24 thg 7, 2013

Tư duy đa chiều

Tư duy đa chiều, cái còn thiếu trầm trọng của chúng ta
Viết bởi Dang Vu Tuan Son   
Thứ năm, 27 Tháng 9 2012 15:04
Giáo dục sẽ mất đi 70% giá trị của nó nếu như kiến thức không đi kèm với tư duy độc lập và chủ động. Thật tiếc, chúng ta đang ở trong tình trạng đó ! (Bài viết vốn được tác giả viết dưới dạng một note đăng trên Facebook cuối năm 2011, do đó một số cách hành văn và dùng từ thiên nhiều về văn nói hơn là một bài báo chính luận. Mong độc giả lưu ý để có thể thông cảm)

Tư duy đa chiều là cái gì đó mà học sinh ở Việt Nam chúng ta không hề được dạy. Đa số họ như những cái máy chia làm 2 loại. Một loại là người ta nói gì nhồi vào cho thì mặc định nó là nhất, không thể thay đổi tư duy cố hữu, loại máy khá hơn chút thì có suy nghĩ, nhưng luôn nhìn nhận mọi thứ theo một chiều hướng xác định, khi được tác động theo hướng nào đó có thể sẽ thay đổi nhưng sau khi thay đổi sẽ nghiêng hoàn toàn về hướng suy nghĩ mới mà không tự định hình được nhiều khía cạnh song song mà vốn là bản chất của bất cứ sự việc nào dù là nhỏ nhất.

Tư duy đa chiều là gì? Nói 1 cách khá đơn giản là cách suy nghĩ một vấn đề nào đó một cách bình tĩnh dưới nhiều góc độ, để thấy được mọi tác động của nó cả về lý thuyết lẫn thực tế xã hội. Tất nhiên ở đây cần phân biệt không phải nói như thế nghĩa là cào bằng không còn đúng/sai, tốt/xấu mà có nghĩa là qua tư duy đa chiều vừa hiểu vấn đề cặn kẽ và sáng tỏ hơn (rất tốt cho bộ não) vừa chỉ qua đó mới tìm ra cách nhìn nhận hợp lý nhất cho mọi sự việc, ý này có thể hiểu đơn giản là đặt mọi điểm tốt/xấu, hay/dở, đúng/sai ... lên cân đĩa hết thì mới biết thật sự cái nào nhiều hơn, còn chỉ nhìn một khía cạnh thì việc sai lầm sẽ là khá thường xuyên. Ngoài ra, tư duy đa chiều còn phải có sự phân luồng hợp lý, minh bạch để cái nhìn luôn được khách quan nhất có thể (tôi dùng từ "có thể" vì thực tế trên thế giới này không có con người nào là khách quan 100% cả, nếu có thì ta phải quay ngược lại câu hỏi "có đúng anh ta là người? hay là 1 con robot?")

Với những ai vẫn còn mơ hồ về khái niệm tư duy đa chiều trong cuộc sống thường ngày, xin lấy vài ví dụ nhỏ

1- Bạn ra đường, gặp một vụ cãi vã. Cả 2 người đều là người không quen. Một anh đang rất to mồm, thậm chí văng tục vào mặt anh kia, còn anh kia đứng im một chỗ chịu trận, một số đông trong các bạn sẽ nghĩ ngay anh chàng chịu trận kia là "hiền lành", "thật thà", có khi còn "tốt bụng", còn anh chàng to mồm kia là "đồ du côn, vô học". Đúng là văng tục thì cũng chẳng phải có học lắm, nhưng nếu là tôi, thú thật rất ít quan tâm những chuyện vớ vẩn ngoài đường. Nhưng giả sử như phải hôm rảnh rỗi đi, tôi sẽ không để cái ý nghĩ đó ập đến ngay như nhiều người đâu. Tại sao không thử đặt ra 1 kịch bản khác, song song với kịch bản anh chàng hiền lành bị bắt nạt, hãy nghĩ tới kịch bản mà khả năng xảy ra là hoàn toàn tương đương: Ông bạn "hiền lành" kia đi sai đường, sau khi đụng phải không được nửa lời xin lỗi, có khi còn làu bàu, hay là vênh mặt lên thách thức, lúc đó nếu là bạn thì có ức chế không? Thế là người bị va chạm mới mất kiềm chế nhảy xuống khỏi xe gây sự, chửi bới (dù rằng cũng chẳng lịch sự lắm nhưng mà là có nguyên nhân), cũng lại vì ông bạn có cái mặt "hiền lành" kia chỉ là loại vênh mặt chứ thật ra thì vốn là loại hèn hạ, thấy đối thủ vừa có lý lẽ vừa ... to con hơn đành im mồm chịu trận, vừa mới "mày đi kiểu gì thế" đã chuyển sang "lạy anh tha cho em" ... Có bao giờ trong tình huống đó các bạn đưa ra cả hai giả thiết song song ngay lập tức không, bao nhiêu người trong số các bạn đang đọc bài này có thói quen suy nghĩ như thế?


Hình minh họa: Nếu chỉ nhìn cái gì đó từ một hay một vài khía cạnh,
đừng vội nghĩ bạn đã biết tất cả về nó



2- Một ngày nọ online đọc báo trên các báo điện tử vốn nổi tiếng thích câu khách của chúng ta, bạn thấy tin 1 ông giám đốc/bộ trưởng X bị bắt quả tang quan hệ với bà Y, hay là nhà tỷ phú T bị chụp lén ảnh đang này nọ với cô ca sĩ Z ... Rất nhiều người trong các bạn sẽ lập tức hình thành những suy nghĩ hay ấn tượng về những con người được nhắc tới đó, nhiều khi tôi nghe các anh chị em ngồi quán nước tâm sự với nhau lại bảo à hóa ra ông X, ông T đó trông vậy mà cũng khốn nạn cả ...

Ở đây thì trước hết hãy nói đến vấn đề tư duy đa chiều đi đã. Giả sử ông X làm quan ăn chặn của dân, ông tỷ phú T nhờ tay nhúng đầy chàm mới giàu có thì thôi ta không nói làm gì, khốn nạn quá đi chứ. Nhưng mà bài báo không nhắc tới mà chỉ nhắc tới vấn đề đời tư. Vậy trước hết hãy làm bài toán so sánh giữa cái mà bạn gọi là "khốn nạn" và cái người ta đóng góp cho đời cái nào hơn. Ông sếp nọ có làm thành công những dự án lớn cho đất nước không, ông tỷ phú kia có phải đã thúc đẩy kinh tế phát triển không?

Thứ hai hãy nói tới một ý trên kia chúng ta đã nhắc, đó là sự phân luồng tư duy một cách hợp lý. Một ông giám đốc, chủ tịch tỉnh, hay bộ trưởng gì gì đó. Ta biết tới họ vì những cái danh đó và họ sống với đời bằng cái danh đó, vậy hãy phán xét cái danh đó, có nghĩa là phán xét xem họ hoàn thành trách nhiệm tới đâu: thảm hại, tạm được, tốt hay quá tốt? Đó mới là quan trọng, ông tỷ phú kia cũng thế, những gì đóng góp cho lợi ích kinh tế xã hội là thế nào? Nếu chức năng của họ đã thất bại, thì nhất định ta phải lên án, ngược lại họ hoàn thành tốt các chức năng với xã hội, họ vẫn cứ là một ông lãnh đạo giỏi, một nhà tỷ phú đáng kính; còn chuyện quan hệ với bà nọ cô kia, hay thậm chí ... 2 ông quan hệ này nọ với nhau chăng nữa, hãy để gia đình, người thân và bạn bè của họ phán xét, nói ngắn gọn và rõ ràng là "chúng ta không có quyền". Trong xã hội hiện đại rất cần bỏ tư tưởng đánh đồng. Tôi vẫn hay nói với bạn bè rằng tôi rất thần tượng Hitler, tên độc tài tàn bạo thuộc loại hàng đầu trong lịch sử thế giới. Đúng hắn tàn bạo thật, nhưng tôi thần tượng ở tài năng chính trị và quân sự, tôi chưa bao giờ nói tôi thần tượng cái đức độ của con người đó cả. Một vài anh nghệ sĩ đã nhập quốc tịch nước ngoài về nước được khán giả yêu thích đã đành, còn báo chí bảo là hắn ta vinh danh Tổ quốc và dân tộc , tôi khinh thằng viết báo như thế, ừ thì giỏi, ừ thì tài, ừ thì mang dòng máu VN, nhưng đã quay lưng với đất nước của mình, tới lúc thành danh thì về không phải để đóng góp cho xã hội, dân trí mà  để ... ban phát chữ kí, chẳng có cái gì đáng ca ngợi theo khía cạnh dân tộc cả. Rồi chuyện một cô gái bị tai nạn và tử vong, anh người yêu buồn quá nhảy cầu tự tử, các báo cũng đăng lên, các bạn trẻ nhạy cảm rơi lệ khen tình yêu sao đẹp thế. Ca ngợi cái gì, anh ta có cứu được người ta không, mà giở chứng ra chết theo thì sẽ có thêm một gia đình mất con, thêm những người thầy phí công dạy dỗ một thằng không được gì cho xã hội! Tất cả những gì tôi vừa nói có nghĩa là: ngoài việc nhìn một vấn đề từ nhiều hướng còn phải tùy lúc mà chọn hướng cho hợp lý nhất, đánh giá con người hay sự kiện trên đúng khía cạnh phù hợp của nó.

Đôi lời tâm sự về một khía cạnh trong xã hội chúng ta ...