiệm nhỏ hay các mô hình qua đó có thể thấy được rõ hơn tác động của lời giải so với lời giải khác.
Hãy nhấn mạnh các hậu quả tiềm tàng -- xấu nhất cũng như tốt nhất có thể xãy đến khi thực thi lời giải cuả bạn. Điều chỉnh lại lời giải để giảm nhẹ hết sức hậu quả xấu và tăng cường tối đa những ảnh hưởng tích cực. Tiến hành "Chuyển Bước" nếu bạn có đủ sức.
3.4 Chuyển Bước
Sau khi xác định và đưa ra lời giải cho vấn đề, thì bước cuối cùng là thực hiện lời giải. Biến lời giải thành hành động. Bước này không chỉ bao gồm sự phát triển sản phẩm bền vững cuả các ý kiến cuả bạn mà còn bao gồm cả các mặt khác (như là thị trường và giao thương nêu vấn đề có liên quan đến sản xuất). Điều này có thể cần nhiều thì giờ và công sức.
Một lời nhắc nhở khá quan trọng: Khi mà thì giờ cho phép, hãy lợi dụng tìm hiểu thêm những quá trình nghiên cứu và những dự định khác xem các ý kiến nào đã được thử nghiệm.
Có rất nhiều nhà sáng tạo thất bại trong giai đoạn này. Họ sẽ có nhiều vui sướng để sáng chế ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới là những thứ có thể đi trước thị trường hiên tại trong nhiều năm. Họ lại thất bại để phát triển chúng và đành bó tay ngắm nhìn những người khác hưởng lợi trên những ý tưởng sáng tạo này trong rất nhiều năm (như trường hợp cuả người sáng lập ra thương hiệu Mc Donald, Penicillin người tìm ra chất kháng sinh đầu tiên, máy chụp ảnh... )

VII. Đơn vận
Đơn vận (Simplex) là một phương pháp mạnh giải quyết vấn đề là đem nó vào sự vận chuyển đơn nhất.
Khác với các bài trước, bài này có thể cần thiết cho những ai làm việc trong môi trường kỳ nghệ sản xuất.
Kĩ thuật sáng tạo này là công cụ quan trong cho các ngành công-kỹ-nghệ. Nó đưa phương pháp DOIT lên một mức độ tinh tế hơn. Thay vì nhìn sự sáng tạo như là một quá trình tuyến tính thì cái nhìn cuả phương pháp đơn vận đưa quá trình này vào một vòng khép kín không đứt đoạn; nghĩa là, sự hoàn tất và sự thực hiện sáng tạo lập thành 1 chu kì dẫn tới chu kì mới nâng cao hơn của sự sáng tạo. (Để so sánh, bạn có thể xem thêm các triết lí vòng xoắn ốc về sự phát triển cuả xã hội)

Dưới đây là minh hoạ cuả 8 giai đoạn trong 1 chu kì cuả đơn vận.
1. Lich sử cuả phương pháp
Phương pháp này được phát triển bởi tiến sĩ Min Basadur. Ông đề cập tới khái niệm đơn vận qua cuốn Simplex: a Fly to Creativity trong năm 1994.
2. Cách thức tiến hành
2.1 Tìm hiểu vấn đề
Phát hiện đúng vấn đề để giải quyết là phần khó nhất cuả quá trình sáng tạo (vạn sự khởi đầu nan mà lị) Vấn đề có thể hiển nhiên hay phải được lược qua hệ thống câu hỏi để làm sáng tỏ hơn như là:
Khách hàng muốn thay đổi chức năng gì?
Khách hàng sẽ làm tốt hơn về mặt nào nếu chúng ta giúp họ?
Giới nào chúng ta có thể nới rộng ra khi dùng năng lực chính cuả chúng ta?
Những vấn đề nhỏ nào hiện có sẽ lớn lên trở thành vấn đề lớn?
Chỗ nào chậm chạp trong công việc gây thêm khó khăn? Cái gì thường gây thất bại?
Làm sao để nâng cấp chất lượng?
Những gì đối thủ cạnh tranh đang làm mà chúng ta cùng có thể làm?
Cái gì đang làm nản lòng hay đang chọc tiết chúng ta?
Có thể nào tháo rời toàn bộ quá trình sản xuất thành việc sản xuất các bộ phận nhỏ hơn, độc lạp hay tương thuộc nhưng lại dể dàng kiểm soát và giảm nhẹ công việc hơn hay làm nhanh công việc hơn?
Những câu hỏi trên sẽ làm rõ hơn vấn đề. Có thể sẽ không có đủ thông tin để mô tả chính xác vấn đề thì hãy tiếp tục các bước tới
2.2 Thu thập dữ liệu
Giai đoạn này nhằm chỉ ra càng nhiều thông tin có liên hệ tới vấn đề càng tốt. Hãy tìm hiểu thấu và có đủ kiến thức cho các mặt sau:
Việc xử dụng các ý kiến hay nhất mà ngưòi cạnh tranh đang có.
Hiểu một cách chi tiết hơn nhu cầu cuả người tiêu thụ.
Biết rõ những biện pháp đã được thử nghiệm.
Nắm hoàn toàn tất cả các quá trình, các bộ phận, các dịch vụ, hay các kỹ thuật mà bạn có thể cần tới.
Lượng định được rõ ràng ích lợi khi giải quyết vấn đề phải xứng đáng với cái giá mà mình bỏ công ra.
Tìm biết thêm những khâu nhỏ nào trong quy trình sản xuất có thể đựoc thay thế. Ưu và khuyết điểm của các phương án thay thế.
Giai doạn này cũng góp phần cho việc định mức chất lượng cuả thông tin mà ta hiện có (như là độ tin cậy, trị giá, tính đầy đủ, hiệu năng ... cuả lượng thông tin). Sẽ rất có lợi nếu bạn tổng kết và kiểm nghiệm lại sự chính xác cuả thông tin
2.3 Xác định vấn đề :Lúc này bạn cũng đã nắm được vấn đề một cách thô thiển. Cũng như có sự hieu biết khá rõ về các dữ liệu liên quan. Bây giờ bạn nên đưa vấn đề lên một cách chính xác và các khó khăn mà bạn muốn giải quyết
Giải quyết dúng mực vấn đề thì rất quan trọng. Nếu vấn đề nêu ra quá rộng thì bạn sẽ không có đủ tài lực để trả lời nó một cách hiệu quả. Ngược lại, sẽ dẫn tới việc chỉ sưã chưã một biểu hiện hay 1 phần cuả vấn đề.
Tác giả cho rằng dùng hai chữ "tại sao?" để mở rộng vấn đề, và câu "Cái gì ngăn trở bạn?" để thu hẹp vấn đề đó.
Đối vơí những vấn đề lớn thường có thể "bẽ" nó ra thành những "mảnh vụn" hơn. Từ đó giải quyết từng phần.
2.4 Tìm ý
Trong bước này bạn sẽ nêu lên càng nhiều ý càng tốt. Cách thức là đặt ra một loạt các câu hỏi với những người khác nhau để họ cho ý kiến qua các phương tiện về sáng tạo (dùng phần mềm hỗ trợ, dùng bảng câu hỏi gợi ý,...) và qua cách suy nghĩ định hướng để tập kích não.
Không đưọc đánh giá phê bình các ý kiến trong giai đoạn này. Thay vào đó tập trung vào việc tạo ra tất cả các ý kiến khả dĩ. Những ý tồi thường làm nảy sinh các ý tốt.
2.5 Lưạ chọn và đánh giá
Khi đã có nhiều lời giải khả dĩ, thì bạn có thể tìm ra lời giải tốt nhất (xem thêm bài DOIT)
Sau khi đã lựa được lời giải thì đánh giá xem nó có đáng giá để đem ra xài hay không. Điều quan trọng là không để cho sự thuận lợi cuả riêng mình ảnh hưởng vào sự hợp lí chung. Nếu lời giải đề ra chưa đủ bõ công thì hày tạo thêm các ý mới va bắt đầu quá trình Simplex lại từ đầu. Nếu không có khi bạn uổng phí rất nhiều thì giờ để làm cái mà không ai thèm.
2.6 Hoạch định
Sau khi đã yên tâ rằng lời giải đưa ra là đáng giá thì đây là lúc để lên kế hoạch thực hiện. Một phưong pháp hiệu quả là xếp lên thành "kế hoạch hành động" trong đó phân rõ ra Ai, Làm gì, Khi nào, Ở đâu, Tại Sao, và làm thế nào cho suông xẻ. Trong những đề án lớn có thể cần các kĩ thuật kế hoạch nghiêm chỉnh hơn.
2.7 Đề xuất
Các giai đoạn trước có thể được bạn tự thực hiện hay tiến hành với 1 nhóm nhỏ (những thiết kế gia đầu não!) Đây là lúc phải đề xuất ý kiến với giới hữu trách có thể là xếp cuả bạn, là chính quyền, là giới lãnh đạo cuả 1 hãng, hay những người nào có thể tham gia vào đề án.
Trong khi đề xuất ý kiến bạn có thể đương đầu với vấn đề phe đảng, vấn đề chính trị và quan liêu hay là các sự chống đối do thủ cựu gây ra.
2.8 Tiến hành
Sau sự sáng tạo và chuẩn bị, ... thì hành động thôi! Ðây là thời điểm mà tất cả kế hoạc cẩn thận được trả công. Hành động an toàn trên xa lộ! Trở lại giai doạn đầu tiên tìm cách nâng cấp các ý kiến cuả bạn lên thêm 1 lớp mới.
3. Bài tập
Giả sử bạn là một người có trách vụ lo về phát triển phần mềm gọi tên là A và phát hành trong dạng CDROM. Mô tả chu kì để phát hành một phiên bản phần mềm đó đại cương như sau:
hần mềm sẽ dùng tới ít nhất 3 tiện ích đựoc phát triển song song gọi là B1, B2, ... và tên "B" dùng để chỉ một bộ đầy đủ các tiện ích.
Cứ mỗi chu kì T (2 tuần) các tiện ích này cùng với phần phát triển chính gọi là C sẽ được tích hợp cùng với B làm thành phần mềm A và được cho thử nghiệm chật lượng (QA test) để tìm các trục trặc (bug) và sủa chữa (bug fix).
Tuơng tự như B, A bao gồm nhiều phần được tạo ra riêng rẽ A1 lo về GUI, A2 chức năng, và A3 kết hợp tất cả lên dĩa CD để thử nghiệm.
Mỗi một phần C1, C2, B1, B2, ... đều có một nhóm chịu trách nhiệm lo viết mã cho nó.
Trong khi thử nghiệm nếu tất cả các kiểm thử đều qua đựoc thì sản phẩm sẽ đuợc kí xuất (sign off) và cho phát hành A ra thị trường. Ngược lại nếu có bug trong bất kì bộ phận nào C1, C2,.. hay B1, B2, ... Thì bộ phận chịu trách nhiệm về nó sẽ phải điều chỉnh mã hay thiết kế để sửa và chờ cho đến chu kì 2 tuần kế để thử nghiệm lại.
Bình thường thì quá trình này lập đi lập lại đến tối đa chừng 6 tháng thì 1 phiên phần mềm sẽ được tung ra có chất lượng chấp nhận được.
Với sự phát triển nhanh của các thẻ nhớ USB, có một nhu cầu mới đòi hỏi từ thị trường là thay vì cung cấp A lên CDROM, cần phải cung cấp A lên cả thẻ USB. Một điều tiện lợi cho USB là khả năng chép đè những dữ liệu mới lên dữ liệu cũ (nghĩa là có thể xóa đi một phần hay toàn bộ phần mềm và thay bằng phần mới)
Bạn không thể nào mướn thêm quá nhiều người để lo thêm chức năng phát hành phần mềm trên thẻ USB.
Hãy tìm một giải pháp tốt hơn từ việc thay đổi quá trình phát hành cũ cho đến việc sắp xếp cách tổ chức sao cho công việc của mỗi nhóm người chịu trách nhiệm tăng lên hay thay đổi không đáng kể nhưng vẩn có thể thỏa mãn được các yều cầu mới đồng thời rút ngắn được chu kì sản xuất.

VIII. Giản đồ ý
Khác với các bài trước, phương pháp giản đồ ý (mind map) được đưa ra như là một phương tiện mạnh để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh cuả bộ não. Nó có thể dùng như một cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp, hay để phân tích một vấn đề ra thành một dạng cuả lược đồ phân nhánh. Khác với máy vi tính, ngoài khả năng ghi nhớ kiểu tuyến tính (ghi nhớ theo 1 trình tự nhất định chẳng hạn như trình tự biến cố xuất hiện cuả 1 câu truyện) thì bộ não còn có khả năng liên lạc, liên hệ các dữ kiện với nhau và ghi nhận chi tiết theo 2 hay 3 chiều. Phương pháp minh hoạ tận dụng các khả năng này của bộ não.
Phương pháp này có lẽ đã được nhiều người Việt biết đến nhưng nó chưa bao giờ được hệ thống hoá và được nghiên cứu kĩ lưỡng và phổ biến chính thức trong nước mà chỉ được dùng "tản mạn" trong giới SV/HS trước mỗi kì "gạo bài".
Đây là một kĩ thuật để nâng cao cách ghi chép. Bằng cách dùng giản đồ ý, tổng thể cuả vấn đề được chỉ ra dưới dạng một hình trong đó các đối tượng được liên hệ với nhau bằng các đường nối. Với cách thức đó, các dữ liệu được ghi nhớ và nhìn nhận dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Thay vì dùng chữ viết để mô tả (một chiều) giản đồ ý sẽ phơi bày cấu trúc một đối tượng bằng hình ảnh hai chiều. Nó chỉ ra "dạng thức" cuả đối tượng, sự quan hệ (hỗ tương giữa các khái niệm liên quan (tạm gọi là "điểm chốt") và cách liên hệ giưã chúng với nhau bên trong cuả một vấn đề lớn.
1. Sử dụng

Giản đồ ý đơn giản cho việc nhớ các dạng câu hỏi
Ghi nhớ chi tiết cấu trúc đối tượng hay sự kiện mà chúng chứa các mối liên hệ phức tạp hay chằng chéo.
Tổng kết dữ liệu.
Hợp nhất thông tin từ các nguồn nghiên cứu khác nhau.
Động não về một vấn đề phức tạp.
Trình bày thông tin để chỉ ra cấu trúc của toàn bộ đối tượng.
Ghi chép (bài giảng, phóng sự, sự kiện...).
Khuyến khích làm giảm sự mô tả của mỗi ý mỗi khái niệm xuống thành một từ (hay từ kép).
Toàn bộ ý của giản đồ có thể "nhìn thấy" và nhớ bởi trí nhớ hình ảnh - Loại trí nhớ gần như tuyệt hảo.
Sáng tạo các bài viết và các bài tường thuật.
Là phương tiện cho học tập hay tìm hiểu sự kiện.
Với giản đồ ý, người ta có thể tìm ra gần như vô hạn số lượng các ý tưởng và cùng một lúc sắp xếp lại các ý đó bên cạnh những ý có liên hệ. Điều này biến phương pháp này trở thành công cụ mạnh để soạn các bài viết và tường thuật, khi mà những ý kiến cần phải được ghi nhanh xuống. Sau đó tùy theo các từ khóa (ý chính) thì các câu hay đoạn văn sẽ được triển khai rộng ra.
Một thí dụ điển hình là việc đọc sách nghiên cứu khoa học, thay vì chỉ đơn thuần đọc, dùng giản đồ ý trong khi đọc mỗi lần nảy ra được vài ý hay hoặc ý quan trọng thì chỉ thêm chúng vào đúng vị trí trong cái giản đồ.
Sau khi đọc xong cuốn sách thì người đọc sẽ có được một trang giấy tổng kết tất cả những điểm hay và mấu chốt của cuốc sách đó. Có thể thêm thắt vào nhiều ý tưởng nghĩ ra trong lúc đọc. Điều này sẽ làm tăng chất lượng hấp thụ kiến thức từ cuốn sách.
Nếu muốn nắm thật tường tận các dữ liệu đọc được thì chỉ việc tiến hành vẽ lại cái giản đồ ý này bằng trí nhớ vài lần.
2. Lich sử cuả phương pháp
Được phát triển vào cuối thập niên 60 cuả thế kỉ 20 bởi Tony Buzan như là một cách để giúp học sinh "ghi lại bài giảng" mà chỉ dùng các từ then chốt và các hình ảnh. Các ghi chép này sẽ nhanh hơn và dễ nhớ và dễ ôn tập hơn  1.
Giữa thập niên 70 Peter Russell đã làm việc chung với Tony và họ đã truyền bá kĩ xảo về Giản đồ ý cho nhiều cơ quan quốc tế cũng như các học viện giáo dục.  2
3. Đặc Điểm
so với các cách thức ghi chép truyền thống:
Ý chính sẽ ở trung tâm và được xác định rõ ràng.
Sự quan hệ hổ tương giưã mỗi ý được chỉ ra tường tận. Ý càng quan trong thì sẽ nằm vị trí càng gần với ý chính.
Sự liên hệ giưã các khái niệm then chốt sẽ được chấp nhận lập tức.
Ôn và nhớ sẽ hiêu quả và nhanh hơn.
Thêm thông tin (ý) dễ dàng hơn.
Mỗi giản đồ sẽ phân biệt nhau dể dàng hơn cho việc gợi nhớ.
4. Phương Thức tiến hành


Giản đồ ý cho thấy liên hệ giữa các thiết bị phần cứng trong máy vi tính
Ghi chú trên hình 1.CPU, 2.Bộ nhớ, 3.BUS, 4.Các bộ điều khiển I/O, 5.Bộ điều khiển video 6.Cổng nối tiếp, 7.USB, 8.Ổ diã, 9. Ổ CD, 10.Màn hình, 11.NIC, 12.Cổng song song, 13.Bàn phím, 14.Chuột, 15.Máy in, 16.Mạng, 17.Máy quét hình, 18.Máy chụp hình số, 19.Máy phóng hình
Có nhiều cách đây là 1 thí dụ:
Viết hay vẽ đề tài cuả đối tượng xuống giữa trang giấy và vẽ 1 vòng bao bọc nó - Xử dụng màu. Nêú viết chữ thì hãy cô dọng nó thành 1 từ khoá chính (danh từ kép chẳng hạn).
Cho mỗi ý quan trọng vẽ 1 "đường" phân nhánh xuất phát từ hình trung tâm (xem hình thí dụ).
Từ mỗi ý quan trọng trên lại vẽ các phân nhánh mới các ý phụ bổ xung cho nó.
Từ các ý phụ này lại mở ra các phân nhánh chi tiết cho mỗi ý.
Tiêp tục phân nhánh như thế cho đến khi đạt được giản đồ chi tiết nhất (hình rễ cây ma gốc chính là đề tài đang làm việc).
Lưu ý: Khi tiến hành một giản đồ ý nên
Sử dụng nhiều màu sắc.
- Sử dụng hình ảnh minh hoạ nếu có thể thay cho chư viết cho mỗi ý.
- Mỗi ý, nếu không thể dùng hình phải rút xuống tối đa thành một từ khoá ngắn gọn.
- Tâm ý nên được để tự do tối đa. Bạn có thể nảy sinh ý tuởng nhanh hơn là khi viết ra.
Việc dùng kí hiệu hay biểu tượng qua hình vẽ: Các kí hiệu hay biểu tượng qua hình vẽ sẽ giản đồ sống động hơn
- Các hình mũi tên  thường chỉ ra chiều hướng và kiểu liên hệ giưã các đối tượng
- Kí tự đặc biệt như! ? {} & * | © ® " $ ' # $ @ ™ ® sẽ tăng "chất lượng cô đọng cuả ý và làm rõ nghiã cho giản đồ hơn.
- Các hình vẽ  để hình tượng hoá các ý và giúp biểu thị các kiểu lời giải
- Các hình đặc thù biểu thị các đặc tính kĩ thuật (thí du khi muốn dùng phưong pháp hoá học thì ta vẽ 1 cái ống nghiệm, phương pháp cơ khí thì dùng hình búa kềm, sinh học thì vẽ cây,...)
-Màusắc sẽ giúp nhớ dễ hơn
5. Cụ thể hóa
Ghi chép (bài giảng, phóng sự, sự kiện...) -- Dùng cách này sẽ có nhiều điểm mạnh so với các phương pháp khác như là:
-Các ý mới có thể được đặt vào đúng vị trí trên hình bất chấp thứ tự cuả sự trình bày.
-Nó khuyến khích làm giảm sự mô tả cuả mỗi ý mỗi khái niệm xuống thành 1 từ (hay từ kép).
-Toàn bộ ý cuả giản đồ có thể "nhìn thấy" và nhớ bởi trí nhớ hình ảnh --Loại trí nhớ gần như tuyệt hảo.
Sáng Tạo các bài viết và các bài tường thuật:
-Với Mind map người ta có thể tìm ra gần như vô hạn số lượng các ý tưởng và cùng một lúc sắp xếp lại các ý đó bên cạnh những ý có liên hệ. Điều này biến phương pháp trở thành công cụ mạnh để soạn các baì viết và tường thuật, khi mà nhừng ý iến cần phải được ghi nhanh xuống. Sau dó tùy theo các từ khoá (ý chính) thi các câu hay đoạn văn sẽ được triển khai rộng ra.
Phương tiện dể dàng cho học vấn hay tìm hiểu sự kiện
-Một ví dụ điển hình là việc đọc sách nghiên cứu khoa hoc, thay vì chỉ đơn thuần đọc, dùng mind map trong khi đọc mỗi lần bạn "tóm" được vài ý hay hoặc quan trọng thì chỉ thêm chúng vào đúng vị trí trong cái giản đồ.
-Sau khi đọc xong cuốn sách thì bạn cũng có 1 trang giấy tổng kết tất cả những điểm hay và mấu chốt cuả cuốc sách đó. Bạn cũng có thể thêm thắt vào nhiều ý tưởng bạn nghĩ ra trong lúc đọc. Điều này sẽ làm tăng chất lượng hấp thụ kiến thức từ cuốn sách.
-Nếu bạn muốn nắm thật tường tận các đữ liệu đọc được thì chỉ việc tiến hành vẽ lại cái giản đồ ý này bằng trí nhớ vài lần.
Tiện lợi cho nhóm nghiên cứu:
-Một nhóm có thể làm việc chung và lập nên 1 giản đồ ý bởi các bước sau:
-Mỗi cá nhân vẽ các mind map về những gì đã biết được về đối tượng
-Kết hợp với các cá nhân để thành lập mind map chung về các yếu tố đã biết
-Quyết định xem nên học những gì dựa vào cái giản đồ này cuả nhóm
-Mỗi người tự nghiên cứu thêm về đề tài, Tùy theo yêu cầu mà tất cả chú tâm vào cùng 1 lãnh vực dể đào sâu thêm hay chia ra mỗi người 1 lãnh vực để đẩy nhanh hơn quá trình. Mỗi người tự hoàn tất trở lại mind map cuả mình
-Kết hợp lần nưã để tạo thành giản đồ ý cuả cả nhóm.
Dùng trong diễn thuyết: Dùng 1 giản đồ ý bao gồm toàn bộ các ghi chép sẽ có nhiều tiện lợi so với các kiểu ghi chép khác là vì:
-Súc tích: chỉ cần một trang giấy duy nhất
-Không phải "đọc theo" -- Mỗi ý kiến đã dược thu gọn trong 1 từ; bạn sẽ không phải đọc theo những gì đã soạn thành bài văn.
-Linh hoạt: Nếu như có người đặt câu hỏi bạn có thể tìm ngay ra vị trí liên hệ cuả câu hỏi với giản đồ ý. Như vậy bạn sẽ không bị lạc khi tìm cho ra chỗ mà câu trả lời cần đến.
6. Bài tập
Thực tập dùng giản đồ ý để chi chép lại các bài giảng ở trường.
7. Tham khảo
1:  Expanding the Mind
2:  Peter Russell M.A., D.C.S., F.S.P
Mind Mapping
Visual Mind
Smart Draw

Phương pháp tư duy tổng hợp
Hiệu quả cuả phương pháp
Tư duy tổng hợp Khuyến khích khả năng sống chung với sự phức tạp và mâu thuẫn
Phương pháp này kích thích suy nghĩ sáng tạo
Tư duy tổng hợp năng động hoá cả hai bán cầu đại não trái và phải
Nó cung ứng một trạng thái suy nghĩ không bị ràng buộc vào ý thức
Cơ chế kích khởi
Cơ chế kích thích cuả Synectic xúc tác cho nhiều ý tưởng và phát minh mới
Synectic dựạ trên sư suy nghĩ đột phát
Phương cách hoạt động
Synectic dựa trên sự hợp nhất cuả những sự đối lập
Nó dưạ trên phép loại suy
Sự chủ động cuả Synectic sản sinh ra kết quả lớn hơn là tổng kết quả cuả từng phần góp lại
Phương thức tiến hành
Các ý mới không thể từ trên trời lọt xuống mà để có đựợc chúng, ta phải hoàn tất các bước:
1. Xác định/nhận diện vấn đề và viết nó ra
2. Thu thập tất cả các dữ kiện về vấn đề và kết hợp nó với những thông tin đã có sẵn trong óc
3. Tiến hành sáng tạo bằng cách dùng các câu hỏi kích hoạt trình bày sau đây để biến đổi các ý kiến và thông tin trở thành cái mới. Những câu hỏi này là công cụ để "đổi mới" tư duy và có thể dẫn dắt chúng ta đến những phát kiến vĩ đại. Trong lúc dùng các câu hỏi kích hoạt hãy cố gắng trở nên linh hoat và mềm dẻo theo sự hướng dẫn cuả câu kích hoạt theo nghiã bóng lẫn nghiã đen để giúp giải phóng tư tưởng dễ hơn
4. Hệ thống câu hỏi kích hoạt
Cắt bớt
Bỏ bớt một số bộ phận hay chi tiết
Dồn nén hay làm cho nó nhỏ đi
Cái gì có thể được giảm thiểu hay bố trí lại
Những luật lệ nguyên tắc nào có thể "bẻ gãy"
Làm thế nào để giản dị hoá
Làm sao để từu tượng hoá, điển hình hoá hay vắn tắt hoá
Thêm thắt
Kéo dài hay nở rộng
Phát triển những đối tượng về hướng mong muốn
Gia tố, thăng hoá, hay sát nhập thêm
Khuếch đại làm to lên
Cái gì nưã có thể thêm thắt vào ý cuả bạn, hình vẽ, đối tượng, vật liệu
Kết hợp
Đem các thứ lại với nhau
Nối, sắp xếp, liên kết, thống nhất, trộn lẫn, xác nhập, xếp lại chỗ
Kết hợp các ý kiến, vật liệu, và kĩ thuật
Ghép các thứ không tương tự lại với nhau để sản sinh sức mạnh tổng hợp
Cái gì nưã có thể dùng nối vào với chủ thể?
Nối trong các kiểu cách, khuôn khổ, định hướng hay kỷ luật cảm biến khác nhau
Chuyển biến
Đưa đối dượng vào tình thế mới
mô phỏng, chuyển vị, dời chỗ, biến vị
Dời đối tượng ra khỏi môi trường thông thường
Thay các cài đặt về lịch sử, xã hội, và điạ lí
"mô phỏng kiểu cánh chim để thiết kế một cái cầu"
Làm thể nào để chủ thể có thể được biến cải, thông dịch, thay hình đổi dạng
Hoạt hoá
Linh động hoá các áp lực hình tượng và tâm lí
Điều khiển các dịch chuyển về hình ản và các lực
Áp dụng các nhân tử cuả sự lập lại và sự thăng tiến
Những đặc điểm "con người" nào mà chủ thể có
Đối nghịch
Đổi ngược chức năng nguyên thuỷ cuả chủ thể
Nghịch đảo một cách hình tượng và trí năng nhưng vẩn giữ nguyên kết cấu hợp nhất
Đổi ngược các định luật cuả tự nhiên như là trọng lực, thời gian, các chức năng con nguời
Đảo ngược các thủ tục thông thường, các lề lối qui ước xã hội hay các trình tự các lễ nghi
Đảo ngược sự hài hoà về thị giác và cảm thụ (vi du: ảo giác)
Từ khước, đảo nghịch
Ghép khuôn
Choàng đè lên, đặt lên, bao bọc, phủ qua
Ghép các hình ảnh và ý khác nhau lại
Cho các phần tử choáng, che nhau để sản xuất ra hình ảnh, ý kiến và ý nghiã mới
Ép khuôn các phần tử từ những góc nhìn, từ những kỹ luật, thời diểm khác nhau
Kết nối các thu nhận cảm biến về âm thanh và màu sắc chẳng hạn
Gán ép nhiều quan điểm để chỉ ra sự tương phản theo từng thời điểm
Đổi tỉ lệ
Làm cho chủ thể lớn hay nhỏ hơn
Thay đổi tỉ lệ, đơn vi thời gian hàng giây, phút, giờ ngày, tuần tháng năm
Biến dạng về qui mô điạ phương hay toàn thể, cở tương đối, tỉ lệ, và chiều hướng
Thay thế
Thay thành phần, đổi chỗ, hay thế chấp
Những ý kiến, hình ảnh, hay vật liệu nào khác có thể thay đổi
Những cách thức kế hoạch khác hay các bổ sung có thể tận dụng
Đập bể vụn
Tách rời, chia nhỏ, cắt hay mổ xẻ
phân nhỏ đối tượng hay ý kiến ra từng phần
Băm chặt nhỏ, tháo rời nó
Thiết bị nào có thể chia nhỏ ra thành nhiều lượng nhỏ hơn?
Làm thế nào để cho nó xuất hiện một cách không liên tục?
Cô lập
Tách rời, cài đặt riêng rẽ, hớt tiả, tháo ra
Chỉ lấy 1 bộ phận cuả chủ thể
Phần tử nào có thê tách rời hay tập trung lên?
Bóp méo
Vặn xoắn chủ thể ra khỏi hình thể ban đầu, sự cân xứng, hay ý nghiã cuả nó
Tạo nên các sự bóp méo tuởng tượng hay thực tế
Biến dạng để sản sinh ra chất lượng thẩm mỹ, biểu tượng thống nhất
Làm dài rộng mập ốm
Nấu chảy, bào mòn, chôn vùi, bẻ nứt, xé, hành hạ, đổ tràn thứ gì lên nó
Tương tự
Vẽ các sự liên đới
Tìm kiếm sự tương tự giưã hai vật khác nhau
So sánh phần tử giưã các lĩnh vực hay các khuôn phép
Tôi có thể so sánh chủ thể cuả tôi với cái gì?
Tạo ra các mối tương quan hữu lí và vô lí
Lai tạo
Lai tạo các đăc tính cuả chủ thể với những "con giống" không có trong thực tế
Cái gì bạn sẽ nhận được nếu "giao-hợp" một ... với một ...?
Giao thoa các màu sắc, dạng thức, hay cấu trúc
Làm màu mở (bằng cách pha trộn hay lai tạo) các phần tử hữu cơ và vô cơ
Làm phì nhiêu các ý kiến và cảm nhận
Chuyển hoá
Biến dạng, thay hình, đôi cấu trúc hay cấu tạo
Mô tả chủ thể trong qúa trình thay đổi
Đổi màu hay cấu hình
Làm ra sự tiến bộ về cấu trúc
Làm phép hoá thân (từ nhộng thành bướm)
Nhấn nhá
Đồng thuận hoá với chủ thể
"Lấy râu ông này cắm cằm bà nọ"
Nhân cách hoá
liên hệ tới chủ thể một cách cảm hứng, tùy tiện, hay chủ quan
Trùng lắp
Tái lặp một hình, dáng, cấu tạo, ảnh, hay ý
Làm lại, vang vọng âm thanh, phát biểu lại hay sao y chủ thể trong một cách thức nào đó
Kiểm tra, chi phối các yếu tố cuả sự xuất hiện, cuả nhịp gõ, cuả sự tiếp nối, và cuả sự tiến triển
Đánh lạc hướng
Nguỵ trang, ẩn giấu, đánh lưà, mã hoá
Trốn, hóa trang, "cấy" đối tượng vào trong một khuôn khổ trong hướng nhìn khác
Giả trang, làm như cắc kè, và bướm
Tạo ra hình ảnh tiềm ân để liên lạc một cách tìm thức
Trêu Hài
Giễu cợt, nhái theo, nhạo báng, khôi hài hay vẽ châm biếm
Chọc cười lên chủ thể, xỏ xiên
Chuyển nó sang thành một trò đuà, chuyện tếu, tấu hài, hay chơi chữ
Hướng thành trò hề, lố bịch, hay hài hước
Làm phim/truyện tếu về vấn đề
Lập Lờ
Viễn tưởng hoá, "bẻ cong" sự thật, nguỵ biện, tưởng tượng
Dùng chủ thể như là một bình phong để thay thế cho thông tin
Diễn dịch thông tin một cách sai khác để gây bối rối hay lưà dối
Biểu tượng
Những "kí hiệu" thấy được đại diện cho một thứ gì khác hơn là cái chức năng thông thường cuả nó (biểu tượng hoá)
Thiết kế hình biểu tượng cho ý kiến cuả bạn
Làm sao để chủ thể có thể "nhuộm thắm" bằng các biểu tương chất lượng
Các biểu tượng chung (công cộng) là khuôn mẫu, là phổ biến và đã được hiểu.
Các biểu tương riêng tư là bí ẩn, mang ý nghia đặc biệt cho vật nguồn
Nghệ thuật cuả công việc là kết hợp cả hai loại biêu tượng chung và riêng tư
Biến chủ thể cuả bạn thành một biểu tượng
Giai thoại hóa
Dựng nên một thần thoại xung quanh chủ thể
Chuyển chủ thể trở thành đối tượng mẫu mực (hay biểu tượng)
Ảo tượng hóa
Ảo tưởng hoá chủ thể
Kich hoạt những ý nghĩ về về siêu thực, phi lí, kì dị, quái đản
"Lật đổ" những dự kiến về tinh thần và cảm giác
Bạn có thể kéo dài sự tưởng tượng ra đến bao xa?
"Cái gì xảy ra nếu xe gắn máy làm bằng các cục gạch?"
"Nếu như mấy con cá sấu chơi trong hồ bơi?" Cái gì xảy ra nếu ngày và đêm cùng xảy ra trong cùng một lúc?"
Tham Khảo
Creative Thinking Strategies   Synectics...    Linking thinking   Synectics
Ellis Paul Torrance
XI. Đảo lộn vấn đề
1. Đảo Lộn Vấn Đề
Tôi còn nhớ một câu chuyện kể khi còn bé, chuyện thế này: có một anh chàng sau khi hoàn tất nghiã vụ Thanh Niên Xung Phong (NTXP) về lại xóm cũ, anh ta hay kể cho lũ nhỏ chúng tôi nghe đủ thứ chuyện trên đời từ chuyện ăn con mối chúa sao cho ngon cho đến chuyện khó quên là làm thế nào giết chết được ... con đỉa (dĩ nhiên đây mãi mãi chỉ là huyền thoại):
"Huyền thoại thời tuổi thơ thường cho rằng điả là con vật không thể nào giết được... vì đem chặt làm nhiều đoạn thì y như rằng mấy hôm sau mỗi phần thân thể cuả con đỉa nguyên thủy sẽ biến thành một con đỉa con mới. Đã vậy, đem nó phơi khô cả năm cho đến mùa mưa sau thì đỉa lại sống lại ... "dai như điả đói". Vậy mà anh hàng xóm TNXP đã tuyên bố với tụi nhỏ rằng anh ta đã thành công tìm ra phương pháp tiêu diệt con điả rất tuyệt vời .... Sau nhiều lần năn nỉ, chúng tôi mới đươc tiết lộ bí mật: "Muốn cho điả chết hẳn thì chỉ có nước ... lấy cây đũa ăn cơm đâm xuyên dọc vào đầu con đỉa và lộn trái nó từ trong ra ngoài (nghiã là bộ da con điả bây giờ trở thành ... bộ đồ lòng! "
Lúc đó tôi vô cùng kinh ngạc. Thật là "gớm" nhưng cũng thật là ....sáng tạo?!!! Không làm gì được thì "lộn trái" nó ra hổng chừng đó là phương cách giải quyết êm đẹp nhất cho vấn đề mà mình đang gặp.
Thưa các bạn, phương pháp suy luận đảo lộn vấn đề đã được con người biết đến và sử dụng rất lâu đời. Ở trung học chúng ta cũng đã làm quen với lối suy luận này khi mà các HS lớp 10 được học về cách chứng minh phản chứng và HS còn được giới thiệu về luật De Morgan (-- Augustus De Morgan (1806-1871)). Tuy nhiên, với 1 cái nhìn thoáng hơn thì phương pháp đảo lộn vấn đề có rất nhiều cách áp dụng chớ không chỉ gói gọn trong vài thứ đã học.
2. Các hình thức đảo lộn vấn đề
Tùy theo hướng nhìn mà thấy chữ các cái H N hay là I Z
Đảo lộn hay phủ định toàn bộ vấn đề
Đảo lộn hay phủ định một phần vấn đề
Đảo lộn hay phủ định chức năng
Đảo lộn hay phủ định hình dáng hay không gian (từ trên xuống, từ trong ra, ...)
Đảo lộn hay phủ định màu sắc hay đặc tính
Đảo lộn hay phủ định thứ tư hay thời gian
Đảo lộn hay phủ định về số hay chất lượng
Phản thí dụ.
Phản chứng
3. Một số tình huống áp dụng
Như là các ví dụ minh hoạ thêm chúng tôi xin trích ra đây vài tình huống.
Đôi khi bạn phải ở trong thế bị động không biết loay hoay để trả lời câu hỏi "Tai sao ...?" (why) thì có cách đơn giản để thay cách nhìn vấn đề là đặt ngược thành câu hỏi "Tại sao không?" (Why not?)
Câu chuyện cổ minh hoạ việc đảo lộn chức năng:
Vị hoàng đế muốn giết một nhà thông thái ông ta ra lệnh bỏ vào trong một bình sứ cao cổ hai viên hắc ngọc và truyền để bình sứ lên chung với 1 mâm thức ăn vô cùng thịnh soạn. Sau đó, cho goi nhà thông thái ra mà phán rằng:
"Sau nhiều lần nhà ngươi cãi lệnh trẫm, nay trẫm quyết định ban cho ngươi một ân huệ cuối cùng -- Ta đã bỏ sẵn vào bình sứ đặt trên mâm thức ăn trước mặt ngươi hai viên ngọc một viên là hồng ngọc còn viên kia là hắc ngọc. Nhà ngươi được ăn bất kì thứ gì trên mâm và sau đó nhà ngươi được lấy ra một viên ngọc từ trong bình sứ. Viên ngọc còn lại sẽ thuộc về ta. Tùy theo số phận cuả nhà ngươi, nếu ngươi lấy ra được viên hắc ngọc thì ta sẽ lệnh chém đầu ngươi lập tức"
* Nhà thông thái biết rất rõ là ông vua chỉ muốn giết mình nên chắc chắn bên trong bình sứ chỉ có hai viên hắc ngọc nên sau một hồi suy nghĩ ... ông ta quyết định thay vì ăn thức ăn trên bàn thì ông ta bình tĩnh cho tay vào bình sứ tóm lấy 1 viên ngọc trong lòng bàn tay và rút ra ... không để ai kịp thấy ... bỏ tỏm vào miệng nuốt chửng viên ngọc. Rồi tuyên bố với vua:
"Kính thưa hoàng thượng: thần đã ăn xong món ăn thần thích đó là viên ngọc mà ngài đã ban cho ... bây giờ xin ngài hãy xem xét viên ngọc còn lại trong bình nếu đó là viên màu đen thì thần đã nhận được viên hồng ngọc"
Dùng quan niệm hay cái nhìn "ngược ngạo" đôi cũng giúp tìm ra chân tướng cuả vấn đề
Phản thí dụ: Thay vì phải tìm cách chứng tỏ một luật A đúng cho một tổng thể S thì chỉ cần tìm ra một bộ phân nhỏ hay X trong tổng thể S mà luật A không còn đúng nưã và như vậy luật A lập tức bị phủ nhận.
Tiêu cực hoá các mệnh đề: Chẳng hạn như khi làm việc với các vấn đề về dịch vụ cho khách hàng, bạn có thể liệt kê tất cả các phương cách làm cho dịch vụ này trở nên tồi tệ qua đó bạn có thể kiếm ra được nhiều ý hay.
Làm cái gì đó mà chưa ai thử: Thí dụ: Hãng máy tính Apple tiến hành nhiều thứ mà hãng IBM chưa từng. Các xe hơì Nhật thường nhẹ và sử dụng xăng hiệu quả hơn.
Sử dụng Kim-chỉ-nam "Cái gì sẽ đến nếu ..." -- Liệt kê ra các cặp hành động trái ngược mà có thể áp dụng cho vấn đề bạn đang gặp và tự hỏi "Cái gì có thể đến nếu thay một đặc tính này bởi đặc tính đối nghịch?"
Đổi chiều/hướng hay đổi vị trí cuả cái nhìn.
"Đẩy-Kéo" các hiệu quả: Nếu muốn tăng sản lượng hàng tiêu thụ hãy nghĩ về việc giảm chúng.
Hoán đổi thất bại với thành công và ngược lại: Nếu có viêc gì đó trở nên tồi tệ hày nghĩ về mặt tích cực cuả trạng thái đó. Chẳng hạn nếu máy computer bi hỏng, tôi mất nhiều thứ cất giữ trong đó, thì cái gì hay ho từ sự việc này có thể rút ra? Bài học: Cài đặt lại tốt hơn, hay không dùng nó nưã mà để toàn bộ thì giờ cho gia đình ...
XII. Thực tập phân tích phát minh
Phân Tích phát minh Bài viết này nhằm phần nào hổ trợ các bạn làm quen với một kĩ năng quan trọng mà đã bị bỏ quên không được dạy dổ hay rèn luyện một cách đầy đủ ở nhà trường: Kĩ năng nhìn nhận và phân tích những gì sẵn có. Bài viết chỉ lưạ chọn cái dể thấy nhất hy vọng từ bước đầu này các bạn sẽ tự mình làm quen dần với thói quen động não và đặt vấn đề từ đó phát hiện ra các điểm yếu hay mạnh cuả một đề tài. Từ đó có thể đưa ra các ý sáng tạo về đề tài mà mình phân tích.
Để luyện tập, hãy tự tìm đặt vấn đề bằng cách quan sát và phân tích những sự kiện gần gũi với đời sống. Chẳng hạn bài này sẽ đưa ra một phân tích mẫu về chức năng cuả bình sưã cho em bé.
1. Đặt vấn đề và phân tích tổng quan
1.1 Mô tả và xác định đối tượng
Từ vú em cho đến bình sưã và vấn đề cuả bình sữa Bầu sưã là nơi mà ai chưa qua chưa phải là người. Tất cả đều nếm trải nó! Đặc biệt đối với đa số em bé trong thời buổi như hiện nay, nhưng chắc không mấy ai để ý đặt câu hỏi rằng cái bình mà mình đang trang bị cho em bé có vấn đề gì để thắc mắc. ( Ngoại trừ mấy ...nhà sản xuất bình và mấy em bé!! ). Thật ra, một yếu tố rất quan trọng gây ảnh hưởng đến việc "thụ hưởng dòng sưã ngọt ngào" cuả các bé là: Làm sao để sưã trong bình được cung cấp một cách dể dàng đúng lúc đúng lượng tùy theo sức mút cuả bé. (*). Trong chừng mức ngắn ngủi cuả bài viết chúng tôi chỉ nêu những điểm chính.
Tập thói quen lúc nào cũng quan sát sự việc một cách có suy nghĩ, không bao giờ ngừng đặt câu hỏi về khả năng và chất lượng thực cuả chủ thể đưọc quan sát.
Không nhiều người nghĩ rằng một trong những nguyên nhân làm các bé ... gầy yếu và bỏ sữa sớm là vì bình sữa không làm tốt nhiệm vụ cuả nó. Để minh hoạ, xin so sánh với việc uống nước. Bạn cảm giác ra sao khi đang lúc khát được cầm một ly nước giải khác đầy mà lại chỉ được uống từng ngụm rất nhỏ cách quảng .. Nghiã là sau khi ngậm xong 1 ngụm đầu bạn phải nhả ra chờ ... vài giây rồi lại uống ngụm kế ... chưa kể là trong mỗi ngụm như vậy hết một phần lớn là không khí. Hoàn toàn tương tự, đối với một bình sữa chất lượng tồi sẽ gây nhiều trở ngại cho việc dinh dưỡng cuả các em. Nguyên do chính là vì người sản xuất đã không đặt vấn đề đã nêu khi chế tạo bình.
Muốn tìm tìm nguyên nhân cuả một vấn đề thì trước hết phải mô tả được đối tượng (hay chủ thể làm việc) và chức năng cuả nó.
1.2 Phân tích mô tả, cấu trúc cuả chủ thể
Việc phân tích nên bao gồm hình dạng, chức năng, vật liệu cấu tạo, đặc tính ...Chi tiết càng nhiều thì sẽ càng giúp cho việc cải tiến hay điều chỉnh thiết kế (nếu có) về sau. Trong phân tích cần tránh tối đa các sai lầm hay thiếu sót các điểm chính. Mặc d`u vậy, việc phân tích có thể được bổ xung điều chỉnh từ từ về sau một khi đối tượng nghiên cứu được tìm hiểu sâu hơn chính xác hơn. Hơn nữa người phân tích không nên cố chấp hay phụ thuộc vào các chức năng phân tích này mà thay vào đó là ột tinh thần cởi mở hơn (nghĩa là giữ chính xác sự phân tích để hiểu chứ không để tạo bức tường định kiến cho việc sáng tạo)
Các bộ phận chính cuả bình sữa: Một bình sữa thông thường (nếu không kể sữa) sẽ bao gồm 3 bộ phận chính:
Hình 1: bình sữa với các bộ phận chính
Thân bình: Chứa luợng chất lỏng (sữa) cần thiết. Nhiệm vụ chính là cung cấp chất lỏng qua ngỏ núm. Chất lỏng không được rỉ qua các chỗ liên kết với các bộ phận khác. Cấu tạo và hình dáng thường không giữ vai trò điều tiết. Thường bằng thuỷ tinh hay nhựa.
Nắp: Liên kết giữa núm và miệng bình. Nhiệm vụ chính là hàn kín núm và miệng bình để sưã không bị rỉ ra khi bé bú. Hầu hết các kiểu bình là nắp có răng vặn ăn khớp với miệng mình.
Múm: Làm nhiệm vụ cung cấp sưã. Phần quan trọng nhất là chổ tiếp giáp với vòm miệng cuả bé. Múm được chế tạo mô phỏng như cuả người mẹ. Làm bằng nhựa dẽo chất lượng cao (có thể làm bằng chất liệu silicon để tăng độ bền dẻo). Ở đỉnh núm sẽ có một hay vài lỗ thủng nhỏ (tùy theo lưá tuổi) gọi là lổ cấp sưã. Đây là cơ phận đóng vai trò chính trong việc điều tiết lượng sữa trong bình. Độ dày và cấu trúc khác nhau cuả núm đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung ứng sưã cho mỗi lần mút.
=== Phân tích vận hành cuả chủ thể===   Để ý các điểm sau:
Các điều kiện để vận hành.
Diễn biến hoạt động thông thường (operation) cũng như các phản ứng bất thường cuả nó.
Các yêu cầu về chất lượng và số lượng cũng như không gian, thời gian tính.
Đây thường là bước quan trọng nhất để tìm ra chổ khiếm khuyết cuả một sản phẩm, một lí thuyết hay một phát minh mới.
Việc bú bình có những diễn biến nào?
Trong ví dụ này thì yếu tố không gian và thời gian không giữ vai trò quá thiết yếu.
Bé mút lên núm tại vị trí cuả các lổ thủng tạo một lực hút trực tiếp lên chất lỏng bên trong bình (áp xuất trong vòm miệng nhỏ hơn áp xuất cuả chất lỏng). Do đó, dòng sưã sẽ bắn ra.
Sau vài lần mút liên tục thì áp xuất bên trong cuả thành bình giảm dần. Nếu như không có một cơ chế nào khác để tăng (hay để cân bằng) áp xuất bên trong bình so với áp xuất không khí, thì áp xuất này tiếp tục xuống cho đến khi nó bằng với áp xuất tạo thành bởi vòm miệng. Tại thời điểm này, sưã sẽ ngưng chảy ra khỏi các lổ nhỏ.
Để dòng sưã có thể tiếp tục chảy ra qua các lổ ở đầu núm thì bắt buộc không khí bên ngoài phải chui lọt và trong bình bằng cách nào đó. Những cách đó có thể là:
Bé hả miệng ra (hay chép miệng) không khí có áp xuất hơn áp xuất bên trong bình nên sẽ theo các lỗ nhỏ cuả múm chui vào bình
Bé không hả miệng nhưng vì độ xiết chặt cuả nắp bình không đủ để cản trở không khí đi ngược vào bình qua chổ tiếp giáp
bình ↔ nắp ↔ núm
Có một cơ chế nào khác chủ động (từ nhà chế tạo) để đưa không khí bên ngoài vào cân bằng áp suất (tạm gọi là CCCBAS). Cơ chế này sẽ được đào sâu trong phần tiếp theo.
Dựa vào các hiểu biết đã phân tích ở trên để tìm các chổ yếu và mạnh (còn gọi là phân tích hiệu quả - hậu quả)
Chổ nào dể bị tắt ách, hoạt động không tốt, không nhanh, không tối ưu, hay không vững và có thể là nguyên do gây trở ngại? Từ đó xác định vấn đề.
Chổ nào có thể hoạt động không đồng bộ (sưã tiết ra không đều), không hoàn thành chức năng (sữa bị rỉ hay cung cấp lúc bé không cần gây sặc sưã). Số lương, chất lượng, và chu kì cuả hoạt động (không khí lọt vào dòng sữa, sưã bị tạo bọt...) Hình2: Nuốt không khí khi bú
* Trường hợp CCCBAS không có hay không hoạt động hữu hiệu thì không khí từ bên ngoài sẽ đi theo các lổ cấp sữa để vào bình. Lượng không khí này là nguyên do tạo ra bọt cho sữa và nhiều lúc vì không khí chưa kịp thoát lên hết khỏi núm thì bé đã bắt đầu mút sưã. Một phần không khí bây giờ đổi chiều đi theo mồm cùng với một lượng nhỏ sưã vào ... bao tử bé. (Bé có thể đã dùng môi hay răng cắn chặn lên không để cho không khí thoát khỏi núm -- xem hình)

Dựa vào các phân tích đã có, chúng ta thấy được một điểm cần chú ý là bộ phận tạo cân bằng áp suất cho bình sữa khi bé bú. Nhiều bình sưã đã không có hay chỉ thiết kế qua loa dẫn đến hiệu quả không tốt cho trẻ bú.
3. Tìm tòi xem xét các bước cải tiến, hoàn thiện hay thiết kế mới có thể lên các chổ yếu
Đây là lúc chúng ta bắt đầu để ý xem sự áp dụng các phương pháp suy nghĩ sáng tạo từ các nhà sản xuất khác nhau cho cùng một vấn đề.
3.1 Cải thiện những thiết kế cũ
Từ khi bình sưã có mặt trên thị trường thì mỗi nhà sản xuất có thể nhìn và cải tiến các loại bình sưã cho bé ở các góc độ khác nhau -- Có sản phẩm rất tốt nhưng cùng có nhiều thứ "phát minh" trở nên xa lạ và ... buồn cười nưã. Xin lần lượt trình bày một số điển hình.
Bước đầu tiên cuả việc cải thiện những mô hình thiết kế cũ là ước định cho được tầm mức cải biến, giá trị cuả nó, giá phải trả (không chỉ tính trong chi phí mà phải tính đến nhiều yếu tố bị ảnh hưỏng khác kể cả không và thời gian), và quan trọng nhất hiệu quả thực dụng cũng như các phản ứng phụ (side effect) cuả nó. Trong khi "cân đo" tầm mức xứng đáng để cải thiện thì hãy tính toán việc lưạ chọn phương án nào tốt nhất.
3.2 Cải tiến cục bộ
Từ bộ phận nào hay chức năng nào?
Trong bình sưã thì rõ ràng bộ phận núm là bộ phận trực tiếp cung cấp chất lỏng nên việc dể hiểu là nhiều nhà sản xuất sẽ cải tiến từ bộ phận này:


Hình 3: CCCBAS đơn giản nhất là ... đục thủng một lổ rất nhỏ trên vành cuả múm cao su hay khoét 1 khe nhỏ
Núm: thêm thắt hay ... cắt bớt. Người ta có thể thiết kế lại hình dáng cuả núm (cũng như nắp để thoả mãn điều kiện củ núm mới)
Cách đơn giản nhất để có một CCCBAS là ... chỉ cần đục một lỗ nhỏ trên vành núm. Thật vậy, khi đường kính lổ này khá nhỏ thì bình thường chất lỏng sẽ (ngay cả không khí) sẽ không chui lọt qua được (do sức căng bề mặt cuả nước) đó đó nó sẽ không bị rỉ. Ngược lại, khi có một áp suất vừa đủ (cở sức mút cuả bé) thì không khi sẽ vượt qua "van" cản này dể dàng và góp phần cân bằng áp suất trong bình.
Một cách cải thiện khác là sưả đổi dạng vành cuả núm (và nắp):
Hình 4:Thay đổi vành núm
Nắp: Đi xa hơn nhà thiết kế có thể biến nắp trở thành CCCBAS: Bằng cách thay đổi hình dạng, nắp dùng để chỉnh độ lớn dòng sưã.
Hình 5:Thay đổi vành và nắp
Tuy nhiên, trong các cải biến trên vẩn còn một khuyết điểm nưã không khắc phục được là khi không khí vuợt qua các van từ phía dưới (lúc cho bé bú thì bình sữa đuợc để nghiêng đáy bình cao hơn và núm ở vị trí thấp nhất). Không khí khi đi ngang qua lớp sữa sẽ tạo nên rất nhiều bọt -- (Mặc dù theo tác giả bài viết bọt sữa dẫu sao cũng sẽ nổi lên trên lập tức và ở ngoài phạm vi múm ... không mấy ảnh hưởng đến ... sức khoẻ bé) Những bọt sữa này có thể gây ra cảm giác không hài lòng cho người tiêu dùng.
3.3 Cải tiến theo định hướng
Bình: Trong việc cải tiến thì nan đề chính là áp xuất không khí và áp trong bình sưã chứ không nhất thiết là bộ phận nào sẽ gánh chức năng CCCBAS. Do đó, người ta có thể nghĩ đến việc gắn cái "van" ở dáy bình sưã:

Hình 6:CCCBAS được chế tạo và đặt ở đáy bình thay vì ở nắp hay núm
Khi đưa ra một phương án mới giải quyết được vấn đề thì một điểm cần chú ý nưã là các hiệu ứng phụ. Các hiệu ứng phụ này có thể trở thành nguyên do thất bại cuả đề án mới. Trong việc thiết kế lại bình hay nắp thì một điều nhà thiết kế có thể không nghĩ tới là ... việc rưả bình để tái dùng có dể dàng hay không? (Hà hà vì vậy chưa chắc mua bình sưã kiểu mới hơn sẽ tiện hơn cho ... phụ huynh!!!!)
3.4 Bước Đột Phá ngoạn mục: Thiết kế mới
Khi mà nổ lực sửa chữa cũng không thoả mản thì ... một cách hay là đặt lại câu hỏi và trả lời trực tiếp tìm giải pháp không phụ thuộc vào những cái cũ. (Chổ yếu cuả phương pháp: khó, đầu tư lại hoàn toàn di chuyền sản xuất,....)
3.5 Sửa đổi chức năng cuả bộ phận

Hình 7: với kiểu này thì bé (và vú em) khỏi phải cầm bình ... để bình 1 góc cho bé mút
Tuy nhiên: rửa bình vốn không phải là vấn đề nay trở thành bài toán không dể!
Thay vì chỉ đóng vai trò bị động ta có thể làm một bộ phận trở nên chủ động. Hãy biến nắp thành một cái gì lạ hơn:
3.6 Thêm bộ phận mới
Tùy theo hoàn cảnh chức năng mà ta có thể thiết kế lại hay thêm vào một cơ phận chuyên biệt để ... xử lí vấn đề. Tuy nhiên, một lần nưã sai lầm có thể phạm phải là cần thử nghiệm trước xem mô hình này có ...đẹp mắt hay là có hiệu ứng phụ gì?
Hình 8: Thêm vào bộ phận mới chuyên trị ...
Tư tưởng sáng tạo không giới hạn
Thật ra, trong các đề án, một điều nên lưu ý là tư tưởng người phát minh đã mặc nhiên giả định những điều mà họ không ngờ hay không lường được (giống như các nhà vật lí cổ điển mặc nhiên cho tách rời không gian với thời gian vậy). Trong thực tế, những ai bẽ gãy được các các định kiến trong chính bản thân mình sẽ có thể có cái nhìn mềm mại và thoáng hơn.
Nhà phát minh sau đây đáng nể phục vì đã bẽ gãy được những cố chấp cứng rắn cuả ... bình sưã: Thay vì dùng bình nhựa hãy dùng bình bằng .. giấy không thấm hay bao nhưạ (nylon). Tự động, khi sưã ra khỏi miệng bình thì ... cái bao giấy này cũng sẽ co nhỏ thể tích ( hãy so sánh với cái bong bóng đầy nước... bị châm lổ để thoát nước ra ở đáy ... nó đâu cần CCCBAS nào để làm nhiệm vụ!!! ) Bởi vì bình bằng giấy hay bịch nylon nên ... việc rửa bình là không cần thiết (chỉ việc đặt bình giấy này vào ... thùng rác là xong chuyện ).
Đương nhiên, một phát minh như vậy cũng còn chổ yếu cuả nó: người ta phải mua một lần .. vài chục bình. Ngoài ra người ta còn phải giải quyết vài vấn đề tương thuộc nữa là ...cách pha chế sữa vào bình kiểu này. Tuy nhiên, trong thị trường, đã có nhiều lời giải đơn giản. (chẳng hạn như bán bình đã pha sẵn, hay chỉ việc gia cố cho miệng bình đủ cứng và đặt vào khung giữ để rót sưã vào,...)
Hình 9a: 100 bình sữa trong 1 bao nhỏ giá vừa phải
Hình 9b: Bình sữa bây giờ chỉ làm chức năng cái khung giữ (holder)
4. Lưu ý quan trọng
Nếu như ta nhận xét rằng bản thân chai lọ hay bất kì thứ gì trong thế giới này đều biến động (vô thường) thì trong việc chế tạo hay thiết kế các đề án mới người nghiên cứu nên đặt yếu tố biến động này vào trong kế hoạch. Có vậy, những sản phẩm làm ra sẽ có thể uyển chuyển và có khả năng thoả mãn theo sự biến đổi cuả môi trường phần nào tránh được các hậu quả không tốt do sự thay đổi gây ra.
Từ chổ có thói quen nhận biết cái hay cái mới của mọi thứ xung quanh đến việc tự mình phát hiện và tìm ra những cái hay cái lạ không phải là một bước quá xa vời. Mọi thứ đều có thể khởi nguồn từ việc gieo rắc thói quen và luyện thập thường xuyên cho bộ não. Hậu quả cuả nó còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chắc chắn rằng các thói quen tập trung suy nghĩ phân tích ngọn nguồn mọi việc sẽ chỉ có lợi cho cuộc sống hằng ngày.
5. Bài tập
Bài 1: Hãy phân tích về những phát minh áp dụng trong các loại kìm, khoá, ê-tô,..để vặn bù-lon dùng hàng ngày ( tui ngày xưa theo mấy ông sưã xe gắn máy ... ngồi góc đường nên thích đề tài này lắm! )
Bài 2: Hãy phân tích ưu khuyết điểm các dạng đèn phát sáng hiện có trên thị trường.
XIII. Từ phát minh đến nhận bằng phát minh
1. Từ Phát Minh Đến Nhận Bằng Phát Minh: Con đường đau khổ nhiều tập
Bài viết này trông có vẽ lạc lỏng vì nó không chỉ ra được một kĩ năng nào cho người đọc về việc suy luận sáng tạo. Tuy nhiên, nội dung lại chứa đựng một số thông tin cần biết cho một người phát minh về bước tiếp sau quá trình sáng tạo. Do tính cần thiết, nên bài này được xếp như là một loại "kỹ năng" của công việc sáng tạo

Thưa các bạn, Bài viết có một cái tưạ ... bi quan như trên, chủ yếu là ... để tăng sự lưu ý cuả các bạn về thực tế mà những người đã sáng tạo có thể gặp phải. Như vậy, những khó khăn nào mà sau khi đã phát minh ra cái mới rồi mà nhà sáng tạo vẩn phải đương đầu? Hy vọng bài viết này sẽ nêu được vài thông tin hữu ích ngỏ hầu làm quà tặng cho các bạn nào muốn trở thành "khoa học gia" làm một phần hành trang. Bài viết này giả sử rằng bạn vừa tìm ra một ý tưởng hoàn toàn mới hoặc là thiết kế, chế tạo được một chi tiết hay "sản phẩm" nào đó mới lạ hơn so với hiểu biết hiện tại. Để tránh các hiểu lầm đáng tiếc, bài viết sẽ không nêu đích danh và không cho bất kì chi tiết nào liên quan đến sự hoạt động trong lãnh vực bảo vệ tác quyền cuả từng hãng xưởng ở trong và ngoài nước.
1.1 Trước khi nhập cuộc
1.1.1 Bằng phát minh(*) là gì và khi nào nên tiến hành thủ tục xin cấp bằng phát minh
1.1.1.1 Khái niệm "bằng phát minh"
Nếu lên trang google và gõ vào đó từ khoá define:patent thì bạn sẽ nhận được hơn 30 định nghiã khác nhau chỉ riêng cho chữ này. Tùy theo tiêu chuẩn, tùy theo quốc gia, và tùy theo quan điểm mà người ta đưa ra khái niệm cho phù hợp với mụch đích xử dụng cuả người theo định nghĩa nó. Ở đây, ta tạm hiểu: Bằng phát minh (patent) là một loại văn bản công nhận đặc quyền cuả một chính quyền cấp cho người (nhóm ngườì, hay một tổ chức) đã đăng kí phát minh cho phép người đó (họ) việc mua, bán xử dụng, cho thuê mướn, san sẻ, chuyển nhượng, hay sản xuất một loại thiết bị, thiết kế, kiến trúc, hay một kiểu máy trong một thời gian ấn định nhằm tưởng thưởng cho (những) người phát minh.
1.1.1.2 Đặc điểm
Để công nhận một phát minh mới thì thường mỗi quốc gia sẽ có tiêu chuẩn và cách thức riêng. Ở đây, chỉ xin đề cập đến các điều kiện hay tính chất đặc thù cuả chung một phát minh (nhất là tại Hoa Kì):
Tính sáng tạo và khả dụng:
Để được công nhận là một phát minh thì thiết kế hay thiết bị phải hữu dụng (useful), nguyên gốc (original) (đầu tiên do người phát minh làm ra chớ không phải từ nguồn khác), và không hiển nhiên (đã là phát minh thì không thể mọi người đều có thể thấy biết hoặc làm được một cách dể dàng)
Tính mãi dụng:
Bản thân phát minh phải cụ thể như là một thiết bị, một loại máy hay chí ít là một phương thức ứng dụng, kiến trúc hay thuật toán (như trong trường hợp cuả các phát minh về phần mềm điện toán, hay các công thức chế tao ...đồ ăn). Hầu hết đều hoặc là một sản phẩm hoặc là một phần cuả sản phẩm có thể buôn bán giao dịch hay trao đổi.
Tính hữu hạn:
Quyền lợi cuâ người có bằng phát minh thường chỉ có giá trị trong một thời gian tùy theo quy định cuả mỗi nước. Riêng đối với các bằng phát minh quốc tế (các nước theo công ước Paris trong đó có Hoa Kì) thì bằng phát minh có giá trị lên đến 20 năm. Một số bằng phát minh được công nhận trong nội bộ cuả một nước thì thời gian hết hạn sẽ do luật pháp nước sở tại qui định (ở Mỹ là 17 năm). Sau thời gian đó, các quyền lợi sẽ không còn nưã và giá trị của bằng phát minh chỉ lại là giá trị biểu tượng (hay danh dự) cho người sáng tạo ra nó.
Tính độc quyền:
Một khi được bằng phát minh thì người phát minh dưới sự bảo vệ cuả luật pháp có các đặc quyền như đã nêu trong phần khái niệm. Và những ai vi phạm các đặc quyền này (kể cả các cơ quan công quyền) đều có thể bị tác giả phát minh đưa ra tòa đòi bồi hoàn thiệt hại.
Tính tổ chức:
Bằng phát minh trước hết phải được đăng kí từ mỗi quốc gia và được quản lí bằng luật lệ cuả chính phủ quốc gia cấp bằng.
Tính nhân bản:
Sau khi hết hạn sử dụng thì phát minh sẽ trở thành tài sản công cộng (public domain) nghiã là mọi người đều có quyền xử dụng phát minh đó nhưng không phải trả tiền. Từ dây, phát minh là một phần tài sản chung cuả nhân loại hay quốc gia. Chính vì đặc điểm này mà có nhiều phát minh hay phát kiến mới đã được (hay bị??) chính phủ (nhất là các thiết bị quốc phòng), các hãng xưởng (để cất riêng các kĩ thuật mới), hay cá nhân (dấu nghề) không tiến hành thủ tục đăng kí xin bằng phát minh để giấu kĩ thuật hay giữ độc quyền trong thời hạn lâu hơn.
Tính ưu việt:
Một số nơi còn đòi hỏi rằng để công nhận một phát minh thì nó phải đem lại lợi ích cao hơn hay hoạt động hiệu quả hơn những trang thiết bị hay những thiết kế hiện có. Không phải nơi nào cũng đòi hỏi điều kiện này.
Ngoài ra, bạn có thể đặt thêm các câu hỏi: phát minh (invention) là gì? -- Tại sao nhiều công trình mới về toán hay về lí thuyết khoa học lại không có bằng phát minh? Xin bạn hãy xem xét tính chất lí thuyết trừu lượng cuả các học thuyết với các phát minh cụ thể cũng như liệu rằng các "bằng phát minh" như vậy đem bán cho ai? và ai sẽ dùng nó để trực tiếp làm sản phẩm gì?. (Xin xem thêm định nghiã Anh ngữ cuả chữ invention ở cuối bài). Ngoài ra, chúng ta còn có các khái niệm khác như là sáng kiến, sáng chế, phát kiến,...Ở đây sẽ không đề cập nhiều đến định nghiã các khái niệm đó. Để bảo vệ các "sản phẩm trí tuệ", ngoài việc dùng bằng phát minh, người ta còn dùng tới các "quyền" khác như là việc dùng đến bản quyền (copyright) chẳng hạn. Hơn nưã, sự khuyến khích cuả các "sản phẩm trí tuệ không bằng phát minh" có thể được đánh giá qua các giải thưởng cao quí (như Nobel, Nevalina, Fields, Abel, Wolf...) hay qua việc đặt tên cuả sản phẩm trí tuệ (Các định lí, học thuyết và ngay cả các phát kiến đều có tên và đó thưòng là tên cuả người sáng tạo đặt cho chúng)
Vì việc xin một bằng phát minh sẽ phải qua vượt nhiều thủ tục kiểm tra khá chặt chẽ từ việc trình bày cho thật rõ ràng minh bạch cho đến việc phải bảo vệ lập luận khoa học truớc tòa nên để đỡ mất thì giờ về sau người phát minh cần làm một số thử nghiệm:
Kiểm nghiệm lại tính đúng đắn (logic)
Hoạt động được trong các môi trường mà bạn đề nghị trong mọi tình huống
Không phản khoa học, không sai lầm trong lập luận hay logic,và không tự mâu thuẫn
Các thuật toán (nếu có) phải chính xác đầy đủ
Đề tài bạn đề nghị xin đăng kí phát phải đơn nhất -- nghiã là nếu phát minh cuả bạn là để giải quyết vấn đề A thì trong toàn bộ đề tài đưa ra chỉ nhằm trả lời vấn đề A chứ không đi tản mạn sang giải quyết các vấn đề khác.

Hình: Tìm ra chổ ... khiếm khuyết cuả ý kiến để loại trừ nó ra khỏi khung phát minh
Kiểm lại tính khả thi
Với trình độ kĩ thuật hiện tại, bằng phương pháp bạn nêu thì có thể tiến hành hay thực thi được.
Không có giả thiết nào tưởng tượng hay không rõ ràng chính xác
Những trang thiết bị và điều kiện cần (và đủ) nào để thực thi được phát minh
Thẩm định giá trị thực cuả phát minh -- Lí thuyết và thực tiễn
Đề tài mà bạn giải quyết phải hữu dụng; nghiã là nó có áp dụng cụ thể cho một gút mắt nào đó trong kĩ thuật hay trong đời sống.
Phát minh này cần thực sự có điểm ưu việt hơn các phương pháp hiện tại dùng để giải quyết cùng một vấn đề hoặc nó giải quyết được vấn đề mà trước nay chưa có cách nào khác giải quyết. Những điểm ưu việt có thể ở một hay nhiều khía cạnh chẳng hạn như: rẻ hơn, dể làm hơn, nhanh hơn, tiện lợi hơn, hay năng xuất cao hơn ....
Mục đích tối hậu cuả bằng phát minh là áp dụng được nó vào một sản phẩm nào đó. Do đó, nó không thể là một sản phẩm trừu tượng hay chỉ để "giải trí" (Ở đây xin đừng hiểu lầm "giải trí" với các sản phẩm hay thiết bị cho phục vụ cho giải trí).
Có nhiều phát kiến rất tuyệt vời nhưng vì không có áp dụng trực tiếp vào các sản phẩm nên sẽ không thuộc về dạng để đăng kí phát minh. Trường hợp này, người có phát kiến có thể nhận lãnh các dạng bảo vệ và tưởng thưởng khác.
Các nguyên tắc, nguyên lí, hay thuật toán mới sau khi đã được chứng minh và phát triển rõ ràng đầy đủ thì vẩn phải có một bước tiếp nối đó là quá trình thực hiện (hay thực nghiệm) môt mô hình mẫu hay một sản phẩm mẫu hoạt động được và hoàn toàn dựa trên những gì đã được nhà phát minh thiết kế. Trong da số các trường hợp, chính mô hình này mới thực sự là bước quyết định để nhà phát minh được công nhận. Tạm gọi bước này là quá trình kiểm nghiệm nguyên lí (proof-of-concept process). Bởi vì quá trình này có thể mất một thời gian khá lâu cho nên trong nhiều trường hợp nó được tiến hành song song với thời gian xin đăng kí phát minh
Ước lượng các loại công sức, chi phí, thời gian, không gian, và hiệu năng cuả phát minh.
Ngoài ra, giá trị thực tiễn cuả một đề án hay một phát minh còn phụ thuộc vào giá thành tính bằng tiền, thời gian, và công sức bỏ ra. Có nhiều phát minh đã được cấp bằng từ sớm nhưng mãi nhiều thập niên sau vẫn chưa đem ra áp dụng được vì chi phí quá cao ... Đôi khi phải đợi đến khi có các phát minh khác hiệu quả hơn về mặt thực tiễn ra đời thay thế và phát minh gốc ban đầu ...đã chìm vào quên lãng. Trong trường hợp như vậy, tùy theo đánh giá cuả người chủ phát minh là có nên xúc tiến hành xin patent hay không. Nếu có, thì nên nghĩ đến các yếu tố tinh thần khác hữu ích cho đời sống như yếu tố về vinh dự, về giáo dục ... (hay ngay cả chỉ để đem "lộng kiến".)
Lấy thêm ý kiến khách quan
Ý kiến khách quan luôn luôn cung cấp cho chúng ta những góc độ nhìn khác nhau cuả nhiều trình độ khác nhau về vấn đề mà bạn giải quyết. Tuy nhiên, không phải ý kiến nào cũng chính xác 100%. Riêng đối với các chuyên gia bạn cẩn thận trọng hơn khi hỏi ý kiến. Đây có thể là con dao hai lưỡi. Người cho ý kiến có thể dùng chính ý kiến cuả bạn cho việc riêng tư cuả họ ngay cả việc tranh giành phát minh bằng cách nộp đơn xin đăng kí phát minh này ngay trước khi bạn hoàn tất bản xin đăng kí cuả bạn. Các đối tượng có thể giúp ý bạn là:
Các chuyên gia mà chuyên môn cuả họ liên quan đến phát minh cuả bạn.
Những người trực tiếp xử dụng "sản phẩm" mà bạn phát minh.
Người thân và bạn bè.
Cơ quan quản lí, hay chính quyền sở tại hay cơ quan sản xuất "sản phẩm" có liên đới tới phát minh.
Dẫu sao đi nưã, người phát minh, vì hiểu "đưá con tinh thần" cuả mình hơn ai hết, nên/phải là người chủ động đánh giá và đưa ra phát xét cuối cùng về chính phát minh cuả mình. Các ý kiến bên ngoài là để cho tác giả có thêm thông tin nhằm nhìn nhận và đánh giá "phát minh mới" một cách khách quan và sáng tỏ hơn từ các góc nhìn khác nhau.
Thực sự "phát minh"
Theo thống kê cuả ICO (http://patentsearch.patentcafe.com) thì chỉ riêng số patent cuả 10 hãng điện tử có nhiều phát minh được công nhận nhất trong năm 2003 tại Hoa Kì đã có tổng cộng hơn 19600. Như vậy bạn có thể tưởng tưọng con số thực cuả toàn bộ phát minh trên thế giới .... lớn đến cỡ nào. Do vậy, cũng sẽ không ngạc nhiên mấy nếu có hai phát minh giống hay tương tự nhau cùng xin đăng kí trong khoảng thời gian gần nhau.
Nếu biết được rằng ý đồ mà bạn vưà phát minh ra đã có người làm trước thì thông tin này sẽ giúp bạn giảm thiểu rất nhiều thì giờ và công sức (để huỷ bỏ ý định hay để tiếp tục.)
Để có thể biết được những thông tin về các phát minh đã có hay đang được cứu xét thì bạn có thể liên lạc với các dịch vụ lo về bằng phát minh (hay các văn phòng luật sư chuyên lo về phát minh) hay các cơ quan chính phủ lo về thủ tục cấp bằng phát minh cuả nước sở tại.
Riêng tại Hoa Kì, nước cấp nhiều bằng phát minh hàng năm nhất, bạn có thể tham khảo trang web cuả United States Patent and Trademark Office: http://www.uspto.gov/patft/index.html để tìm kiếm.
1.2 Bảo vệ đưá con cuả chính mình
Trong nhiều trường hợp người phát minh nên cân nhắc kĩ việc quyết định có nên hay không xin đăng kí một phát minh. Từ định nghiã khái niệm patent, quá trình xin phát minh không đơn giản góì gọn trong việc nộp đơn và chờ ... Trong rất nhiều trường hợp người phát minh phải bảo vệ ý kiến cuả mình (trước toà) và do đó sẽ tốn nhiều tiền bạc thời gian và công sức. Tuy nhiên, theo nhận định cuả các chuyên gia làm việc trong cơ quan cấp bằng phát minh thì lại cho rằng trong nhiều năm họ ít bao giờ thấy có "idea" nào hoàn toàn giống với "idea" nào. Nghiã là luôn có sự dị biệt giưã các phát minh (gần) tương tự nhau. Và như vậy bạn vẩn có thể có cơ hội nhỏ nào đó được cấp bằng khi đã có một phát minh khác đăng kí trước giống với phát minh của bạn. (Tuỳ theo khả năng bào chữa cuả luật sư!? ).
Như đã nêu, trong khi hoàn chỉnh đề án phát minh, nhà phát minh nhiều khi đã phải rút tỉa kinh nghiệm hay ý kiến từ các nhà chuyên môn và người ngoài ... Đây cũng chính là lúc mà ý kiến cuả phát minh có thể bị ăn cắp. Tùy trường hợp, có khi người làm phát minh nên chuẩn bị sẵn những bằng chứng trong trường hợp bị ăn cắp (chẳng hạn như có người chứng vật chứng là nhà phát minh đã đã đề xuất ý cuả mình trước đối phương).
Trong một số trường hợp khác, ý kiến (có thể sai lạc có thể đúng) cuả một số nhà chuyên môn cũng có thể làm "tan biến" ý đồ cuả phát minh. Do đó, người phát minh cần phải góp nhặt ý từ nhiều nguồn và phải biết bảo vệ tư tưởng cuả mình bằng những luận chứng xác thực cũng như biết mạnh dạn từ bỏ các "phát minh" thực sự vô dụng.
Trong các nước kĩ nghệ hoá thì đa số các nhà phát minh lại làm việc cho một một hãng xưởng, số còn lại làm việc cho một số đại học, hay là các nhà phát minh độc lập. Phần tiếp theo sẽ bàn về một số kinh nghiêm cho những người muốn phát minh trong khi vẩn làm cho một hàng kĩ nghệ
Làm việc cho hãng/công ty
Khi bạn kí hợp đồng làm việc cho môt hãng/công ty kĩ nghệ thì thông thưòng trong bản hợp đồng đó sẽ có điều khoản nói về việc quản lí các "tài sản trí tuệ" (intellectual property). Thường thì các hãng/công ty sẽ giành quyền sở hữu tất các sản phẩm trí tuệ mà bạn làm ra trong thời gian còn hợp đồng làm việc. Như vậy, ngoại trừ trường hợp hãng từ chối (như những phát minh không phù hợp với sản xuất cuả hảng chẳng hạn) các phát minh cuả người làm công ngay sau khi được cấp patent sẽ trực tiếp được (hay bị) chuyển nhượng toàn quyền xử dụng cho chủ hãng. Tuy nhiên, để khuyến khích các tài năng sáng tạo thì thường các công ty lớn sẽ dành ra một khoản tiền thưởng hay bồi hoàn cho mỗi phát minh đồng thời đây cũng là hình thức ghi nhận công lao của người phát minh.
Nét chung về chính sách cuả các hãng kĩ nghệ đối với các nhà phát minh
Ý thức được vai trò vô cùng quan trọng cuả phát minh đối với sự sống còn cuả mộc công ty cho nên nhiều công ty nhất là công ty kĩ nghệ lớn có các chủ trương chính sách để bảo vệ "tài sản trí tuệ" về mặt sản phẩm cũng như con người. Đây là sơ lược một thuật toán mà các công ty lớn lớn ở Mỹ hay dùng để xử lí các phát minh:
Khi 1 người làm tìm thấy ý kiến mới và nghĩ rằng đây có thể là một phát minh
Tiến hành đăng kí khai báo phát minh
Hội đồng duyệt xét phát minh (patent committee) có thể bao gồm các luật sư chuyên trách về thủ tục xin phát minh và các nhân viên có nhiều khả năng thẩm định (thường là các nhân viên đã đóng góp nhiều phát minh cho hãng) cuả riêng công ty đánh giá về "phát minh" này:
Đây là bước quan trọng nhất. Sau khi duyệt xét mẫu khai cuả nhà phát minh tuỳ theo chất lượng, tầm quan trọng cũng như ảnh hưởng của nó đến cơ chế sản xuất, hội đồng này (có thể có sự bàn thảo trực tiếp với nhà phát minh liên đới) sẽ cho ra các quyết định khác nhau. Nói chung các quyết định này thuộc về 4 dạng:
Ý kiến hoàn toàn mới phát thảo thực sự mới, đáng quan tâm, công ty có thể áp dụng và cần được bảo vệ trước các đối tác cạnh tranh: Bắt đầu thủ tục đăng kí phát minh và bảo vệ trước toà. Người ta còn phân biệt làm hai loại: Phát minh về tiện ích (utility patent) và phát minh về thiết kế (design patent)
1. Phát minh tiện ích: Luật sư sẽ làm việc với nhà phát minh để làm thủ tục xin cấp bằng. Trong nhiều trường hợp văn phòng cấp phát bằng phát minh có thể yêu cầu thêm thông tin, điều chỉnh sau đó chấp thuận hay huỷ bỏ phát minh này.
2. Phát minh về thiết kế: Các thiết kế thưòng không bao giờ giống nhau. Do đó, sẽ ít có trường hợp hủy bỏ phát minh
Ý kiến đã tìm thấy ở đâu đó (trong các cở sở dữ liệu về phát minh hay đã thấy xuất hiện ở thị trường: Bác đơn xin phát minh và bồi hoàn một số tiền công nhỏ cho người xin.
Ý kiến hoàn toàn mới, có tầm quan trọng lớn hay có ảnh hưởng đến các bí mật sản xuất và có thể dể bị ăn cắp hoặc nháy từ các đối tác cạnh tranh: Phát minh có thể được (hay bị) liệt vào dạng bí mật thương mại (Trade Secrete) và người nộp đơn sẽ có thể được thưởng một số tiền nào đó.
Ý kiến hoàn toàn mới có giá trị cao về mặt kĩ thuật hay sản xuất. Tuy nhiên, công ty lại không thể xử dụng ý kiến này (thí dụ hãng chỉ bán hardware nhưng phát minh cuả người làm lại chỉ liên quan đến software) Thì trong nhiều trường hợp, có thể công ty vì lí do nào đó (tiết kiệm tiền toà án chẳng hạn) không chịu nộp đơn xin đăng kí phát minh này nhưng lại vẩn muốn giữ "bản quyền thiết kế" sẽ bảo vệ "quyền phát minh" bằng cách cho công bố một phần hay toàn bộ thiết kế cuả phát minh trên một báo cáo kỹ thuật (world wide technical report). Phương thức này sẽ ngăn chận được tất cả các công ty khác dùng chính ý kiến đó để xin bằng phát minh. Trong trường hợp này thì người phát minh có thể phải điều chỉnh bản nội dung đang klí phát minh thành một báo cáo kĩ thuật để đưuợc nhận một số tiền thưởng nhỏ cuả công ty chủ quản.
Ngoài ra, để giữ "chất xám" khỏi bị "chảy máu" thì các công ty còn thể áp dụng các biện pháp khác ngoài chế độ thưởng cho mỗi phát minh như là nâng lương, nâng cấp chức vụ, hay có những ưu đãi khác cho các nhà phát minh làm việc trong công ty.
Cơ chế quản lí phát minh trong các công ty và các chỗ hở
Khái niêm Intellectual property cuả chủ có nghiã là "bán linh hồn cho .... "
Mặc dù làm việc cho hãng thì bạn sẽ phải chuyển nhượng các đặc quyền về phát minh cuả bạn cho chủ hãng nhưng bạn vẩn còn có những đền bù vật chất từ các chính sách ưu dãi về "intellectual property" (tài sản trí tuệ). Đồng thời trong nhiều hãng lớn, bằng phát minh vẩn ghi nhận tên bạn (như là người đề xướng). Nếu so cho kĩ thì việc này gần giống như một nhân vật trong truyện cổ sau khi đã bán linh hồn thì anh ta luôn luôn có tiền (lương) nhưng không thể nào thấy được ảnh cuả mình trong gương cho đến khi hết hợp đồng (làm việc).
Phần thiệt thuộc về ai?
Trong xã hội thì mỗi công ty kĩ nghệ có thể có các qui ước về bảo quản các tài sản trí tuệ cuả nhân công khác nhau.
Có nhiều hảng không có các chính sách về quản lí intellectual property. Tuy nhiên, như vậy cũng không có nghiã là bạn có quyền đăng kí các phát minh mà bạn tìm ra trong thời gian làm thuê nhất là các phát minh có dính dáng đến hoạt động cảa công ty. Sự nhập nhằng này nhiều khi phiền hà hơn là ở những công ty đã có ghi rạch ròi mọi việc. Trong đa phần các tranh tụng thì bạn luôn là người thiệt thòi vì ... đã làm thuê thì đâu có tiền bảo vệ trước các kiện tụng!?
Ngay cả trong khi làm việc ở hãng, các phát minh khi chưa kịp đăng kí (hay đã đăng kí nhưng vì lí do nào đó bị bác bỏ) vẩn có cơ hội bị ăn cắp. Trong trường hợp này người phát minh vẩn sẽ là người bị thiệt hại.
Khái niệm trade secrete thực ra là một kiểu "ăn bổng lộc chúa thì phải trả ơn mưa mốc"
Khi một phát minh trở nên quá quan trọng đối với hoạt động (sản xuất) của hãng thì có thể xãy ra tình huống là chủ hãng (hay cụ thể là hội đồng duyệt xét phát minh cuả hãng) sẽ đưa ra quyết định cất giấu kĩ thuật mớì này và xếp nó vào loại trade secrete. Như vậy, vô hình chung người tìm ra phát minh mất cơ hội được công nhận phát minh. Tùy theo hãng, có nơi sẽ bồi hoàn một số tiền thưởng tương đương với số tiền thưởng khi đăng kí phát minh nhưng cũng có hãng ... xù (bằng phưong cách nào đi chăng nưã thì người phát minh cũng mất ... dịp được công nhận -- kể như trả ơn mưa mốc là vậy).
Vẩn chưa thoát khỏi vòng tay cuả ngạ quỉ
Vì tầm quan trọng cuả phát minh đối với cá nhân cũng như đối với các đối tác cạnh tranh nên nạn ăn cắp phát minh trong thời đại văn minh đã trở nên vấn đề lớn. Các hãng, vì sống còn, có thể không từ nan việc ăn cắp các phát minh của hãng hay cá nhân khác bằng mọi thủ đọan chẳng hạn như từ việc cài đặt các thiết bị nghe/đọc trộm, các spyware, việc cài đặt các nhân viên tình báo (để ăn cắp) vào làm ở các hãng cạnh tranh ... cho đến việc phá mở các khoá (decode) mã cũng như ăn cắp kĩ thuật trực tiếp từ sản phẩm cuả đối phương (de-assembly). Ngay cả trong cùng một cơ sở làm việc, các nhân viên làm chung cũng có thể vì lòng tham ăn cắp phát minh cuả đồng nghiệp. Nhiều trường hợp tranh chấp đã xãy ra ngay nội bộ cuả một hãng. Kẻ gian có thể thay hình thức phát minh một chút (để trông nó có vẻ khác đi) hay đem nguyên văn từng phần hay toàn bộ phát minh cuả người khác liên kết với các thế lực có quyền thế để giành công. (Chính tác giả bài viết có đặt 1 câu hỏi với thành viên trong một hội đồng phát minh về việc ăn cắp phát minh trong cùng 1 công ty thì được trả lời nhu sau: "bạn có thể dưạ trên các bằng chứng (về người và vật) để đâm đơn kiện người đã ăn trộm phát minh cuả bạn. Tuy nhiên, bạn nên đắn đo giưã số tiền mà bạn phải tốn trong việc thưa kiện (phí tổn lên đến vài chục nghìn USD là chuyện thường) và việc quên phức nó đi. Việc thưa kiện chỉ đáng giá nếu bạn biết rõ cái phát minh đó bạn lấy về được và nó sẽ làm lợi cho bạn rất nhiều lần số tiền mà bạn bỏ ra để thưa gửi". Thực tế, người phát minh làm gì được nếu như ngay cả khi thắng kiện thì cái thành quả phát minh rốt ráo cũng phải ... để cho công ty đang trả lương ... dùng nó. Một quản đốc (manager) cuả 1 một hãng lớn có tâm sự: "ông đã chứng kiến vụ xử một thành viên trong hội đồng phát minh cuả hãng đã nảy lòng tham sau khi hắn bác bản đăng kí phát minh cuả một nhân viên trong hãng. Một thời gian ngắn sau đó, hắn ta đem chính cái ý phát minh trước điều chỉnh sơ lại, thay tên mình vào ...và nghiểm nhiên xin đăng kí phát minh..."
Vài phương thức "chủng ngưà"
Có một số phương cách chống hay làm giảm nạn ăn cắp "tài sản trí tuệ" (tùy theo công ty). Đối với cá nhân làm thuê thì mọi phương tiện đều chỉ có tính tương đối. Thí dụ bạn có thể:
Dùng các loại software để mã hoá các tài liệu vặn bản có tính nhạy cảm (như your eyes only cuả Norton).
Cài đặt các phương tiện chống spyware
Kiểm tra thường xuyên các thiết bị máy tính mà bạn đang làm việc với nó nhất là các thiết bị đọc (input) như là chổ nối cuả bàn phím với PC (thiết bị đọc lén làm bằng phần cứng thường có cở khá nhỏ được gắn thêm ở giưã chổ nối từ bàn phím vào máy). Kẻ gian cũng có thể không từ nan việc gắn thêm card có khả năng đọc trực tiếp các lệnh mà bạn điều khiển vaò trong BUS cuả máy
Một cách hữu hiệu là dùng các máy tính ...cô lập không có khả năng nối mạng hay nối Internet để soạn thảo các phát minh.
Liên kết phát minh: Đôi khi bạn có thể thay vì đứng tên một mình ... liên kết với một nhà phát minh có đủ kinh nghiệm trong công ty (hay ...ngay cả việc liên kết với một thành viên giàu kinh nghiệm làm trong hội đồng phát minh) để xin đăng kí phát minh. Dĩ nhiên, người này có thể (và phải) góp phần công hoàn thiện phát minh cuả bạn cũng như có đủ bản lĩnh để giúp bạn lấy về mảnh bằng công nhận.
Các Thông Tin Hữu Ích
Xin Patent với tính cách độc lập
Nếu bạn là nhà (hay một nhóm) phát minh độc lập (không bị ràng buộc bởi mối quang hệ chủ-tớ mà trong đó bạn là tớ) thì ngoài vài khó khăn về mặt lo thủ tục, các cơ hội bị mất cắp phát minh trưóc khi đăng kí và có bằng sẽ nhỏ hơn. Có hai cách để bạn chọn: Tự mình lo lấy mọi thủ tục hay là giao cho một đại diện lo thủ tục đăng kí giúp. Tùy theo quốc gia, văn phòng lo thủ tục cũng như các thủ tục xin cấp bằng có thể có cấu trúc, và các thể thức cứu xét khác nhau. Nếu giao cho người đại diện lo thủ tục thì bạn sẽ phải trả một lệ phí nào đó và mức độ an toàn cũng như cơ hội được chấp thuận có phần tuỳ thuộc vào cơ quan mà bạn kí thác. Ở Mỹ thường có các văn phòng luật sư chuyên lo về thủ tục cấp patent (Patent Attoneys) hoặc là các dịch vụ cũng có thể giúp bạn làm việc này
Nếu ở Mỹ bạn có thể liên lạc với United States Patent and TradeMark Office (http://www.uspto.gov)
Một trang WEB ở Canada cũng có các hướng chỉ dẫn về cách thức xin Patent ở đó: http://strategis.ic.gc.ca/sc_mrksv/cipo/patents/e-filing/menu.htm
Ở châu Âu: http://www.european-patent-office.org/index.en.php
Thời gian chờ để có ... cái bằng
Tuỳ theo quốc gia và thời hạn chờ đợi cứu xét và chấp thuận có khác nhau. Tuy nhiên, ở Mỹ thì thời gian tối thiểu là một năm cho các bằng phát minh không có bất kì một sự tranh giành hay trục trặc nào về mặt pháp lí cũng như kĩ thuật ... có nhiều khi một bằng phát minh được cấp ra sau 6-7 năm kể từ ngày văn phòng cấp bằng nhận đơn. (xin xem thêm tin tức trong trang http://www.uspto.gov/web/offices/pac/provapp.htm về thủ tục ở Mỹ)
Nội Dung cơ bản cuả một đơn xin đăng kí phát minh (Patent Disclosure Form)
Mỗi quốc gia đều có thủ tục khác nhau để cứu xét các bản đăng kí xin patent. Hầu hết đều bao gồm các phần có thể ở chung 1 mẩu hay tách thành nhiều mẩu điền riêng lẽ
Khai báo phát minh: tên phát minh, các thông tin về người phát minh
Khai báo mô tả về các đặc điểm cấu trúc hoạt động cuả phát minh, những lợi thế mà phát minh tạo nên hay các vấn đề mà nó giải quyết được, cũng như có thể liệt kê các yếu điểm cuả các kiểu thiết kế cũ
Các chữ kí và lời cam đoan.
Luật chống ăn cắp phát minh
Các luật lệ ban hành chống ăn cắp phát minh được áp dụng nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người đã được cấp bằng và còn trong thời gian hiệu lực được bảo vệ.
Toàn văn các điều luật chống ăn cắp phát minh ở Hoa Kì có thể đọc thêm từ trang WEB cuả Legal Information Institute http://assembler.law.cornell.edu/uscode/html/uscode35/usc_sec_35_00000271----000-.html
Tài liệu Tham Khảo
http://usinfo.state.gov/topical/econ/ipr/ipr-glossary.htm
http://www.patent.gov.uk/patent/glossary/
http://www.ichrusa.com/saintsalive/glossary.htm
http://www.siu.edu/orda/general/glossary.html
http://www.cats.edu.ph/~nscb5/glossary/glossary18.html
http://www.foundation.csulb.edu/fndgrant/sections/GLFEB97.HTM
http://www.research.att.com/info/Patents/Title-1998
http://www.uspto.gov/web/offices/pac/provapp.htm
http://www.european-patent-office.org/index.en.php
Từ Vựng
Các từ liên quan
Patent -- bằng phát minh, bằng sáng chế
Patentee -- người đang xin đăng kí phát minh hay sáng chế
Infringe -- Vi phạm luật phát minh, hành động ăn cắp phát minh
Intellectuall property -- Tài sản (sở hữu) trí tuệ
Trade secrete -- Bí thuật thương mãi, kĩ xão thương mại
Invention -- phát minh, sáng chế
Inventor -- Người (nhà/nơi chủ quản) phát minh
Invention dislosure/Patent disclosure -- bảng công khai hoá phát minh, đơn xin đăng kí phát minh
Proof-of-concept -- bước kiểm nghiệm nguyên lí (cuả một phát minh)
patent committee -- Hội đồng duyệt xét các đăng kí phát minh (trong một công ty)
patent office -- văn phòng cấp phát bằng phát minh (cuả một quốc gia)
Các Khái niệm
Bằng phát minh (patent):
Anh Quốc:
A patent is an intellectual property right relating to inventions - that is, to advances made in a technical field. A patent for an invention is granted by the government to the applicant, and gives him the right for a limited period to stop others from making, using or selling the invention without permission. In return for this right, the applicant must disclose how his invention works in sufficient detail. When a patent is granted, the applicant becomes the owner of the patent. Like any other form of property, a patent can be bought, sold, licensed or mortgaged. Patents are territorial rights, so a UK patent will only give the owner rights within the United Kingdom and rights to stop others from importing products into the United Kingdom. (www.patent.gov.uk/patent/glossary/)
Hoa Kì:
A legal grant issued by a government permitting an inventor to exclude others from making, using, or selling a claimed invention during the patent's term. The TRIPS Agreement mandates that the term for patent applications filed after June 7, 1995, runs 20 years from the filing date. To receive patent protection, an invention must display patentable subject matter (a process, machine, article of manufacture), originality, novelty, nonobviousness, and utility. Current U.S. law is based on the 1952 Patent Code. As a signatory to the 1883 Paris Convention for the Protection of Industrial Property, the United States belongs to the premier international patent treaty organization, the Paris Union (usinfo.state.gov/topical/econ/ipr/ipr-glossary.htm)
Phát minh (Invention):
- Discovery and reduction to practice of a new product, apparatus, process, composition of matter or living organisms, or improvements to existing technologies in those categories, -whether or not patented or patentable.(www.siu.edu/orda/general/glossary.html)
- From the Latin invenire,to come upon: the discovery, whether accidental or deliberate, of the saint in its original burial place (loculus or cubiculum), leading to its veneration and possible translation. (www.ichrusa.com/saintsalive/glossary.htm)
- Any discovery which is or may be patentable or otherwise protectable. The term "subject invention" means any invention of an awardee conceived or first actually reduced to practice in the performance of work under a funding agreement, i.e., contract, grant, or cooperative agreement. (www.foundation.csulb.edu/fndgrant/sections/GLFEB97.HTM)

(*) Chữ "phát minh" trong riêng bài này được hiểu là "sáng kiến" tức là các ý kiến áp dụng sáng tạo mới không hiển nhiên biết được và chưa được người khác biết tới, hay chưa có nơi nào khác vận dụng được vào sản xuất, hay ngay cả những ý mới ứng dụng chưa biết đã có người tạo ra từ trước.

XIV. Người thật việc thật
Sau khi tìm hiểu xong một số thao tác cơ bản ngỏ hầu khắc phục các sức ỳ cũng như các trở lực do tâm lý của chính mình tạo ra. Đây là lúc "xã hơi" và tìm hiểu xem các nhà phát minh phát biểu như thế nào về nước đi của họ.
Dĩ nhiên, nếu lôi những câu nói của các thiên tài vô tiền khoáng hậu ra đây mà phân tích thì chưa chắc chúng ta nhận về ích lợi gì vì hai lẽ: thứ nhất hầu như ai cũng biết hay nghe loáng thoáng về các phát ngôn vĩ đại đó, và thứ hai, là hình như "tôi và chúng ta" không và chưa phải là các vỹ nhân ấy nên chưa chắc nó khế hợp với tôi/chúng ta vậy.
Ở đây chỉ xin trích dẫn những câu nói không mấy nổi tiếng nhưng chân thật của gần 40 nhà phát minh bình thường và may ra từ đó có thể tìm được các kinh nghiệm hay thông tin hữu ích nào chăng cho chính mình và cho con cháu? --Hy vọng những cái đơn giản thường giúp được bạn dựng nên cái lớn hơn cho chính mình: ^) Đừng ngạc nhiên với nhiều ý kiến gần như trùng lặp; những thứ lặp lại này có thể sẽ là những ý kiến rất hay và dể áp dụng cho các bạn đấy. Ngược lại, nếu bạn tìm thấy một số ý kiến có thể hơi kì quái, mơ hồ, hay khó tin; đó có thể là đặc điểm tạo nên sự phân hóa của thế giới hữu tình nên nếu nó không hợp là do mình không có duyên và chắc cũng vô hại!
Các câu hỏi/đáp sẽ chỉ tập trung vào đúng một khuôn bao gồm:
1. Công nghệ nào mà anh/chị tin là có hứa hẹn nhiều nhất? (Technology you believe has the greatest promise)-- Câu này nhằm cho thấy các nhà phát minh nghĩ gì về các hướng đi tương lai
2. Làm thế nào để anh/chị vượt qua sự ngăn trở của trí tuệ chính mình? (How do you overcome a mental block? )-- Câu hỏi trọng yếu có thể hữu ích cho bạn!
3. Điều gì ảnh hưởng nhất đến quyết định của anh/chị trở thành nhà phát minh? (Greatest influence on your decision to become an inventor?)-- Những điều kiện môi trường đã tạo nên con người của sáng tạo
4. Làm thế nào để chúng ta tạo cảm hứng cho con trẻ phát minh? (How can we inspire our kids to invent?)-- Câu này là món quà cho các nhà giáo dục và các bậc sinh thành
Mục tiêu chính là để biết họ tin gì, thường làm và nghĩ gì. Dĩ nhiên, phần này chỉ lọc ra những câu trả lời nào hay ho. Các con số đánh dấu sau mỗi câu trả lời sẽ liên kết đến tên tác giả trong phần bị chú của cùng một giá trị số đó.
Một điều khó nghe nữa là trong danh sách, rất hiếm thấy các nhà phát minh là nữ giới -- đếm được dưới 6%. Tác giả nhắc nhở điều này không hề có ý kì thị giới tính. Hằng mong rằng một ngày đẹp trời sẽ có thêm vài (hay càng nhiều càng tốt) các nữ lưu sẽ cũng cấp cho chúng ta những thông tin tuyệt vời để làm thế nào một phụ nữ có thể vượt qua các khó khăn trở thành nhà nhà phát minh ... trẻ.
1. Công nghệ nào mà anh/chị tin là có hứa hẹn nhiều nhất?
Tế bào nhiên liệu (fuel-cell) cho các thiết bị di động được.  3
Điện tử học phân tử. Não người là một sự biểu thị độc đáo của một tính năng hiệu quả cao, bộ máy hoạt động song song khổng lồ, 3 chiều, tiêu hao năng lượng thấp, hệ thống tính toán điều hợp cở phân tử với bộ nhớ không phai. Thử thách của chúng ta là phát triển các kiến trúc, các công cụ thiết kế và các quá trình công nghệ để làm cho điển tử học phân tử trở thành các sản phẩm ứng dụng thực.  4
Tôi cảm giác rằng hầu hết các phát triển quan trọng trong thập niên tới sẽ nằm trong lãnh vực của sinh học phân tử. Khả năng của chúng ta để nhìn vào trong gene, để hiểu "mã", và để điều chỉnh mã này, sẽ làm nên các sự biến chuyển lớn. 8
...Tôi dự tính rằng chúng ta sẽ bước đi nguệch ngoạc và vài thứ tương tự trong nền kĩ nhệ của chúng ta, như đang thấy trong kĩ nghệ ô tô với các xe lai điện/xăng. Các phương tiện giao thông tương lai sẽ xuất hiện trong vài năm mà nó vượt qua các phiên bản phương tiện dùng xăng với hiêu quả gấp 2 lần. Khi mà giá nhiên liệu tiếp tục tăng, thì sẽ tạo thêm cơ hội cho chuyện này  10
Phân mềm tiện dụng và bất kì thứ gì đem lại lợi ích cho mọi lứa tuổi.  11
Tế bào nhiên liệu dùng trong xe cộ và nhà máy. Hãy tưởng tượng mọi phương tiện giao thông trên thế giới chỉ chạy bằng nước! Với nghiên cứu đầy đủ và phát triển sản phẩm, các tế bào nhiên liệu sẽ làm cho nhiên liệu dầu mỏ trở nên thừa. Tôi tin rằng thật sự cần thiết để đẩy nhanh nghiên cứu trong công nghệ tế bào nhiên liệu để từ đó thỏa mản các nhu cầu lâu dài về năng lượng cho thế giới của chúng ta.  12
Tôi rất hứng thú về các khả năng đáp ứng mới, chúng ta đang thiết kế lại các bộ vi xử lí của tương lai.  13
Các con chíp nhận biết môi trường có thể tự quản và tự lo các vấn đề năng lượng hay nhiệt độ và cùng tự chữa lành trong phương diện của việc chế tạo và các hư hỏng khác.  15
Khi mà hiểu biết về DNA được thấu đáo, chúng ta, ở một thời điểm, sẽ có một cuộc cách mạng trong việc hiểu biết về sự sống, lịch sử, nguồn gốc của nhân loại và các cuộc di dân tiền sử của con người ... 17
Tôi nghĩ chúng ta chỉ mới bắt đầu để thấy các hiệu ứng lợi ích của Internet. Tôi muốn thấy một sử đẩy nhanh các tiến bộ khoa học vì nó bây giờ khả thi cho một số rất lớn người trên thế giới cộng tác chung trên các vấn đề trong gần như tức thì.  19
Công nghệ nano, kĩ nghệ sinh học và sự kết hôn giữa vật lý, y học, và kĩ nghệ ...  20
Các tế bào nhiên liệu.  21
Internet  22
Trong một ý nghĩa chung, các ngành của di truyền học, sinh-y học và nghiên cứu các nguồn năng lượng mới đều sẽ có một hứa hẹn vĩ đại cho tương lai.  23
Sự sử dụng các vi mạch tích hợp photon sẽ như là sự thay thế cho các bán dẫn trong thế hệ tương lai của các máy tính. Qua việc dùng vi mạch ánh sáng thay vì vi mạch điện tử, chúng ta có thể một bước nhảy kịch tính trong các khả năng tính toán và hiệu quả mà khiến cho các máy tính ngày nay trông thật cổ lổ khi so sánh. Cũng như là việc phát minh ra transistor đã đắp con đường cho các chíp bán dẫn VLSI mật độ cao ngày nay, có lẽ một bước đột phá trong lĩnh vực này có thể thay thế các chíp VLSI ngày nay với máy tính quang học mà có thể làm được xa hơn nhiều.  24
Tôi được kích hoạt bởi năng lực của hiển thị in ấn và vật liệu điện tử. Công nghệ này có thể tạo ra một sân chơi rộng đầy thích thú của các sản phẩm tương lai từ các màn hình dẻo tới các đồ điện tử và tế bào mặt trời (solar cell) rẻ tiền. 26
Nguồn năng lương thay thế cho dầu mỏ 28
Động cơ đốt trong gắn với hai bánh. Ai có thể ngờ được nó có thể dựng đứng với vận tốc 90 mph? (mile per hour -người dịch)  29
Tôi cho là các thiết máy tính bị nhỏ di động. Người ta thích máy tính xách tay, nhưng chúng lại thô kệch và đói năng lượng ở mọi nơi. Họ yêu các phôn di động và PDA có thể nối vào Internet màn hình và kĩ thuật nhập dữ liệu quá giới hạn cho các công việc hữu ích. Tôi nghĩ sẽ có một số màn hinh và kĩ thuật nhập dữ liệu mới kết hợp với các mẫu hình UI mới(từ chữ User Interface -- giao diện người dùng -- người dịch) mà chúng sẽ ảnh hưởng khổng lồ tới các thiết bị này và tới cách để dùng chúng 30
Internet thay đổi chúng ta hằng ngày. Chúng ta suy nghĩ và làm việc khác hơn. Chúng có hàng tấn thông tin trong tay và mỗi ngày có thêm nhiều công cụ để khai thác chúng hiệu quả hơn. Điều đó có thể ảnh hưởng tới cách thức con người cộng tác và phát minh trong tương lai. Hãy thử tưởng tượng buổi tập kích nào tầm cỡ hành tinh trong chỉ 1 giây!  33
Rõ ràng công nghệ sinh học có sự hứa hện vĩ đại nhất. Cơ thể của chúng ta là một thí dụ hay: Một bộ máy xuất sắc. Nó sẽ chạy suốt 8o năm với ít sửa chữa. Hãy nghĩ về cả hai mặt tốt và xấu mà chúng ta có thể làm nếu chúng ta có thể thực sự đạt tới mức độ công nghệ như thế. 34
Công nghệ sinh học, vì nó có một hứa hẹn tốt đẹp trong việc nâng cao nhanh chóng chất lượng của lÃnh vực chăm sóc sức khỏe và sản xuất thực phẩm, cũng như là nằng lượng có thể đổi mới được. 35
MEMS (micro-electric-mechanical-systems - các hệ thống cơ điện vi mô -- người dịch) và Bio-MEMS cho thấy hứa hẹn vĩ đại nhất nhằm thay đổi và nâng cao đdời sống con người trong tương lai gần.  36
MEMS hứa hẹn cách mạng hóa gần như mọi thứ sản phẩm bằng cách nối kết giữa ngành vi diện tử có cơ sở bán dẫn (silicon-based microelectronics) với công nghệ vi cơ khí (micromachining technology) làm cho việc thực hiện hoàn tất các hệ thống trên một con chip (systems-on-a-chip) trở nên khả thi. Nó mở ra sự phát triển của các sản phẩm khôn ngoan; mở rộng khả năng của ngành vi điện tử với các khả năng cảm nhận và điều khiển của các vi mạch cảm biến và vi mạchđiều khiển.  37
Tôi hy vọng về các dạng năng lượng thay thế  38
Một tương lai hứa hẹn là làm cho ngành chăm sóc sức khỏe trở nên hiệu quả hơn trong cả hai ý nghĩa tiêu tốn và hiệu dụng Sư tổng hợp ca việc "chẩn đoán từ xa", chụp ảnh (như là CT-SCAN/MRI/siêu âm), các thử nghiệm DNA và các công cụ chẩn khám sẽ cho phép cá nhân hóa việc chăm sóc sức khỏe và cũng sẽ, qua thời gian, tiêu giảm việc phỏng đoán của sự chẩn khám....  39
2. Làm thế nào để anh/chị vượt qua sự ngăn trở của trí tuệ chính mình?
Giữ suy ghĩ về một vấn đề thường xuyên để làm cho bão hòa tiềm thức của bạn. Tiềm thức sẽ làm việc chăm chỉ và đến trở lại với bạn sau này.  1
Làm chuyện gì khác. Hãy để cho tâm ý sẵn sàng.  2
Đánh một giấc trên ghế nệm dài. Nhiều lần, lời giải đúng chỉ đến khi bạn nghĩ ngơi thoải mái  3
Khi các học viên ở William Schockley bị bí, ông ta (thầy giáo) hướng dẫn họ "làm bất kì việc gì đó". Theo đó, khi tôi đụng phải sự ngăn trở, tôi bèn cố tìm ra các thứ gì dù nhỏ nhất trong đó mà tôi có thể bắt tay làm được, thường thì đây lại là các hạt giống xử lí cho việc khai mở xa khỏi sự ngăn trở.  4
Như hầu hết mọi người, tôi thường chuyển sang làm chuyền gì khác. Sau đó nện búa lên vấn đề trong vài giờ, thật đáng ngạc nhiên là điều này thường thành công. Tôi cũng thử buộc mình có một tầm nhìn khác mà nó ngược với đường lối dự đoán sẽ là lời giải. Cái đó luôn luôn có ích để vẽ ra những lãnh vực và kinh nghiệm không liên hệ khác.  5
Người ta thường có xu hướng phát minh từ một tầm nhìn cũ. Họ dựa vào các đề án cũ và khả năng chuyên môn để bước tiếp về phía trước. Thỉnh thoảng, tôi tự thấy kiểu ngăn trở trí tuệ này. Nói cách khác, ngăn trở đó, một cách cốt lõi là việc cố gắng để xếp vừa một sự khởi đầu mới vào các mẫu hình cũ (như kinh nghiệm, cách thức, và ứng xử). Khi điều này xãy ra, tôi thường nghĩ giải lao, bước lui lại, và đánh giá lại những chuẩn mực yêu cầu cần thiết để đi tới. Một khi cái vỏ hộp cũ bị vất đi thì tương lai trở nên trong sáng.  6
Nói chuyện với nhiều người về nó. Khi tôi giải thích vấn đề cho người nào đó, tôi thường sau cùng hiểu vấn đề rõ hơn. Và đôi khi họ chỉ ra các tiếp cận mà tôi bị mất hướng vì tôi đã đứng quá gần với vấn đề. Một cách nữa là làm việc khác trong một thời gian. Khi trở lại, Tôi thường tìm thấy một cái nhìn khác hơn và hữu dụng. 7
Tôi thường cố viết xuống một lô "những ý kiến ngu xuẩn mà nó sẽ không thực hiện được". Điều này thường dẫn tới việc phát hiện ra một vài thứ mà nó sẽ thực hiện được.  8
Như là bà nhà tôi sẽ nói với bạn, tôi thì hơi cứng đầu. Tôi thực sự thán phục những người có thể đem đến các câu trả lời thật nhanh chóng; ước gì tôi làm được như vậy. Vậy nên cách hay nhất để bẻ gãy các ngăn trở là nói chuyện với người khác. Có nhiều người sáng dạ lắn ... Tôi thường nhận về hàng tá các giải đáp khả dĩ trong vòng vài tiếng. Cách tiếp cận bổ xung là ở trạng thái dối diện với vấn đề cho tới khi tiềm thức làm việc với nó. Tiềm thức của bạn thì ứ nghẹn bởi đầy các lời giải ngây ngô, nhiều thứ (lời giải) trong đó không hề thỏa mãn các quy luật của vật lý, và đó là lý do tại sao chúng ta tốn nhiều thì giờ của cuộc sống thức tỉnh để mà lọc lựa lại một cách khó khăn những gì đến từ tiềm thức. Chúng ta gọi nó là trạng thái chín mùi, khả năng trả lời hay sức mạnh tinh thần. Nếu bạn có thể dẹp bỏ các lọc lựa đó xuống, sẽ có nhiều ý kiến tuyệt vời nằm lẫn trong tất cả đống lộn xộn. Tập thể dục hay ngủ là các cách mà tôi dùng để giảm thấp các lọc lựa của chính mình. 9
Đi bộ ra sảnh đường, gọi những kĩ sư khác và có ngay một buổi tập kích não. Tôi là người may mắn được bao quanh bởi những con người vĩ đại.  10
Tôi thường mua M&M (hiệu kẹo sô cô la) nhưng một người bạn khuyến cáo tôi bỏ tất này đi. Giờ, tôi hỏi sự giúp đỡ của nhièu người  11
Tôi lấy giờ giải lao và cố nghĩ về chuyện khác. Thường khi, các ý kiến hay sẽ đến với tôi khi mà tôi đang làm việc gì đó hoàn toàn không liên hẹ tới công việc, trong khi mà tiềm thức của tôi có thời gian để tiếp cận từ từ với vấn đề.  12
Ngồi xuống và suy nghĩ xem cái gì thực sự quan trọng cho cuộc sống của bạn (một các tổng quát, không thể là đề án trước mặt). Lấy giải lao và trở về với vấn đề khi mà bạn không bị cảm giác căng thẳng nữa.  13
Tôi giản nhiều vấn đề khi tôi chạy, điều mà dần tôi tới việc hiện đang rèn luyện và tham gia trong cuộc đua siêu ma ra thon (ultramarathons) (có dến 100 km).  14
Làm việc chăm chỉ -- dưuờng như tôi có thể nhận ra rằng một số vấn đề có một lời giải thành tựu. Vậy nên, chỉ cần quyết chí qua các mô phỏng, nghiên cứu, và thử sai để tìm đến lời giải đúng.  15
Tôi chỉ nói chuyện với mọi người. Tôi luôn thấy rằng thật là đáng khâm phục khi mà bao nhiêu là việc hoàn tất mà chỉ cần một cuộc bnà thảo với người nào đó. Chỉ cần giao tiếp ý kiến với một người nào đó sẽ thường cho phép tôi nhìn thấy vấn đề từ một khía cạnh khác và khiến cho tôi có thể lên đường trở lại. Theo ý tôi, hầu hết những việc làm cho tôi bỏ đi là khi có người nói rằng điều đó không thể làm được. May mắn thay, tôi làm chưng với nhóm thật là vĩ đại, họ tìn rằng hầu như mọi thứ đều có thể.  16
Lái xe đường dài, cởi xe đạp, chơi cầu lông. Tôi cũng nghe nhiều nhạc.  17
Trước hết, tôi tựu chìm ngập trong vấn đề và thám sát càng nhiều càng tốt vấn đề. Sau đó tôi b vấn đề dó hẳn trogn 1 thời gian. Thường khi trở lại, tôi sẽ có những trực quan mới. Tôi không biết chính xác tại sao điều này hữu hiệu, nhưng có nhiều thành quả.  18
Chơi đá banh và đá thủng lưới ít nhất 1 lần!  20
Tôi nói chuyện với các bạn và gia đình.  21
Tôi sẽ cố làm tiếp, hy vọng diều gì đó sẽ đến - Tôi ghét chịu thua! Dĩ nhiên, điều này tùy thuộc vào công việc và ngay cả có khi tôi sẽ quyết định làm chuyện khác. Thường chỉ trong vài phút câu trả lời đến với tôi. Một cách điể hình thì đều này đến với tôi trong lúc lai xe về nhà.  23
Hãy cho tư duy của bạn nghĩ ngơi và bắt đầu lại chổ mà bạn dang dở. Với tôi, một thiết kế đơn giản bao gồm như là việc lấy ra ý niệm tổng quát và phát triển nó thành một thục thể vật lý. Không thể tránh khỏi là bạn sẽ gặp phải các khó khăn mà chỉ cần nhiều thời gian và năng lượng để giải quyết. Bạn không thể làm đièu này chỉ qua một đêm, nên đừng có cố.  24
Làm sạch các máng xối nhà tôi! Tôi có hai bằng phát minh và một vài công khai (xin lấy phát minh) trong khi mà tôi làm việc đó. Một việc khác là đi tắm vòi sen. Tôi bẽ gãy nhiều ngăn trở tinh thần bằng cách này. Tôi cũng dùng thì giờ một cách điển hình là đi bộ xuyên qua tòa nhà.  25
Tôi đi tới đi lui nhiều  27
Giải lao và chạy bộ 28
Đứng trên nóc của xe kéo (trailer) và bắn hết khoảng chừng 3 băng đạn từ cây súng bán tự động và trong gỗ. Điều này thực sự làm sạch đầu của tôi 29
Dễ quá -- tắm vòi sen. Nước ấm trên da đầu đã là chất xúc tác cho nhiều sửa chữa và giải đáp cho các nan đề trong nhiều năm. Điều đó thật là đáng ngạc nhiên  30
Hãy tiếp tục nghĩ về cùng một vấn đề trong những lúc khác, những chỗ khác và đọc các bài viết liên quan 31
Không gì thay thế được cho quyết tâm và chăm chỉ. Tôi có thể phải học 10 thứ hay 100 thứ trước khi đạt tới một lời giải duy nhất. Một mầu xin phát minh của tôi đến sau hai năm ca việc nghiên cứu và hơn nữa chục sách về một đề tài mà tôi đã không có ý nhị gì khi tôi bắt tay vào. Nhưng tôi biết rằng có một số lãnh vực có thể được nâng cao - và tôi hiểu rằng chỉ có quá trình học tập là có ý nghĩa đầy đủ. Mặc dù các lời giải thì đơn giản và hiểu được, nhưng việc học và học nữa các nền tảng là con đườn duy nhất làm cho các hạt nhân ca sự sáng tạo có thể tìm được mảnh đất màu mỡ. 32
Có nhiều cách. Tôi chỉ thích đi làm chuyện gì khác. Nếu có một ý kiến gì trong đó, nó sẽ xổ ra ngay thôi. Đừng quên có cái gì vui vui. Nếu không đủ vui vẻ, thì sự sáng tạo sẽ trở nên bị chơ mờ ...  34
Không bao giờ đầu hàng và việc nhận thức rằng từ mỗi sự thách đố khó khăn, sẽ tạo ra nhiều cơ hội để học hỏi và làm cho sự việc tốt đẹp hơn. 35
Giành thời gian để hiểu rõ cái gì là chìa khóa của vấn đề và cái gì là sự thách đố. Hãy chú ý vào các sai phạm và các thất bại. Hãy có có nhiều niềm vui trong lúc giải quyết vấn đề.  36
Tôi sẽ đường dài hay làm vườn. Có cái gì đó liên hệ về chuyện bạn dịch chuyển cơ bắp, máu và não bộ, không khí trong lành ngoài trời sẽ giúp tôi đơn giản vấn đề lại đến chỉ còn các vấn đề cốt lõi Nếu nó là vận đề gây khó chịu, tôi sẽ tránh xa nhừng nơi đông người  37
Tôi sẽ tìm đến chổ vắng vẻ mà không mang theo thứ gì liên hệ tới đề tài và chỉ nghĩ về cốt lõi của vấn đề. Việc có nhiều "vật" (item) liên hệ tới vấn đề trước mặt đôi khi ngăn cản các ý kiến mới nây sinh 38
Cách tiếp cận tốt nhất là để vấn đề qua một bên và nói chuyện với người khác và nhìn ra ngoài bầu không khí hiểu biết hiện tại để làm nảy sinh các ý kiến. 39
3. Điều gì ảnh hưởng nhất đến quyết định của anh/chị trở thành nhà phát minh?
Một chỗ làm cho mùa hè nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo khi mà tôi còn chưa tốt nghiệp. Tôi đã biết ngay là nghiên cứu đó là để cho tôi".  2
Con đường để tôi trở thành kĩ sư thường theo lộ trình ít bị trở ngại nhất. Tôi tìm thấy dể tạo ra một lời giải mới hơn là cố gắng để mà sửa một lời giải cũ.  4
Gia đình và các bạn tôi là nền tảng vững chắc của tôi. Vì sự hỗ trợ sức mạnh của họ, Tôi có thể tiếp tục phát minh và và nổ lực nhiều trong nền kĩ nghệ. Tôi được phù trợ thực sự.  6
Đó là thầy giáo lớp 5 của tôi, cô Bender, người đã hiểu các chiều hướng của tôi và khuyến khích các khía cạnh phát kiến giúp tôi bằng cách cho tôi các bài tập vẽ kĩ thuật của các lớp ở trình độ trung học.  7
Rõ ràng, đó phải là cha tôi, người đã làm nghiên cứu ở IBM trong suốt thời gian tôi còn bé. Việc lắp đặt một "Heathkit HiFi" với cha khi tôi lên 8, có lẽ đã bắt đầu cho sự hứng thú của tôi. Được chứng kiến ông cụ nhận các bằng phát minh và các công nhận cho các phát kiến của ông (trong đó kể cả thuật toán nay đã nổi tiếng là "Belady") đã luôn thôi thúc tôi theo bước chân ông. Ông đã dạy cho tôi các tìm ra các sự việc bất liên tục trong đời. Đó là nơi mà các cơ hội ẩn dấu. Ông ấy cũng đã dạy tôi rằng một khi ý kiến trở thành hiện thực, đó là lúc để đi tìm đếm cái khác -- Mọi việc luôn luôn hay hơn nếu để một người khác làm nó. "Nếu cha mẹ truyền thụ lòng ham muốn cho con cháu, họ sẽ để lại cho con cháu một gia tài vô giá ..." --Thomas Edison  10
Tôi lớn lên cùng với hai người kĩ sư Boeing (một hãng máy bay -- người dịch) hàng xóm. Tôi đã dùng nhiều ngày để làm các đề án với họ.  11
Đó là thầy toán và vật lý ở trung học của tôi. Ông ấy đã làm cho tôi thực sự thích thú trong toán và khoa học, và khuyến khích tôi khẳng định sự yêu thích này. Chúng tôi đã có mọi thứ thí nghiệm vui ở trường,...  12
Cha tôi, người đã tin rằng tôi có thể làm mọi thứ.  13
Tôi nên nói rằng cha tôi là người ảnh hưởng tôi nhiều nhất. Ông không là một kĩ sư nhưng lại thích sửa chữa mọi thứ và đã trang bị cho tôi. Chúng tôi đã từng đến các của hàng lạc son bán đồ điện tử mỗi tuần chỉ để kiếm xem có tìm được gì. Đồ đạc ở đó thật rẽ để cho phép chúng tôi mua và xem xem có thể làm được gì. Cha tôi cũng đã bước đầu giúp tôi làm cái xe đẩy. Cuối cùng, ông cho tôi các vật liệu như là các tấm kim loại và các miếng nhôm để rồi khuyến khích tôi thiết kế. Tôi đã có thể tự dựng lên được nhiều phiên bản trước khi trở nên hứng thú về các xe thật. 16
Tôi đã lớn lên ở các trường học tuyệt vời, những cái mà tạo nên vòng phát triển (cho tôi). 17
...Một lần nữa trong sự suy đoán xuất sắc, thầy giáo toán đã cho phép tôi tham dự môn đại số lớp 8. Tôi nhớ ông ấy có sự nghi ngờ nhưng vẩn cho tôi một sự ham thích hiếm thấy, ông đã quyết định cho tôi một cơ hội. Đại số đã là một sự hồi sinh cho tôi ...  18
Cha tôi là người đầu tiên cho rằng tôi có thể tham gia ngành kĩ sư như là một cách để có nghề nghiệp đối với sự hứng thú về toán, khoa học và sửa chữa. 19
Sputnik, đã dẫn đến sự thay đổi trong con đường khoa học đã được người ta chỉ dạy. Tôi may mắn nằm trong những lớp học đầu tiên của ngành vật lý PSSC (viết tắt từ chữ "Physical Science Study Committee" nghĩa là Ủy hội nghiên cứu khoa học vật lý -- người dịch). Chương trình này dạy về khoa học như là một quá trình không phải là một bộ những dữ kiện. Mặc dù tôi luôn có hứng thú trong khoa học, chương trình này dạy tôi suy nghĩ như một nhà khoa học.  25
Cha tôi. Ông đã là kĩ sư/khoa học gia R&D (viết tắt từ chữ Research & Development) và sau này một quản lý R&D ở Shell Development và luôn luôn khuyến khích tôi trong chiều hướng của kĩ thuật và khoa học ứng dụng.  26
George Washington, Abraham Lincoln, Andrew Jackson, U.S. Grant, Thomas Jefferson và, hơn tất cả, Benjamin Franklin.  29
Cha tôi đã là một kĩ sư, và ông ta thích sửa chữa điện tử trong thời gian rảnh ...  30
Sự kiên nhẫn của cha mẹ khi tôi bẽ rời mọi thứ đồ chơi nếu có thể được ngay cả trước khi tôi sử dụng chúng! Họ đã thực sự khuyến khích sự thèm khát tò mò của tôi về việc vận hành của sự vật 33
Khi còn trẻ, tôi được khuyến khích để tháo rời mọi thứ ra. Đó là sự bắt đầu của hứng thú trong phát minh. Điều đó cũng hơi khác với sự nhấn mạnh ngày nay về Legos hay các thứ đồ chơi khác được nối kết theo những cách chắc chắn  34
Người anh của tôi, người rất sáng tạo và là một khoa học gia tài ba. 36
Ông Cokely, người chỉ dạy tôi ở tiệm sửa xe của vùng Dos Pueblos High, đã tạo ra một ảnh hưởng đến quyết định về nghề nghiệp của tôi. Ông ta đã nghĩ rằng tôi nên đến trường và học để trở thành thợ co khí máy dầu cặn (diesel). Một đêm nọ, mẹ tôi bảo ông ta rằng tôi được điểm A trong môn vật lý. Từ đó, ông ta, một cách miễn cưỡng, bắt đầu khuyến khích tôi vào ngành kĩ sư cơ khí  37
Mẹ tôi, vì bà ta chịu đựng tất cả sự hư hại của căn nhà mà không hề la mắng và cung cấp cho tôi không gian làm phòng thí nghiệm và các các vật liệu trong khi tôi còn bé 38
Đó là các kĩ sư và các nhà phát minh đếm ngược về 4 thế hệ -- cha mẹ, các ông bà tôi đã luôn luôn là các mẫu mực vĩ đại và là nguồn gốc của sự hướng dẫn ...  39
4. Làm thế nào để chúng ta tạo cảm hứng cho con trẻ phát minh?
Kể cho chúng những câu chuyện về cuộc sống ngày xưa, khi mà nhiều thứ chúng ta được hưởng ngày nay chưa tồn tại vì chúng chưa được phát minh  1
... Quyền tự do mà tôi sử dụng có lẽ giúp tôi nung nấu chiều hướng kĩ sư trong tôi.  3
Giới thiệu sự tuyệt diệu của khoa học cho các đứa trẻ trong những đồ án vè thí nghiệm hàng ngày. Thăm viếng các viện bảo tàng công nghệ. Khuyến khích chúng đặt câu hỏi "nhưng mà tại sao vậy hở?"  3
Tao cho chúng một niềm tin là MỌI THỨ đều có thể.  4
Kinh nghiệm của tôi là trẻ con có đặc tính sáng tạo tuyệt vời. Vấn đề là khi chúng lớn lên. Không như người lớn, trẻ con không biết sợ thất bại. Nhà khoa học có giải Nobel là Lunus Pauling tổng kết rằng: "cách tốt nhất để có một ý kiến hay là có thật nhiều ý kiến và vất bỏ đi các ý dở."  5
Hãy để cho chúng làm những gì tự nhiên đến với chúng và khuyến khích và đề cao những cái mà chúng tìm thấy. Khi 3 tuổi, tôi đã chắn đường với những sợi dây cao su, đồ chơi và các băng cột, tôi nhớ rằng điều đó thật tuyệt vời. Trẻ con không có ý nghĩa của sự giới hạn, và người lớn cần giúp chúng để giữ cảm tính đó còn sống.  7
Sự cảm hứng tốt nhất là biểu lộ sự sung sướng đến từ việc giải quyết các vấn đề. Khi tôi làm bài tập ở nhà với mấy đứa con. Tôi cho chúng biết nổi vui thú khi nghĩ về nó. Chúng nghĩ rằng tôi điên, nhưng có lẽ tôi thay đổI được cách nhìn của chúng mồi lần một ít.  8
Việc chia sẽ cho mấy đứa trẻ những vấn đề mà tôi đang cố giải quyết thì thật là tuyệt. Tôi thấy rằng khi làm như vậy, chúng tôi thường nói về các phương pháp và các xão thuật cho việc giải quyét vấn đề và rằng cái đó cung cấp cho lũ trẻ thêm nhiều công cụ để thành công.  9
Giữ chúng xa khỏi các thứ giải trí thụ động như là TV hay đồ chơi bằng pin. Hãy để trẻ dùng sự trí tưởng tượng. Trẻ có thể có nhiều sáng tạo hay với hộp card nếu bạn dể chúng chơi. Thật là khổ mỗi lần tôi thấy một đứa trẻ con mở quà, nó lấy đồ chơi ra và bắt đầu chơi với cái hộp. Cha mẹ của em dĩ nhiên không thể hiểu nổi điều này, đã lấy cái hộp đi và cho trẻ chơi món đồ chơi nằm trong hộp trước đó trong hộp. Bậc phụ huynh đó đã lấy đi cơ hội sáng tạo cho em. Nếu chúng ta để yên, trẻ con sẽ sáng tao hơn nhiều ...  10
Các trường học nên tập trung vào việc giải quyết vấn đề một cách sáng tạo bên cạnh các nền tảng (giáo dục). Chúng ta cần phải cho trẻ biết rằng khoa học và kĩ thuật là cái làm nên mọi thứ mà chúng sử dụng hàng ngày từ công nghệ độc đáo.  12
Dạy chúng suy nghĩ định hướng, để chúng tham gia vào các đề án trao tay và chỉ chúng rằng đồ vật được là (và phát minh) từ những con người bằng xương bằng thịt. Tắt TV đi.  13
Cho chúng "đồ chơi" và cấu trức để chơi xoáy quanh sự sáng tạo. Cấu trúc đó không bao gồm nhiều giờ ngồi trước cái ti vi.  14
Dể cho chúng tự tìm hiểu các câu trả lời hơn là giao phó các trả lời cho chúng. Biểu thị rằng luôn luôn có một cách tốt hơn nếu người ta làm việc đủ chăm chỉ để tim ra cách đó.  15
Cần cho trẻ cơ hội để thấy các khoa học thì hay như thế nào. Các khoa học thương biểu lộ trong một cách thức chán chường và khô khan. Không ngạc nhiên nếu lòng yêu khoa học của trẻ bị dập tắt. Các bậc cha mẹ và thầy cô cần kích thích tính hiếu kì về thế giới và để cho chúng thám hiểm. Chúng ta cần giao cho trẻ kinh nghiệm về nhiều việc. Chúng ta nên kích thích trẻ sử dụng tửong tượng và sáng tạo của chúng và đem chúng ra xa khỏi các giải trí gói sẵn như là TV và trò chơi điện tử.  16
Có lẽ câu hỏi thực sự là: làm sao chúng ta có thể tránh làm cho trẻ con chán sáng tạo? Tôi cho rằng Internet có nhiêu hứa hẹn trong việc này. Internet cho phép một cá nhân học theo nhu cầu riêng mà nó khuyến khích sự tìm tòi.  18
Hãy bỏ thì giờ bàn thảo về các vấn đề hay "những đòi hỏi" của chúng. Bảo chúng về một sự cần thiết mà bạn nhận thức và hỏi chúng, "làm thế nào để sửa chữa? " Đôi khi bỏ thì giờ trong nhà xe để làm chử và kiểm nghiệm lại ý kiến.  21
Cho chúng thấy và tham gia với chúng ta khi chúng ta "phát minh" ra các lời giải cho những vấn đề mà chúng ta gặp trong đời sống thường. Chúng ta cũng nên tỏ ý thán phục về nhiều đồ án LEGO (một loại đồ chơi tạo dựng các mô hinh từ những viên gạch nhỏ -- người dịch) của chúng.  22
Lũ trẻ phải có nhiều vấn đề để giải quyết - và phải có cơ hội để tìm ra các lời giải ...  23
Tôi cho rằng việc cốt lõi là giành cho trẻ có cơ hội để thực hiện các đồ án trong cách mà chúng có thể thấy được các hiệu quả của sư xây dựng và sáng tạo. Ngay cả trong các đồ án đơn giản, biết các chi tiế hay linh kiện ở đâu được dùng để lắp ráp các mạch điện, các thiết bị cơ khí hay đồ gỗ, có thể kích thích một cá nhân để sáng tạo. Chúng ta nên khuyến khích trẻ em tìm hiểu thế giới của kỹ nghệ càng sớm càng tốt bằng cách giúp chúng xây dựng các thứ để chúng tự hoàn tất ...  24
Cho chúng biết ý nghĩa của sự hoàn thành từ việc giải các vấn đề. Những thứ này không thể là các lời giải cho sẵn từ đàng sau của cuốn sách; chúng phải là những câu hỏi mà trẻ em trả lời qua công việc trao tay. May mắn thay, có khá nhiều vấn đề mà trẻ em có thể làm được. Một cách hay là cho chúng đủ hướng dẫn để tránh cho chúng khỏi quá nản trong khi vẩn để cho chúng tự tìm ra lời giải.  25
Kích thích qua các thí dụ  27
Tôi cho chúng các công cụ hữu dụng, một vài hôp sơn xịt, một ít bột màu đen và hai mẫu sân chứa xe hơi phế thải và bảo chúng rằng "Tao sẽ không nổi điên lên về cái gì mà chúng bay làm ra"  29
Tôi cho rằng điều quan trọng là làm cho trẻ con hiểu rằng chúng sẽ không ở mãi với những cái đang có hôm nay. Tất cả những nhu cầu riêng biệt đều có thể được điều tiết nhiều hơn một cách và nếu chúng ta không vừa lòng với những lời giải sẵn có ngày nay thì chúng ta có quyền tự do để tạo ra những cái hay hơn. tôi luôn tìm kiếm những cách tốt hơn để làm, và trong công việc thiết kế UI của mình, tôi đã có thể đạt đến "nhiều cách tốt hon" và kết quả cho đến nay là 22 bằng phát minh. Hầu hết, nếu không nói là tất cả, các sáng kiến đã được cấp bằng là kết quả của việc không hài lòng với cách mà mọi thứ đã được tiến hành trước đó.  30
Liên tục khuyến khích lũ trẻ thực hiện suy nghĩ sáng tạo. Cho chúng nhiều phần thưởng xứng đáng khi chúng giải được một vấn đề.  31
Thử thách chúng! Sự cần thiết là mẹ của phát minh! Đôi khi, chơi với mấy cháu gái, tôi thích thay đổi luật bàn cờ hoàn toàn. Sau đó họ cũng bắt đầu làm y như tôi. Một cách bất ngờ, trò chơi đó trở nên hoàn toàn khác hẳn. Bây giờ nó đã có vô hạn khả năng xãy ra!  33
tôi nghĩ rằng sự khuyến khích các thào tác mà chúng trộn lẫn của việc tháo gỡ nhiều đồ vật và ráp nối và hành vi sáng tạo. Tôi không cho rằng hành vi tháo gỡ là có đủ mức cho bọn trẻ (vọc phá) 34
Tôi sẽ chia sẽ các mẫu truyện về các phát minh vĩ dại với đám trẻ và cho chúng thấy rằng những phát minh vĩ đại này đến từ con người bình thường. Chúng ta nên giải thích cho chúng rằng các phát minh đơn giản chỉ là kết quả ca sự chăm chỉ và giáo dục chặt chẽ  36
Cung cấp cho chúng các cơ hội để tìm hiểu, sửa chữa và thử nghiệm với một ít hậu quả của sự thất bại. Tôi có người bạn, anh ta dể cho mấy đứa con tháo rời chiếc xe mô tô cũ ra từng mảnh trong sân nhà. Đứa con trai của tôi thích tháo rời cái máy in. Mi sự trói buộc mà nó gặp phải là cơ hội đ học hỏi. Phátminh đến từ sự tổng hợp của kiến thức, kinh nghiệm, và tự tin. 37
Cho chúng một khoảng không, vật liệu và sách vở với các đồ án Nếu chúng hứng thú chúng sẽ đào bới và bắt đầu tự làm lấy.  38
Hãy làm gương tốt và chỉ cho chúng những hứng thú của chính mình chác chắn sẽ ích lợi. Nhưng hãy kiên nhẫn lắng nghe chúng, trả lời các câu hỏi, kích thích hứng thú của chúng có thể là các nhân tố quan trọng nhất. 39
5. Bị chú
Tên các nhà phát minh trả lời các câu hỏi được liệt kê dưới đây:
1: Norm Jouppi, Nam -- nắm giữ 22 bằng phát minh (thời điểm 2003)
2: Siani Pearson, Nữ -- nắm giữ hơn 20 bằng phát minh (thời điểm 2003)
3: Alfred Pan, Nam -- nắm giữ 27 bằng phát minh (thời điểm 2003)
4: Fred Perner, Nam -- nắm giữ 40 bằng phát minh (thời điểm 2003)
5: Robert Ulichney, Nam -- nắm giữ 24 bằng phát minh (thời điểm 2003)
6: John Larson, Nam -- nắm giữ 17 bằng phát minh (thời điểm 2003)
7: Bill Hamburgen, Nam -- nắm giữ 19 bằng phát minh (thời điểm 2003)
8: Mark Hickman, Nam -- nắm giữ 39 bằng phát minh (thời điểm 2004)
9: Bruce Cowger, Nam -- nắm giữ 50 bằng phát minh (thời điểm 2004)
10: Christian Belady, Nam -- nắm giữ 25 bằng phát minh (thời điểm 2004)
11: Steve Elgee, Nam -- nắm giữ 52 bằng phát minh (thời điểm 2004)
12: John Barinaga, Nam -- nắm giữ bằng phát minh (thời điểm 2004)
13: Melissa Boyd, Nữ -- nắm giữ 30 bằng phát minh (thời điểm 2004)
14: Timothy Weber, Nam -- nắm giữ 36 bằng phát minh (thời điểm 2004)
15: Samuel Naffziger, Nam -- nắm giữ 51 bằng phát minh (thời điểm 2004)
16: Eric Peterson, Nam -- nắm giữ 23 bằng phát minh (thời điểm 2005)
17: Alexey Kabalnov, Nam -- nắm giữ 18 bằng phát minh (thời điểm 2005)
18: Shell S. Simpson, Nam -- nắm giữ 20 bằng phát minh (thời điểm 2005)
19: Dave Boyd, Nam -- nắm giữ 20 bằng phát minh (thời điểm 2005)
20: Monem H. Beitelmal, Nam -- nắm giữ 20 bằng phát minh (thời điểm 2005)
21: Dave Payne, Nam -- nắm giữ 20 bằng phát minh (thời điểm 2005)
22: Stephen Daniel Cromwell, Nam -- nắm giữ 18 bằng phát minh (thời điểm 2005)
23: Byron Alcorn, Nam -- nắm giữ 38 bằng phát minh (thời điểm 2005)
24: Arlen L. Roesner, Nam -- nắm giữ 29 bằng phát minh (thời điểm 2005)
25: Alan Karp, Nam -- nắm giữ 35 bằng phát minh (thời điểm 2005)
26: Todd A. Cleland, Nam -- nắm giữ 19 bằng phát minh (thời điểm 2005)
27: Stephen Gold, Nam -- nắm giữ 18 bằng phát minh (thời điểm 2006)
28: Paul Mui, Nam -- nắm giữ 24 bằng phát minh (thời điểm 2006)
29: Norman Pawlowski Jr., Nam -- nắm giữ khoảng 70 bằng phát minh (thời điểm 2006)
30: Kris Livingston, Nam -- nắm giữ 22 bằng phát minh (thời điểm 2006)
31: Angus Wu, Nam -- nắm giữ 31 bằng phát minh (thời điểm 2006)
32: Lee Atkinson, Nam -- nắm giữ 29 bằng phát minh (thời điểm 2006)
33: Toni Murcia, Nam -- nắm giữ 30 bằng phát minh (thời điểm 2006)
34: Andy Van Brocklin, Nam -- nắm giữ 51 bằng phát minh (thời điểm 2006)
35: Chien-Hua Chen, Nam -- nắm giữ 24 bằng phát minh (thời điểm 2006)
36: John Chen, Nam -- nắm giữ 23 bằng phát minh (thời điểm 2006)
37: Steve Walker, Nam -- nắm giữ 19 bằng phát minh (thời điểm 2006)
38: Daryl Anderson, Nam -- nắm giữ 58 bằng phát minh (thời điểm 2006)
39: Winthrop D. Childers, Nam -- nắm giữ 121 bằng phát minh (thời điểm 2006)
XV. Hãy tự khai phóng
1. Các Phương Pháp Suy Luận và Sáng Tạo Bài Kết
Các bạn thân mến,
Qua hơn chục bài giảng cơ bản, tôi đã cố gắng đúc kết và cô đọng những phương pháp tư duy sáng tạo chính. Những phương pháp này đã được các nước phát triển, nghiên cứu, và giảng dạy ở nhiều nơi. Đây cũng là chìa khóa mà nhiều nhà phát minh, nhiều nhà lãnh đạo cơ quan dùng đến.
Tuy nhiên, hãy nên trở về với thực tế -- Câu hỏi đặt ra là sáng tạo dễ hay khó. Nói rằng các bài giảng trên có ích thì làm sao để vận dụng nó?
Vấn đề nhắc tới thì hơi buồn cười nhưng cái gì cũng vậy không rèn luyện động não thì đừng mong có cái gọi là sáng tạo. Sáng tạo không là kiểu khái niệm có thể so sánh như là những trái sung mà người hưởng thụ chỉ việc há miệng chờ rụng trúng.
Đa số HS Việt Nam từ nhỏ đã không được luyện tập đúng và đủ về các hoạt động phát minh và sáng tạo. (Nhà trường, chính quyền, và các cơ quan hữu trách cần xem lại chuyện này!) Do đó, gặp rất nhiều bở ngỡ khó khăn khi đụng phải các vấn đề trong thực tế tưởng chừng như hoàn toàn xa lạ với kiến thức đã được trang bị ở trường. Và nhiều khi không được chuẩn bị ngay cả kỹ năng chủ động phát hiện và đề xuất cách giải quyết. Trong khi làm việc thì cứ mặc nhiên là mọi thứ êm xuôi và không có thói quen đánh các dấu hỏi vào công việc thường nhật. Thí dụ: mặc dù công việc vẫn "trôi chảy", nhưng thái độ chủ động hơn là hãy quan sát nghe ngóng các chi tiết vận hành cuả công việc (hay quá trình) và tự hỏi khâu nào yếu nhất dể bị hư gãy nhất? Chỗ nào chậm nhất? Nếu lỡ có chuyện xảy ra thì hậu quả có thể điều chỉnh được không? Hay đại loại như là "làm sao tăng tốc được công việc lên hai ba lần?" "Làm sao tiết kiệm công sức nhiều hơn mà vẩn đạt hiệu quả cao?" (Hà hà! có người sẽ cho rằng được chủ trả thuê giá bao nhiêu thì làm bấy nhiêu đâu cần suy nghĩ chi cho mệt xác ... Nhưng không tập suy nghĩ thì cái hiệu ứng nhân quả tất yếu là đầu óc sẽ mụ mẫm và lười đến khi cần làm việc gì đó cho chính mình thì nó cũng đã quen ... chậm như rùa rồi!!!)
Do đó, cần nỗ lực nhiều hơn để bù lấp hay mài dũa khả năng tư duy vốn bị thiếu khi ở trường.

Hình1: Hình vẽ "trông thật sự không tròn" cho tới khi các đường gãy bị xoá đi!
Ngược lại, có nhiều bạn trẻ học hành rất giỏi, sau khi ra trường nhận công tác xong thì lại than rằng: kiến thức được dạy ở nhà trường không ăn nhập với công việc (tức là trường chỉ dạy những cái ở trên trời...không có gì thực tế). Thực ra, hiện trạng này không chỉ có riêng ở VN đâu (có điều là nó hơi quá đáng ở nước ta vì phương thức và chương trình đào tạo không được nghiên cứu cập nhật cho kịp phù hợp với thay đổi cuả xã hội trong ... nhiều năm cải cách giáo dục).
Khách quan hơn, một phần thiếu sót cũng là do bản thân cá nhân SV/HS, khi học ở trường, đã học với thái độ nào. Có được bao nhiêu người khi đi học đã tự hỏi "cái định lí hay cái bộ môn (khỉ gió) này được dạy để làm gì?" Tại sao Newton lại (phải) phát minh ra phép toán giới hạn (khó hiểu và nhức óc kia)? Như vậy, học một cách tỉnh táo cũng góp phần không kém cho HS trở nên linh hoạt sau này.
Độc lập trong suy nghĩ và học tập cũng là yếu tố cần thiết. Không phải sách giáo khoa nào cũng viết chính xác từ đầu đến cuối (đặc biệt nhất là các sách luyện thi Đại Học - Nhiều sách thay cái sai này bằng cái sai khác trong mỗi lần ... tái bản). Không phải bài toán nào cũng phải giải theo sự hướng dẫn đã cho trong sách. Có bao nhiêu lần giải quyết một vấn đề (bài tập) trong một chương cuả một bộ môn mà bạn lại không cần dùng đến các lí luận, các định lí, hay các luật trong chương đó hay thậm chí thử dùng kiến thức cuả môn học khác để giải nó? Có bao nhiêu lần bạn tự tìm ra rằng lời giải cuả một tác giả về một vấn đề nào đó là sai hay chưa hoàn toàn mà bất kể người giải là ai? (Ở đây tác giả bài viết cũng xin làm "cóc kiện với giời" rằng thì là, trong nhiều trường hợp, HS dự thí -- ngay cả trong các kì thi HS giỏi va các kì thi Đại học --đã đề xuất được các lời giải có tính sáng tạo nhưng ... vì nó không đúng với đáp án hay vì giám khảo không hiểu nổi bài giải... nên bị trừ điểm hay bị loại thẳng tay!)
Hãy tập liên kết giữa các bộ môn và các vấn đề hay chủ đề lại với nhau. Những người được xem là thông minh hay xuất chúng thường là những người có khả năng tìm/rút ra được các mối quan hệ giữa những đối tượng mà tưởng chừng như không dính dáng gì nhau. Trong những lúc rảnh rỗi, hãy tự làm khó bộ não cuả mình bằng cách này. Số người thông minh thiên tài bẩm sinh thì không nhiều nhưng sự bén nhạy cuả não bộ có thể tạo ra được phần nào qua sự rèn luyện, mài dũa cần cù, và tích cực.
Chấp nhận và tiếp nhận những ý trái ngược với mình. Càng thoải mái và phóng khoáng đối với các ý kiến dị biệt thì càng dễ sáng tạo. Thật ra, những người bị cho là 'điên rồ' trong lịch sử khoa học không hiếm và cũng không ít những người như vậy lại là các khoa học gia xuất sắc. (Trước thế kỉ 20, nếu có người nào cho rằng thời gian trôi chảy không đều theo không gian thì chắc ... bị cho là "đồ điên"). Không phải tự nhiên mà 1 người lại có ý "ngược đời" với những ý tưởng chung. Thái độ chủ động hơn là cho rằng có thể "người ta có một lí do nào đó khiến họ có các kết luận không vừa ý hay ngược với ý kiến thông thường". Hiểu được điều này sẽ có lợi hơn là chê bai, chống chế, hay tìm cách đã phá thậm chí trù dập, đàn áp. Khi chúng ta dể chấp nhận một cách sáng suốt những ý trái ngược với chính mình một cách thành tâm thì cũng là lúc tầm nhìn sẽ được mở ra rất lớn không còn bị bó hẹp vào trong khung tư tưởng hay tâm lí riêng cuả cá nhân (Hì hì, con ngưạ chỉ thấy có một hướng đi phía trước là vì người chủ đã .. bịt bớt tầm nhìn cuả nó). Tầm nhìn mở rộng, thì mình cũng có thể kết hợp được những điều hay của nhiều đối nghịch mà những thứ đó vốn (có thể) đã được phát huy và phát triển từ nhiều người, nhiều nguồn dị biệt.
Dĩ nhiên, chấp nhận được những thứ "ngược ngạo" với tâm ý cuả mình thì không dễ tí nào nhưng luyện tập nó thì cũng không quá khó nếu bạn quyết tâm. ZEN là một biện pháp rất tích cực để rèn luyện việc này. Có một thiền sư lớn đã giảng rằng: "ZEN is acceptance of everything" (tạm dịch thiền là chấp nhận được tất cả). Xem bài đề cập thêm về lợi ích cuả ZEN trong phần trước.
Phương cách đào bới tìm tòi kiến thức và dữ liệu mới có liên quan đến vấn đề cần giải quyết đóng vai trò thiết yếu. Chúng tôi tin rằng trong rất nhiều khó khăn kĩ thuật thì hầu như có đến hơn 80% cơ hội là có thể tìm ra cách giải quyết thỏa đáng qua các thông tin về kĩ thuật và kĩ xão. Các vấn đề nhiều khi đã có sẵn lời giải (một phần hay toàn bộ) trên các sách, báo, tạp chí chuyên môn, và nhất là trên Internet. Không nhất thiết phải mất thì giờ để phát minh ra cái mà người ta đã làm ra từ lâu (do not waist the time to re-invent the wheel).
Hãy tự trang bị cho mình một kiến thức toán khá đầy đủ. Hiện tại, cho dù bạn làm việc ở bất cứ ngành nào trong các lãnh vực khoa học thì toán luôn luôn đóng vai trò thiết yếu. Không có toán thì Newton và Einstein đã không thể nào trình bày được những phát kiến cuả mình. Từ các ngành khoa học cơ bản, computer cho đến y, sinh vật học; toán học đều là 1 nhân tố không thể thiếu để bạn diễn đạt 1 cách chính xác, và mạch lạc những gì bạn sáng tạo ra.
Hãy vượt qua các hàng rào tâm/sinh lí cuả bản thân: Bạn sẽ không làm nhúc nhích gì nổi vấn đề gặp phải nếu tự thân bạn đã đặt ra các rào cản -- Thay vì cho rằng "vấn đề này tôi không làm nổi" thì hãy nghĩ rằng tôi có thể làm được những gì? Một phần? Một chi tiết? Hay là tôi đã thực sự chưa hiểu rõ vấn đề cần tìm thêm dữ liệu, .... Sức ỳ cuả tâm lí cũng có thể đã được tạo nên từ trong các thói quen hàng ngày, từ phong tục tập quán sống, nếp suy nghĩ và sức khỏe. Đừng bao giờ "tự kỉ ám thị" chính mình rằng mình không bao giờ hay không thể vượt qua nổi điều này hay điều nọ khi mà bạn chưa thực sự hiểu vấn đề cũng như hiểu rõ khả năng cuả mình. Hơn nữa, rất khó để mà biết trước được khả năng vô hạn cuả não bộ.
Trong các bài giảng, người viết đã cố gắng hết sức để trình bày phương cách áp dụng. Như đã nói ở bài đầu tiên: Không phải phương pháp nào cũng có thể giúp ta giải quyết mọi thứ mà chúng chỉ là các phương tiện giúp thêm ý tưởng. Không có bảo bối vạn năng ở đây!
Một câu hỏi tiếp cũng rất thực tế là: "Làm gì được nếu như tôi đã thử hết mọi cách?"
Bộ não con người rất kì lạ nhiều khi hôm nay mình nhìn vấn đề cách này thì hôm sau lại thấy nó khác đi. Trong trường hợp quá khó thì hãy thử bỏ ra một thời gian hoàn toàn nghĩ ngơi không động đậy gì đến cái vấn đề. Một khi đầu óc được giải phóng khỏi những vướng mắc hay áp lực (cuả cuộc sống và cuả vấn đề), cơ thể được hít không khí trong lành thì nhiều khi lúc quay lại cái nhìn cuả mình đối với vấn đề có thể sáng tỏ hơn. Có nhiều đề tài mà nhà nghiên cứu có thể mất đến hàng chục năm (hay nhiều thế hệ) mới làm xong ... Nhưng dĩ nhiên, sự đền bù thường xứng đáng với cái giá đã bỏ ra.
Có khi vấn đề không giải quyết được không phải là do khả năng tư duy mà ... do các tiền đề các giả thiết ban đầu cuả vấn đề là chưa hoàn toàn đúng hay hợp lí, hoặc là, vấn đề đặt ra chưa hoàn toàn, chưa chính xác, hay chưa rõ. Trong trường hợp này thì chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm làm việc cuả Albert Einstein (1879-1955):
"The significant problems we face cannot be solved at the same level of thinking we create at when we create them".
Khi Einsten bắt đầu làm việc trên thuyết tương đối và lời giải tối hậu trở thành công thức E=mc2 thì các khoa học gia khác tìm tòi trên cùng 1 vấn đề đã thất bại bởi vì họ tìm kiếm cho một lời giải mà lời giải đó không tồn tại hay tìm cách giải thích hiện tượng cuả thiên nhiên dưạ theo những tiền đề không chính xác (mà chỉ có ý tưởng riêng cuả họ chấp nhận rồi gán ghép cho ... thiên nhiên):
"How can nature appear to act that way when we know that it can't?". (Einstein)
Trong khi đó, Einstein đã đặt lại vấn đề "Thiên nhiên sẽ giống như cái gì nếu như nó đã vận động theo cách mà chúng ta quan sát thấy". ("What would nature be like if it did act the way we observere it to"). Nói nôm na là ông (Einstein) sẽ tìm cách mô tả lại "thiên nhiên" để cho nó thích hợp với hoàn cảnh hiện tại (thích hợp với các quan sát các kết quả thử nghiệm)

Hình 2: Tuỳ theo tiền đề (hướng nhìn nhận) mà giả thiết rằng hình ở giưã là số13 hay chữ B hay cả hai.
Einstein phát biểu:
"Thứ duy nhất gây trở ngại cho sự nghiên cứu cuả tôi đó là chính học vấn cuả tôi." (The only thing that interferes with my learning is my education)
Thật vậy, kinh nghiệm, thói quen, hiểu biết cũng như là trạng thái tâm lý cuả chính bản thân chúng ta đôi khi là lực cản lớn lao ngăn trí não với sự sáng tạo. (Nói như vậy không có nghĩa là người không học đầy đủ có khả năng sáng tạo cao hơn người có đủ kiến thức!) Có một phương cách để rèn luyện cái nhìn tuyệt đối khách quan không bị vướng bận hay ảnh hưởng bởi kinh nghiệm và hiểu biết sẵn có cuả cá nhân khi tư duy là áp dụng cái nhìn cuả thiền học ZEN (hay phật học): Tập có cái nhìn phủ nhận tất cả; phủ nhận ngay cả cái mà mình cho là không tồn tại. Hoặc giả, tập có nhìn mà trong đó trạng thái không cuả sự vật chỉ là một trường hợp cuả trạng thái có. Tập chấp nhận nổi những gì đi ngược với kiến thức, ngược với hiểu biết, và mong muốn cuả mình.
Vì khi đã quen không tiếp nhận một cách tuyệt đối những tri kiến đã học đưọc nên những ý kiến suy nghĩ ra sẽ không (hay ít) chịu tác động bởi kinh nghiệm bản thân và do đó khai phóng được khỏi cái "trở ngại" mà Eintein đã nêu cũng như là đạt tới sự khách quan cần thiết khi nhìn nhận mọi vấn đề (tách nó ra khỏi những tình cảm hay cảm ứng tâm lí cuả cá nhân với vấn đề). Ngoài ra, trong khi tu tập (thiền hay các kiểu tu tập khác cuả phật giáo) thì thiền sinh cũng đã chủ động rèn luyện các cá tính cần thiết như là tính kiên nhẫn, tính chịu khó, độc lập suy nghĩ và nhất là rèn luyện sư tập trung tránh khỏi sự chi phối cuả ngoại cảnh và thực sự có thể giúp giải phóng tư duy khỏi các rào cản về tâm lí cá nhân.

Hình 3: Do ảnh hưởng cuả "kinh nghiệm" (tâm lí) chữ "liar" dường như khó được nhận dạng hơn là hình cô gái.
Cho dù thế nào đi chăng nưã thì có thể sẽ có lúc mình đụng phải những vấn đề thực sự quá sức mình. Nhưng trong tình huống như thế, tin tưởng rằng, không có ai có thể trách cứ việc làm cuả bạn nưã khi bạn đã làm hết sức --"chỉ vì bạn chưa đủ may mắn thôi". Nhiều khi chỉ cần giải quyết được 1% các vấn đề mà mình gặp trong lúc nghiên cứu mà những vấn đề đó chưa từng có ai giải nổi thì cũng đã là thành công lớn rồi.
Các bạn thân mến,
Trong thời gian sưu tầm loạt bài này, tôi có đọc được thư cuả một số bạn đọc tỏ ý hoài nghi những biện pháp mà tôi đã trích ở trên. Như đã nói, không có cái gì có thể làm một loại "chià khoá vạn năng". Nhưng dầu sao thì chính tác giả viết bài này ít nhất cũng đã nhiều lần đạt được thành quả nhờ xử dụng một vài biện pháp đã trình cho các bạn trong lúc giải quyết các nan đề ... trong đó có cả một vài phát minh và phát triển mà chẳng ai (thèm) nghĩ tới.
Các bạn có thể tin, có thể đồng ý, hay bất đồng với những điều mà tôi nêu ra trong mười mấy bài giảng. Đó tuyệt đối là quyền cuả bạn! Nhưng đẫu sao tôi vẩn thích câu nói sau đây cuả một lãnh tụ Trung Hoa: "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng miễn sao nó bắt được chuột" (rất tiếc trí nhớ của tui tệ lậu đến nổi không nhớ nổi là cuả ai --Hì hì -: ) - Nhưng đâu có sao, tinh thần ứng dụng mới quan trọng "phương pháp nào cũng không nhất thiết, làm sao tận dụng được chúng để đạt thành quả mới là yếu tố quyết định!" ).
Trong các phần sau chúng ta sẽ dề cập đến các chủ đề cụ thể hơn mà ai cng có thể có lúc phải sờ mó tới nếu có ý hướng làm việc trong môi trường nghiên cứu và học hỏi về khoa học “ Nhưng nhìu wá nên đợi khi nào tôi nhìu thời gian tui sẽ soan tiếp mong các bạn hưởng ứng, và ủng hộ. “

Bài tập: 1: Sử dụng tối ưu chất kích hoạt cho máy gia dụng 2: Mẹo vặt hay thông tuệ:Làm lạnh nhanh nồi nước nóng trong mùa lạnh