21h, sau khi học bài xong, ta bắt đầu nhìn lại căn
phòng của tư tưởng... Ta đi theo nó... Ta muốn viết về kí ức... Ta muốn lưu lại
dấu ấn vào những khoảng thời gian ta chìm vào hồi tưởng...
21h15' Một khoảng không gian vô tận được mở ra... Nhưng
tối tăm quá không một chút ánh sáng... Ta không thấy được gì hết... Bỗng nhiên
có 1 con người cô đơn đang bước đi trong đêm dài vô tận... Ta tiến lại gần, có
1 con người... Đúng, có 1 con người đang lang thang...Ta tiến lại gần hơn nữa
và nhận ra khuôn mặt của người này, dáng vẻ này... Đúng, không thể nhầm lẫn được...
đó chính là ta
21h 30' Ta vẫn bước đi, nhưng đâu là đích đến? Ta mệt
mỏi sau chặng đường dài, ngồi lặng im suy nghĩ... Ta đi đâu bây giờ? Vẫn không
có câu trả lời... Thế nhưng khi bắt đầu cất bước trên 1 lộ trình mới, ta thấy được
1 chút ánh sáng, ta đi theo nó và đích đến là 1 cánh cửa... Một cánh cửa giữa
khoảng không vô tận... Ta vui mừng... Ta gào thét... Một cánh cửa... Một con đường
đã mở ra cho ta trong bóng đêm vô tận. Ta bước lại gần và thấy được dòng chữ:
"Hiện Sinh Vô Thần". Ta đọc đi đọc lại từ này mấy lần và bắt đầu nghiền
ngẫm: ý nghĩa của nó là gì? Ta bắt đầu vươn tay mở ổ khoá, thế nhưng... một bàn
tay ai đó đã chặn lại. Một câu hỏi, một giọng nói vang lên:
"Ngươi có yếu đuối không?"
"Có", Ta đáp trong e thẹn
"Ngươi có yếu đuối không?"-hỏi lại lần 2
"Có", Ta trả lời không cần nghĩ
"Ngươi có yếu đuối không?"-hỏi lại lần 3
"Có", Ta gào lên trong giận dữ
...................
Ta lùi lại, ta gục ngã, ta oà khóc... Một sự xỉ nhục
lan toả khắp bản thân. Cánh cửa này không dành cho ta. Ta nức nở và nhìn lại sự
yếu đuối của mình. Bây giờ ta phải đi đâu? Lang thang không mục đích trong đêm
tối cuộc đời hay mở ra cho mình 1 cánh cửa? Thế nhưng tại sao, tại sao ta không
thể nhìn thấy 1 cánh cửa nào dành riêng cho đời mình, ngoài cánh cửa của Hiện
Sinh? Ta giận mình, ta gào thét trong tuyệt vọng... Bỗng nhiên 1 sức mạnh vô
hình giúp ta đứng dậy, ta tiến gần lại, ta nắm chặt vào ổ khoá, ta giật tung
cánh cửa của Hiện Sinh... Một con đường đã mở ra... Thế nhưng ta vẫn chần chừ,
ta lo sợ và nhớ lại câu hỏi: "Ngươi có yếu đuối không?". Ta đứng lặng
im không một cử động, và 1 bàn tay vô hình nào đó đã đẩy ta đi về phía trước.
Ta cố nhìn lại, bàn tay của 1 ông lão già nua mà sau này ta mới được biết đến
tên: Socrates. Thế là những bước chân đầu tiên đã được in vết-cánh cửa của Hiện
Sinh Vô Thần
Triết học Hiện sinh vô thần
Nền tảng của loại triết học này có thể dùng câu nói
của Friedrich Nietzsche để diễn đạt: "Đối với các nhà tư tưởng của chúng
ta, điều kì lạ là vấn đề thúc bách nhất không ai chịu giải quyết: công việc của
họ có ích lợi gì và cho mục đích gì?"
Soren Kierkegaard là một trong những người chịu đào
sâu về vấn đề Tồn tại hay Hiện sinh. Đối với Kierkegaard từ tồn tại không phải
được dành riêng cho tất cả con người, ông nói tồn tại chỉ dành riêng cho những
cá thể nhất định, những cá thể biết xem xét những khả năng, biết quyết định và
biết dấn thân. Kierkegaard luôn phân biệt giữa khán giả và diễn viên, bằng cách
lí luận rằng chỉ có diễn viên là tham dự vào sự tồn tại=hiện sinh, chắn chắn
khán giả theo một nghĩa nào đó cũng có thể nói là tồn tại, nhưng từ tồn tại
theo đúng nghĩa thì không dành cho các vật bất động và im lìm, dù cho đó có là
khán giả hay cục đất cục đá. Kierkegaard minh hoạ sự phân biệt này bằng cách so
sánh hai loại người trên 1 cỗ xe ngựa, một loại thì ngồi ngủ và một loại thì cầm
cương. Trong trường hợp thứ nhất con ngựa chạy theo ý muốn của mình mà không có
sự chỉ đạo vì người chủ đang ngủ. Trường hợp còn lại, người cầm cương thực sự
tham gia và hoạt động đánh xe và điều khiển con ngựa. Chắc chắn theo một nghĩa
nào đó thì cả 2 loại người trên đều tồn tại, nhưng theo Kierkegaard thì chỉ có
những cá nhân ý thức được sự tồn tại của mình và tham gia vào sự tồn tại mới được
gọi là tồn tại.
Martin Heidegger-một tên tuổi lừng lẫy của triết học
Đức, ông ta đã dành toàn bộ cuộc đời của mình để đào sâu câu hỏi: Cái ý nghĩa của
tất cả những thứ đang tồn tại là gì? Triết học của Heidegger rất phức tạp, nhưng
có thể hiểu được nó thông qua Hiện tượng học của Husserl. Heidegger viết:
"Bản chất của con người là gì? Câu trả lời không nằm ở bất cứ một thuộc
tính hay tính chất nào cả, mà nó nằm ở cách mà con người đó tồn tại như thế
nào". Đối với Heidegger thì con người phải luôn ý thức về cá nhân họ, họ
phải ra lựa chọn, ra quyết định và tự thể hiện mình thông qua các hành động, vì
chỉ có con người là "bị ném vào trong thế giới" và quyết định mình sẽ
như thế nào. Ngược lại những cá thể không thoả mãn điều kiện trên sẽ bị chìm
vào hư vô và được an nghỉ ở cõi niết bàn. Như vậy chỉ mới mở màn ở 2 nhân vật
mà chưa phải là cột trụ của Triết học hiện sinh vô thần, thì ta đã thấy có 1 sự
kinh miệt về các cá nhân, chỉ những cá nhân nào dám sống, dám hành động, dám
tham gia vào việc điều khiển số phận của mình thì mới được gọi là sống, là tồn
tại, những cá nhân còn lại cũng không khác gì con trâu, con bò, cục đất, cục đá
là mấy
Jean Paul Sartre-một trong các cột trụ của Hiện sinh
vô thần, người đã từ chối giải thưởng Nobel Văn học năm 1964 với lí do:
"Tôi không muốn biết thành 1 cơ chế"-bởi vì đối với các nhà hiện sinh
thì xiềng xích có là bằng vàng đi nữa thì cũng là xiềng xích. Phát biểu kinh điển
của Sartre là: Tồn tại có trước bản chất. Điều này là 1 sự đảo lộn hoàn toàn với
các quan niệm của Siêu hình học và Triết học từ thời Platon: Bản chất có trước
tồn tại
Tồn tại có trước bản chất có nghĩa là gì? Và nó có hệ
luỵ như thế nào đối với ý nghĩa đời sống của 1 cá nhân? Sartre lấy ví dụ về con
dao rọc giấy, trước khi con dao rọc giấy được làm ra thì người thiết kế đã có
toàn bộ hình ảnh cũng như chức năng của nó trong đầu. Người thiết kế tưởng tượng,
vẽ vời... mọi ý tưởng của ông ta về con dao, và sau khi khâu thiết kế trên giấy
được hoàn tất, thì tư liệu về con dao sẽ được đưa xuống xưởng và biến nó thành
hiện thực. Tương tự cho con người, các học thuyết Triết học cũng như Siêu hình
học luôn mô tả con người như là sản phẩm của một nhà chế tạo, cụ thể là Thượng
Đế. Sartre viết: "Chúng ta thường nghĩ về Thượng Đế như là 1 thợ thủ công
siêu nhiên, chúng ta quan niệm rằng khi Thượng Đế sáng tạo ra con người, thì
ngài đã biết chính xác ngài tạo ra cái gì, chức năng của nó ra sao và được dùng
như thế nào, giống như con dao rọc giấy được tạo ra bởi trí tuệ của người thợ
thủ công". Theo quan niệm này-Bản chất có trước tồn tại, thì mỗi 1 cá nhân
không có quyền can thiệp vào số phận của mình, vì vị trí, vai trò, tính chất của
nó đã được tạo ra trong ý óc của người chủ (Thượng Đế). Do vậy hệ luỵ của nó là
gì? Ai làm nô lệ thì vẫn tiếp tục làm nô lệ, ai làm ông chủ, ai giàu, ai
nghèo... thì vẫn tiếp tục... vì mọi vị trí cũng như vai trò của họ đã được qui
định sẵn bởi quan niệm: Bản chất có trước tồn tại
Trái ngược lại là Triết học hiện sinh vô thần với
quan niệm: Tồn tại có trước bản chất thì: trước tiên con người tồn tại, đối diện
với chính mình, xuất hiện trong thế giới và sau đó mới dùng các hành động để định
nghĩa mình là ai. Như vậy ở đây bằng việc phủi sạch các thể lực siêu nhiên, các
quan niệm về số phận, Jean Paul Sartre đã mở ra 1 cánh cửa mởi, thế nhưng rất
đau khổ cho tác giả, khi mà Triết học hiện sinh trở thành mốt thì ai cũng muốn
sống 1 cách hiện sinh, và hậu quả là họ đã đi lệch con đường dẫn tới các tệ nạn:
"Mại dâm hiện sinh", "Tự tử hiện sinh"...
Một cách cửa mới
Friedrich Nietzsche phát biểu: "Thượng Đế đã chết".
Mikhailovich Dostoevsky tiếp nối: "Nếu Thượng Đế
không tồn tại thì mọi sự đều được phép".
Trong 1 thế giới vô thần, con người đã bị bỏ mặt, sự
bỏ mặt ở đây có nghĩa là sự gạt bỏ Thượng Đế cũng như các thế lực siêu nhiên ra
khỏi cuộc sống con người. Tâm trạng bị bỏ mặt của con người dẫn tới những hệ quả
kì lạ, đó là mọi thứ đều được phép, và do đó người ta trở thành phóng túng vì họ
không còn chỗ dựa dẫm nào khác ngoài bản thân. Lúc này con người không thể bào
chữa cho các hành động của bản thân, tồn tại của họ luôn đi trước bản chất của
họ, có nghĩa là con người như thế nào là do bản thân mỗi người làm ra. Nói rằng
không có gì ngoài 1 cá nhân đang tồn tại có nghĩa là không có Thượng Đế, không
có 1 hệ thống giá trị định sẵn đâu là tốt, đâu là xấu, không có 1 bản chất được
làm sẵn và tóm lại là không có 1 sự tất định
Lúc này con người đã trở thành 1 cá thể hoàn toàn tự
do, và Sartre có 1 câu nói kinh điển: "Con người bị kết án là tự do".
Như vậy đối với thế giới hiện sinh vô thần thì mỗi 1 cá nhân phải chịu trách
nhiệm cho đời mình, một cuộc sống không thể là 1 cái gì cả chừng nào nó chưa được
sống, và mỗi một cá nhân có trách nhiệm là làm cho đời mình có một ý nghĩa nào
đó, giá trị của cuộc đời không phải là 1 cái gì khác ngoài cái mà người đó muốn
tạo ra
Trần Thái Đỉnh viết về Triết học hiện sinh như sau:
"Con người hiện sinh là con người tỉnh ngộ, dám nhìn thẳng vào sự thật với
nhãn quan và khả năng của mình. Tự do ở đây là tự do hiện sinh, tự do lựa chọn,
tự do quyết định. Tự do ở đây là dám là mình. Nếu tôi cứ sống như cái máy, ở
trên bảo sao tôi làm vậy, người ta bảo sao mình làm vậy, thì tôi mới chỉ sống
như một sinh vật, chưa sống cái kiếp người của tôi. Cuộc sống ù lì đó, sống chỉ
để sinh tồn, sống như cây cỏ đó, Sartre gọi là buồn nôn, Camus cho là phi lý,
Heidegger gọi là tầm thường. Và con người muốn vượt khỏi cuộc sống tầm thường
đó thì phải vượt lên trên mình, phải sống một cách độc đáo. Độc đáo ở đây không
có nghĩa lập dị mà chỉ có nghĩa là tự do chọn lấy một lối sống riêng, không bắt
chước người khác và cũng không chịu sự sai bảo, kiềm chế của người khác. Độc
đáo là tự xác định nhân vị của mình"
.........................
Sau khi dấu chân của ta đã in vết trên con đường Hiện
sinh vô thần, thế nhưng ta vẫn tự hỏi: Ta sống để làm gì? Ta sống cho cái gì?
Ta chưa tìm ra cho mình lời giải đáp, nhưng trước hết ta đã xác định được mình
là ai. Ta là ai? Ta sẽ dùng hành động để trả lời cho câu hỏi này... Ta đang
hành động... Ta đang hành động để định nghĩa lấy bản thân
.........................
23h 30' Bỗng nhiên ta thấy lại hình ảnh của một ông
già, một con người có tên Socrates, và ta thấy chiếc chìa khoá về câu hỏi: Sống
để làm gì? đang nằm trong tay của người này. Ta tiến lại gần, bóng hình càng
xa, ta chạy theo nó, bóng hình đã chìm vào đêm tối
.........................
23h 45' Có 1 con người cô đơn... Có 1 câu hỏi còn
sót lại... Sống để làm gì?