Đôi điều về việc đọc |
Văn
hóa đọc là cái mà đã khá nhiều người bàn tới, nhiều trí thức lên tiếng
nhận xét và phê bình, cũng chẳng ít giải pháp đã đưa ra. Tôi thì vốn
không phải người thích viết đi viết lại những cái vấn đề đã quá nhiều
người nói, mà nhất là khi bản thân tôi cũng có ... ít văn hóa đọc.
Vâng, nói chính xác là tôi không phải người hay đọc, như nhiều người
nhầm tưởng khi nhìn vào cái công việc mà tôi đang làm; cũng không phải
người đọc chỉ để tự thỏa mãn cái cảm giác ta có vẻ cũng yêu tri thức hay
thậm chí thích tự nhận là mình đọc đủ thứ trên đời dù chẳng phải thế
của một số kha khá đông người trẻ hiện nay. Với tôi, đọc về cơ bản có
hai mục đích. Thứ nhất, là giải trí, mở rộng tâm hồn những lúc mệt mỏi
hay đơn giản là tìm kiếm thêm một vài cách nhìn cuộc đời. Và thứ hai, là
đọc để lấy những thông tin cụ thể phục vụ công việc. Ở mỗi mục đích tôi
lại có những cách đọc khác nhau, có điều ở cả hai mục đích thì như đã
nói, tôi đọc không nhiều cho lắm.
Tuy vậy, tôi tin (và cũng hầu hết người quen biết tôi nghĩ) rằng tôi đọc sách/tài liệu có hiệu quả. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ vài điều về quan điểm và phương pháp của mình. Những cách đọc thường thấy ngày nay trong các bạn trẻ và không mang lại hiệu quả có thể kể ra sơ sơ như sau: 1. Đọc báo chỉ qua dòng tiêu đề. Đây là tình trạng phổ biến nhất trong văn hóa đọc ngày nay của các bạn trẻ. Tôi còn nhớ không thể quên một lần hồi năm ngoái (2011) tôi có viết một bài có tên là "Không có tận thế vào năm 2012" với nội dung giải thích nguồn gốc ban đầu của tin đồn tận thế 2012, và qua đó khẳng định việc nó không thể xảy ra. Sau đó khá nhiều tờ báo trong nước đã trích đăng lại bài viết đó và để tăng tính thu hút thì họ đổi tên bài viết thành "Thực hư ngày tận thế 2012". Do cũng tò mò đôi chút xem người ta nhận xét ra sao về bài của mình nên tôi mới vào một số bài báo cho phép bình luận (comment) phía dưới. Xen lẫn những ý kiến tích cực dù đồng tình hay phản biện, tôi thấy khá hài hước vì thấy một số dòng bình luận như là "làm gì có tận thế, đồ lừa đảo", "thế là sắp chết thật à?" ... trong khi rõ ràng nội dung của bài là "không có tận thế". Dường như cách đọc mỗi tiêu đề này khá phổ biến ngày nay. Các bạn trẻ đã dành thời gian lên các trang báo để đọc bài, mà lại chỉ đọc như vậy, không hề biết rằng có thể mình đã tự cho mình những thông tin hoàn toàn sai. Như vậy việc đọc đó không chỉ lãng phí thời gian mà còn vô tình làm hại cả kiến thức của bạn. Chúng ta thường lên án các nhà báo thích đưa những tiêu đề giật gân, vậy thì đâu là lí do? Ai đã tiếp tay cho họ? Chắc các bạn đã có câu trả lời. 2. Đọc rất nhiều sách, đọc chăm chú nhưng rất nhanh quên và không giúp ích được bất cứ điều gì trong công việc và cuộc sống. Nguyên nhân của việc đọc xong là quên này thường là đọc mà không có mục đích, đọc để giết thời gian, và vì thế đọc không có chọn lọc. Những người như vậy đọc tất cả những thứ gì trong tầm mắt và tầm tay của họ, có thể đó là những thứ mà đã được ai đó khen hay, ca ngợi ... nhưng cuối cùng thì dù hay hay dở thì họ sẽ nhanh chóng lãng quên chỉ vài ngày sao khi đọc hết cuốn sách. Cách đọc này nói chung là tích cực hơn nhiều so với những người thuộc trường hợp thứ nhất nêu trên, và nó ổn với mục đích đọc giải trí nhẹ nhàng,... chứ không ổn nếu đọc liên tục, ngay cả khi chỉ là để giải trí. Đừng quên rằng bộ não bạn có giới hạn, vì thế hãy thu nạp vào đầu những thứ gì cần cho bạn. Cần ở đây có thể là cho công việc, có thể đơn giản là để giải trí. Nhưng dù vì mục đích gì khi nó được nhồi nhét quá nhiều thì nó có thể làm bạn mất phương hướng. Và với những bạn như vậy thì hãy thử nhìn lại xem tới nay bạn đã có được những gì từ đống sách vở đó? Bạn đã có một con đường để theo đuổi cho cuộc đời chưa? Bạn đã làm được gì để theo đuổi nó ngoài việc đọc lời của người khác và thả sức suy ngẫm về nó? Trong những năm làm công tác nghiên cứu và phổ biến kiến thức thiên văn gần đây, tôi gặp khá nhiều bạn trẻ rất say mê khoa học. Họ đọc hết tất cả những thứ gì liên quan tới thiên văn dù ít dù nhiều, dù tiếng Anh hay tiếng Việt, dù của các nhà xuất bản lớn hay đơn giản là một bài viết trên internet. Tất nhiên tôi quí trọng họ bởi cái tinh thần đó. Tuy vậy phải thú thực rằng rất ít người trong số đó tôi nhìn thấy tri thức và sự hiểu biết thực sự về môn khoa học, và cúng rất ít người biết rằng mặc dù được họ gọi bằng "thầy" nhưng thực tế số sách về thiên văn tôi đọc chưa chắc bằng được nửa của họ... Cách đọc nào là phù hợp? Tôi xin không nói nhiều tới cách đọc với mục đích giải trí, thường thì với mục đích này tôi thích đọc sách giấy hơn là các tài liệu trên máy tính, vì có cảm giác mình được thưởng thức đẩy đủ hơn, và thường thì tôi đọc khá kĩ tất cả các tác phẩm mà tôi coi là giải trí. Một điểm mà tôi nhấn mạnh ở mục đích này, đó là ngay cả giải trí cũng là một cách học tập. Nếu mỗi khi đọc một cuốn truyện hay xem một bộ phim, bạn vừa xem vừa để ý và ghi nhận lại mọi thứ từ nét văn hóa của các quốc gia, vùng miền đến những thông tin khoa học, xã hội thì bạn sẽ thấy cuộc vui của bạn thú vị hơn rất nhiều. Còn với cách đọc để phục vụ công việc, tôi đọc rất khác. Tôi ít đọc những cuốn sách nổi tiếng được khen ngợi là có văn phong cuốn hút hay các ví dụ dí dỏm. Vì đơn giản với tôi điều đó là mất thì giờ. Khác với đọc để giải trí, khi làm việc tôi thích đọc tài liệu trên máy tính hơn rất nhiều vì tôi có thể thoải mái kéo lên kéo xuống, lật trang rất nhanh. Tôi chọn ra những phần thật sự cần đọc kĩ và bỏ đi những lời dẫn rườm rà. Tôi đọc những phân tích trực tiếp vào vấn đề chứ không quan tâm nhiều tới các ví dụ hay thậm chí là cuộc đời của người viết ra nó. Nếu phân tích chính xác, có giá trị thì tôi sẽ nói tác giả đó là một tài năng, chẳng cần biết ông ta từng là thủ tướng một nước hay là thằng ăn trộm. Còn cuốn sách dở tệ, tôi sẽ xóa ngay khỏi máy tính và chỉ cần nhớ tên tác giả của nó vì mục đích duy nhất là nói những người đi sau đừng đọc sách của ông ta, cho dù ngoài xã hội kia người ta có nói gì về ông ta chăng nữa. Với những tình huống cần thông tin khẩn cấp, ví dụ như tham khảo số liệu cho một bài giảng tôi đang chuẩn bị, hay giải đáp về nguyên lý cho một bạn trẻ nào đó, qui trình làm việc của tôi khá đơn giản: - Tìm một số tài liệu tham khảo trong những tài liệu có sẵn hoặc tìm kiếm thêm trên internet - Đánh giá độ tin cậy và chọn ra từ 2 đến 5 nguồn tương đối tin cậy nhất - Dùng chức năng tìm kiếm từ (search) để tìm đúng chỗ mình cần và chỉ đọc đúng chỗ đó - So sánh sự tương đương giữa các văn bản, nếu có sai khác thì sẽ xem xét xem văn bản nào được viết gần đây hơn, và cơ quan nào đã xuất bản nó. - Hết Với cách làm việc đó, chỉ cần là một thông tin thực sự có tồn tại, và lại tồn tại trên internet thì tôi ít khi mất nhiều thời gian để tìm ra. Đó là lí do tại sao tôi nói tôi đọc rất ít nhưng có hiệu quả. Tôi đọc nhiều tài liệu, nhưng chưa bao giờ đọc nhiều chữ! Tất nhiên rất nhiều người có những phương pháp khác mang lại hiệu quả, và mỗi phương pháp đều đòi hỏi những yếu tố về kĩ năng và kinh nghiệm của người thực hiện, do đó cần có rèn luyện chứ không phải ngày một ngày hai. Vài lời với các bạn trẻ, chúc các bạn luôn thành công trong quá trình tiếp thu tri thức mỗi ngày! Ngày 16 tháng 10 năm 2012 Đặng Vũ Tuấn Sơn |