26 thg 5, 2013

SỐNG ĐỂ LÀM GÌ?



Đường phố HCM lại được ướt át, sau 1 ngày dài tắm mưa. Không khí trở nên mềm mại nhờ những giọt sương lấp đầy khoảng trống. Ta lại 1 mình trong căn phòng vắng vẻ, nhìn ngắm bản thân trước tâm gương soi, và kí ức lại bắt đầu tràn về... Một điệp khúc quen thuộc vang lên... vang lên

Cách đây vài năm... Có một con người... Có một câu hỏi... Sống để làm gì?

Albert Camus cũng như nhiều nhà văn hiện sinh khác đã bắt đầu thể hiện nỗi lo sợ về thân phận con người trước bao nhiêu biến động và tai ương của xã hội. Tiếp thu triết học của Soren Kierkegaard, Camus đề cao bề sâu cái tôi và thâm nhập thế giới tâm linh bằng trực giác, ông học tập tinh thần "thờ phụng cái tôi" của các nhà triết học hiện sinh đương thời. Tuy đề cao trực giác nhưng Camus không hoàn toàn phủ nhận tư duy lí tính, nhờ lí tính mà Camus mới nhận ra thế giới này, cuộc đời này là phi lí, cái phi lí ấy không phải là lời mời gọi đi vào chủ nghĩa hư vô, mà là lời thúc giục đi tìm ra ý nghĩa cuộc đời, và đảm nhận lấy trách nhiệm ở đời

Cuộc đời đã phi lí thì con người phải tìm cách chiến thắng nó bằng cách sống hết mình trong sự cảm thụ cái phi lí. Cái phi lí diễn ra giữa bao nhiêu sự việc vây bủa lấy con người, cái phi lí lộ nguyên hình qua sự xung đột giữa cái dơ dáy trong cuộc sống và ước mơ được trong sạch bắt nguồn từ thuở ấu thơ. Cần can đảm sẵn sàng nhận ra mọi thứ cùng cực và xấu xa của đời sống, nhưng nên khước từ mọi hi vọng, vì hi vọng chỉ là 1 ảo ảnh như lời Sartre: "Hi vọng luôn làm ta nhức nhối"

Camus viết: "Chính ở trong thế giới này mà tôi đáp lại cái phi lí bằng sự nỗi loạn của tôi, tự do của tôi và sự say mê của tôi. Chỉ bằng hoạt động của lương tâm, mà tôi biến đổi cái gì đó mời mọc đến cái chết thành qui tắc sống và tôi khước từ sự tự vẫn". Theo quan niệm của Camus, sự nổi loạn có mục đích là chống lại sự phi lí, là sự nổi loạn của cá nhân có tính chất siêu hình và vô nguyên tắc, đó là sự thách thức của con người trước mọi cái phi lí trong đời. Tự do có nghĩa là "Tôi chỉ là tôi", tôi không chấp nhận 1 cái gì có sẵn, không chấp nhận 1 lí thuyết, một đường lối giải thích nào...

Eugene Ionesco-một trong 3 nhà sáng lập nên kịch phi lí đã mô tả rất chân thực về cái phi lí của cuộc đời, và cái phi lí mà ông ta chọn là cái chết. Cái chết đối với Ionesco không đơn thuần chỉ là sự tắt thở về mặt sinh học, mà đó là sự tắt thở về mọi mặt, con người có thể chết ở mọi khía cạnh, mọi trường hợp, mọi lứa tuổi và không cần có lí do. Ionesco viết: "Chẳng có gì là tàn bạo. Tất cả đều tàn bạo. Chẳng có gì là buồn cười. Tất cả đều bi đát. Chẳng có gì là bi đát. Tất cả đều buồn cười. Tất cả đều thực. Tất cả đều không thực. Có thể hiểu nỗi chăng? Không thể hiểu nỗi. Tất cả đều nặng. Tất cả đều nhẹ". Đoạn văn này bị loạn thần kinh chăng? Đối với Ionesco mọi thứ đều loạn thần kinh, vì hầu hết tác phẩm của ông ta nhân vật đều chỉ là cái máy, khi họ sống mà không có 1 lí do, sống chỉ vì nghĩa vụ. Trong cuộc trò chuyện với Claude Bonnefoy, Ionesco tâm sự: " Đôi khi tôi gọi là phi lí điều mà tôi không hiểu... Tôi cũng gọi là phi lí khi con người lang thang không mục đích, con người bị chặt đứt bởi mọi gốc rễ cốt yếu, siêu nghiệm của nó... Tất cả những cái đó đều là sự thể nghiệm của cái phi lí siêu hình"

Theo Ionesco tất cả mọi người đều là nạn nhân của cái phi lí, nó không chừa một ai, chỉ có điều chúng ta có nhận ra hay không. Trong tác phẩm Kẻ Cô Đơn của ông có một nhân vật tự kể chuyện: "Ở tuổi 35, đã đến lúc tôi nên rút chân ra khỏi cuộc đời bon chen này, tôi đã chán ngấy công việc, tôi xin thôi việc và chia tay ông chủ cùng với bạn đồng nghiệp, rồi dửng dưng đi thuê 1 căn phòng để sống 1 mình, không cho ai biết địa chỉ, chẳng tiếp xúc với ai ngoài bà giúp việc... Tôi đạt tới 1 trạng thái dửng dưng về mặt tinh thần... Họ không còn là đồng bào của tôi nữa, tôi cố gắng chẳng hiểu gì khi nghe những lời họ nói ở tiệm ăn... Có lúc lòng gắn bó với cuộc đời trỗi dậy, tôi lắp điện thoại để trò chuyện với bạn bè, chấp nhận lời đề nghị sống chung với cô hầu bàn để chữa nổi cô đơn, tôi nhớ đến kỉ niệm êm đẹp của thời thơ ấu, đã có 1 thời... đã có 1 thời. Có đúng là tôi còn ràng buộc với 1 thời nào đó hay không? Đúng, đúng như thế, điều này làm cho tôi cảm thấy vui vui... Những chút ánh sáng bừng lên rồi cũng chợt tắt, tôi ngày càng dấn thân vào cuộc sống cô đơn... Cuộc sống của tôi lúc này như thực như ảo, không gian bị xoá mờ... Cuối cùng tất cả đều biến mất, chỉ còn lại 1 xa mạc vô biên, căn phòng của tôi dường như treo lơ lửng im lìm, một dấu chấm trong khoảng không vô tận".

Kẻ cô đơn trong tác phẩm này không phải cô đơn về nghĩa đen, mà đó là cô đơn về mặt triết học, cô đơn vì cảm thấy đời này không có gì để bám níu, "Vũ trụ đối với tôi dường như là 1 cái chuồng lớn, hay đúng hơn là 1 nhà tù lớn, bầu trời, chân trời là những bức tường". Điểm toát lên ở Ionesco không phải là cái cô đơn, cái đau khổ khi ta phải sống, mà đó là cái đau khổ bế tắc cho 1 cuộc đời không ý nghĩa, cái đau khổ khi phải sống cuộc đời không lí do, cái đau khổ khi phải tồn tại mà không có mục đích-đây chính là cái chết mà Ionesco đã dùng ngòi bút của mình thể hiện-Con người đã chết khi mà họ sống không có lí do

Thế còn bản thân ta, ta tự hỏi mình: Ta sống để làm gì?... Ta tự mỉm cười và nhớ lại những ngày tháng lang thang không mục đích... Ta nhớ đến Roquentin trong tác phẩm Buồn Nôn của Satre... Ta nhớ đến thế giới của sự dư thừa về tồn tại, những sự vật hiện hữu một cách dày đặc lầm lì và không có lí do. Ta nhớ đến những thứ phi lí trong cuộc đời, và đâu đó ta còn nhớ "Mọi sự vật đều phi lí: đây không phải là tiếng kêu phẫn uất về cuộc đời mà là 1 nỗi cay đắng âm thầm phát sinh từ trực giác về sự hiện hữu của sự vật. Sống cho tận cùng những nỗi cay đắng ấy, con người lại tìm thấy con đường giải phóng cho riêng mình: đảm nhận lấy trách nhiệm để được tự do thể hiện vận mệnh của mình..."

Ta còn nhớ đến nhiều thứ lắm, nhớ đến hình bóng của 1 kẻ cô đơn đang mắc kẹt trong đêm tối về câu hỏi cuộc đời...

Đồng hồ đã điểm 21h... Ta quay về lại với thực tại... Ta nhìn vào bản thân... Ta mỉm cười với bản thân...