3 thg 7, 2013

Tóm tắt và giải thích về PP học Anh Văn của Doremon.



Chào các bạn !

Doremon có đọc qua các comment trên trang facebook và nhận thấy các bạn vẫn phần nào chưa hiểu được cách học mà Doremon đã đưa ra, đương nhiên học như thế nào là quyền tự do của mỗi người, không ai cấm cản điều này. Riêng Doremon vì thấy có nhiều bạn chăm học mà vẫn học không đúng, cũng như vẫn chưa hiểu rõ ràng nên sẽ tóm tắt tại và giải thích vì sao

Trước khi đi vào vấn đề chính, chúng ta hãy tâm sự thật lòng với nhau về cái này: Bạn có biết chính xác nguyên nhân nào dẫn đến thất bại trong việc học Tiếng Anh?

Có người cho rằng do mình không đủ điều kiện để đi nước ngoài, hay do mình không được học với người bản xứ, hoặc cũng có thể mình vào trung tâm dạy dở... Nếu các bạn quan niệm như thế này thì các bạn đã hoàn toàn sai lầm. Nếu có thời gian các bạn hãy lên forum của Effortless English-có 2 loại forum: một là dành cho mọi người và 2 là loại forum đặc biệt chỉ ai đóng tiền và có đam mê thì mới được vào sinh hoạt, và đây là forum mà AJ Hoge làm việc. Hoặc các bạn có thể sang các forum khác ở nước ngoài, bất cứ nơi nào có bàn về English, thì các bạn sẽ phát hiện ra 1 điều rằng: có rất nhiều người gặp khó khăn trong tiếng Anh, mặc dù họ đang sống tại Anh, Mỹ...

Có rất nhiều học trò của AJ Hoge hiện đang làm việc tại Mỹ và muốn cải thiện tiếng Anh của mình. Trước khi đến với AJ Hoge thì họ cũng đã trải qua 1, 2 năm học tập với người bản xứ-học ngay tại Mỹ, vừa học vừa đi làm... thế nhưng kết quả thì sao? Sau 2 năm học thì họ phát điên lên, vì họ vẫn không thể nào giao tiếp được với người bản xứ, ngoài nói những câu đơn giản, thế là họ đón máy bay để lên San Francisco-nơi AJ Hoge làm việc (không biết nhớ đúng không). Vậy các bạn nhận ra được điều gì? Đó là dù các bạn có học với người bản xứ, có sống ngay tại Mỹ mà học không đúng cách thì mọi thứ vẫn vậy

Thế lí do cụ thể là gì? Doremon sẽ trả lời cho các bạn

Tri thức mà chúng ta thu nhận được thì gồm 2 loại: Tri thức thông thường (hay tri thức kinh nghiệm) và Tri thức khoa học

Tri thức kinh nghiệm là loại tri thức được hình thành qua quá trình làm việc của con người, nhờ "cày cuốc" tích luỹ mà có được, loại tri thức này mang tính chất cá nhân và không có điều gì đảm bảo rằng nó đúng

Tri thức khoa học là loại tri thức được hình thành do các thí nghiệm khoa học, các kết luận đã được chứng minh là chính xác. Trong tri thức khoa học thì lại gồm nhiều loại, như đối với các bộ môn khoa học chính xác như lí, hoá thì nó đảm bảo đúng 100% (theo tính toán lí thuyết), như Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, quả táo chỉ có thể rụng từ trên cây rớt xuống đất mà không thể nào bay lên trời được, cho dù cây táo này có trồng ở vị trí địa lí nào trên Trái Đất. Còn loại tri thức khoa học đối với các bộ môn như Tâm lí học, Xã hội học, thì chỉ cần trong 100 người, nó đúng được 90 người thì đã là tri thức khoa học...

Ví dụ 1 người nông dân, nếu chỉ dựa vào tri thức kinh nghiệm thì kết quả sẽ ra sao? Cụ thể để tìm ra loại cây thích hợp trồng trên mảnh đất A, thì ông ta phải dùng kinh nghiệm, có nghĩa là thử hết loại cây này đến loại cây khác cho đến khi nó đúng thì thôi, nếu may mắn thì trong lần lựa chọn đầu tiên ông ta đã tìm được, còn không thì có khi trồng đến cái cây 100 mới tìm ra kết quả

Trái ngược lại nếu ông ta chịu dùng tri thức khoa học thì mọi việc sẽ khác. Ông ta có thể tìm đến nhà sinh vật học, nhờ họ giúp đỡ bằng cách cho ông ta biết: loại cây nào thì sinh tồn được trên mảnh đất A, với nhiệt độ là B, phân bón là C...

Tương tự cho việc học Tiếng anh, dù các bạn có lên trời và học với mức tiền cũng ở trên trời, nhưng nếu các bạn học theo phương pháp do các "kinh nghiệm" của những người đi trước tích luỹ lại được, thì bạn có thể thành công hoặc không, có thể thành công nhanh hay chậm, điều này hoàn toàn may rủi giống như ví dụ về người nông dân trồng cây. Trái ngược lại nếu bạn học tập theo phương pháp do các tri thức khoa học mang lại thì xác suất để bạn thành công sẽ gần như là 100%, các trường hợp cá biệt như không có khả năng học tập... thì không tính

Doremon nói lên điều này không phải để khẳng định giá trị cho topic, mà chỉ để các bạn thấy được rằng: chỉ có topic này là đủ sức để đưa các bạn đến thành công trong việc học Tiếng Anh, vì nó được xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học. Còn cơ sở nào thì Doremon sẽ nhắc lại sau. Nhưng trước hết Doremon cũng xin nói thẳng, người viết bài này không có lí do gì để tuyên bố cho to, cho lớn về topic vì sau khi các bạn thành công Doremon cũng không nhận lại được 1 đồng nào, cũng như Doremon không hề có ý định tuyên truyền hay quảng cáo làm lợi cho bất kì ai. Thế lí do tại vì sao?

Doremon viết topic này không phải dành cho tất cả mọi người, mà chỉ dành riêng cho những người có ước mơ, những người muốn thoát khỏi cuộc đời nghèo khổ của mình. Chúng ta cũng đều là con người với nhau, ai cũng muốn nở mày nở mặt với đời, muốn có nhà có cửa. Thế nhưng có những con người vì điều kiện gia đình cũng như hoàn cảnh, mà họ không có tiền để lên trung tâm, hay học với giáo viên bản xứ, họ phải tiết kiệm từng đồng, từng xu mới đủ tiền học... và sau khi đủ tiền học thì học xong lại chẳng thu được gì. Nếu bạn đọc là người kể trên thì topic này dành riêng cho bạn, các bạn không cần đóng 1 đồng 1 xu nào, mà vẫn đảm bảo được học 1 cách khoa học nhất

Và bây giờ chúng ta đi vào vấn đề chính. Doremon xin nhắc lại các cơ sở khoa học dùng để xây dựng nên topic này, và cũng xin nhắc lại: mặc dù topic được gọi là Effortless English nhưng thật ra nó chỉ chiếm khoảng 70%, nhưng vì tôn trọng AJ Hoge, nên có những chỗ AJ Hoge còn thiếu sót thì Doremon bổ sung, nguyên nhân do AJHoge chỉ là giáo viên Tiếng Anh, cũng như chỉ biết về Ngôn ngữ học, còn Phân Tâm học hay Triết học thì AJ Hoge hoàn toàn không biết gì

1. Triết học Lão-Trang: thuận theo tự nhiên. Trẻ em học ngôn ngữ mẹ đẻ như thế nào thì ta học theo thế đó: nghe nói trước tiên và sau đó là đọc viết. Đây là 1 điều mà không ai phủ nhận được, vì quá trình nghe nói trước, đọc viết sau, là quá trình mà bất cứ 1 đứa trẻ nói ngôn ngữ bản xứ đều trải qua, và không một ai bị thất bại nếu chịu học theo quá trình này. Trái ngược lại nếu các bạn học theo phương pháp thông thường đang được giảng dạy là học ngữ pháp, làm bài tập... có cơ sở nào để khẳng định rằng nó thành công? Điều này không 1 ai biết, giống như ông nông dân trồng cây, may rủi rơi vào ai đó. Cho nên trong 1 triệu người học theo cách ngữ pháp, bài tập thì có khoảng vài chục, hay vài người thành công là chuyện bình thường

2. Các kết luận của Ngôn ngữ học, Doremon nhắc lại

-Bạn chỉ có thể nhớ 1 từ khi nghe và thấy (hay viết) nó từ 20 lần trở lên và trong 1 hoàn cảnh hoàn toàn hiểu được

-Thành công trong Tiếng Anh là kết quả của 80% các yếu tố như niềm tin, sự hưng phấn, sự kiên trì... 20% còn lại là cái lớp ta ngồi, giáo trình ta học

-Việc giỏi ngữ pháp là kết quả của việc đọc sách nhiều

3. Phân tâm học: Nếu bạn muốn dùng Tiếng Anh như 1 phản xạ tức là nói mà không cần suy nghĩ, viết mà không cần tìm từ... thì bạn phải nghe đi, nghe lại, đọc đi đọc lại... cùng 1 lượng thông tin để nó in xuống tiềm thức

4. Triết học duy vật biện chứng: chuyển hoá lượng chất và phương pháp Kaizen way. Càng lên cao thì sự tiến bộ càng chậm lại, và muốn tiến bộ nhanh nhất thì bạn phải học mà không bỏ ngày nào


Dựa vào các cơ sở khoa học đã được trình bày cụ thể trong phần trước, nên Doremon cung cấp cho các bạn những giáo trình như đã biết, và cách dùng nó như sau-đây là nhắc và tóm tắt lại vì các bài viết trước đã có nói

1. Coi phim có sub-có tác dụng giúp các bạn tắm Tiếng Anh. Mặc dù không hiểu vẫn cứ kệ, vì đây là giai đoạn giúp các bạn làm quen dần với tiếng anh, để não bộ thích nghi được với các tần số âm thanh của tiếng anh... cho nên đừng đòi hỏi tại sao ta nghe mà không hiểu vậy nghe để làm gì. Hãy nhớ là phải có sub, vì có nhiều bạn đòi xem không sub, hãy ghi nhớ đây là giai đoạn đầu cho nên phải có sub để mỗi lần ta nghe diễn viên nói câu gì thì mắt ta nhìn thấy cái câu đó, làm cho các bạn nhận biết các từ đó dễ dàng, và lần sau khi nghe lại câu đó thì trong bộ óc của ta lại hiện cái câu đó. Coi phim còn có tác dụng giúp các bạn thấm được tiếng anh bằng cảm xúc, tức là có những từ ngữ liên quan đến cảm xúc thì nhờ diễn viên mà ta thu nhận được, vd những từ ngữ thô tục hay chửi rủa thì nhờ họ gào to chửi nhau trong phim mà ta có cảm xúc cái từ, cái câu chửi...

2. Luyện 3 cái phát âm

3. Học 120 bài Listening_Practice_Through_Dictation. Đây là bài học chính cho các bạn, có nghĩa là tiến bộ hay không là nhờ cái này. Nếu ai chơi thể thao thì cũng biết, có những động tác chính và động tác bổ trợ. Cái chính là cái này, còn cái coi phim là cái bổ trợ, và bổ trợ như thế nào thì đã trình bày. Cho nên những bạn lười học cái này mà chỉ chăm chú coi phim thì các bạn nên học theo cách khác, vì có coi phim cả đời đi nữa thì cũng không đạt được trình độ như Doremon đã nói. Và học cái này như thế nào

Nghe đi nghe lại và vừa nghe vừa nhìn vào transcript. Tới đây có 1 câu hỏi rất hay. Cứ nghe đi nghe lại mà không biết nghĩa của cái câu, cái bài thì nghe làm gì? Nếu ai đó vừa nghe, vừa dừng lại để tra từ điển thì kết quả Doremon không dám đảm bảo. Còn Doremon sẽ nhắc lại cụ thể như sau:

Việc nghe đi nghe lại mà vẫn không hiểu cái bài (tức là không cần tra từ điển) có tác dụng cho các bạn tắm tiếng anh (giống như phim) hãy để Tiếng anh vào tai, và mắt tự nhiên. Và nhiệm vụ mà các bạn phải làm cho được đó là phải biết được cái từ, cái câu, cái bài ta nghe nó phát âm như thế nào và nó được viết ra làm sao. Có nghĩa là các bạn chỉ cần làm được điều này: nghe được cái từ đó đọc như thế nào và biết hình dạng nó như thế nào (tức cái chữ đó viết ra làm sao), còn cái nghĩa thì không cần quan tâm. Lí do: đừng làm cùn mòn phản xạ tự nhiên bằng cách dừng lại tra từ điển để hiểu, và nó có tác dụng giúp các bạn nhớ cái từ cái câu đó rất dai. Hãy cứ nghe đi nghe lại và nhìn vào transcript mặc dù không hiểu, sẽ có những câu nhờ các bạn nghe nhiều mà tự động bộ não nó hiểu (các bạn cứ yên tâm, rồi sẽ gặp các trường hợp thế này)

Vậy nếu nghe quá nhiều lần mà vẫn không hiểu nữa thì sao? Doremon lại phải trình bày cụ thể hơn nữa

Trong quá trình nghe Listening_Practice_Through_Dictation thì các bạn phải ráng học phát âm. Khoảng 1 tháng 15 ngày kể từ lúc nghe Listening_Practice_Through_Dictation thì các bạn đã học được phát âm quá nhiều từ, và lúc này tiến hành đọc lại những bài đã nghe, có nghĩa là:

Trong 1 tháng 15 ngày (tuỳ vào thời gian của các bạn) thì các bạn chỉ học phát âm song song với nghe Listening_Practice_Through_Dictation và xem phim. Cái Listening_Practice thì gồm 120 bài, cứ mỗi bài nghe khoảng 100 lần (10 lần 1 ngày) sau đó chuyển lên cái khác, cứ như thế... Trong 1 tháng 15 ngày thì ráng nghe khoảng 60 bài thôi, cứ nghe đi nghe lại và nhìn vào transcrip (tuyệt đối không tra từ điển) và sau đó thì bắt đầu đọc lại mấy cái bài vừa nghe, các bạn sẽ làm điều này dễ dàng vì: các bạn đã tập phát âm hơn 1 tháng và nghe mấy cái bài đó rất nhiều lần. Và lúc này lại tiếp tục tập phát âm + đọc lại mấy cái bài đã nghe nhiều lần+ nghe thêm vài bài mới, cứ làm như thế cho tới hết 3 tháng (tới lúc này vẫn tuyệt đối chưa đụng tới từ điển).

Sau khi hết 3 tháng (tuỳ vào thời gian của mỗi người) thì lúc này viết lại mấy cái bài đã nghe đi nghe lại, đọc đi đọc lại, và bây giờ chỗ nào không hiểu thì hãy tra từ điển. Nếu các bạn chịu theo lộ trình này, thì các bạn sẽ đạt được kết quả sau: giúp bộ óc thích nghi được với Tiếng Anh 1 cách tự nhiên và nó là nền tảng để sau này các bạn dùng nó như phản xạ, và đọc sách không cần dịch vẫn hiểu, giống như đọc sách Tiếng Việt, hơn nữa nó giúp các bạn nhớ từ rất là dai. Nếu ai đó vì thấy không hiểu đã vội tra từ điển, thì các bạn có đảm bảo rằng sau 1 tháng không gặp cái từ đó, các bạn có còn nhớ được nó hay không?

Hãy xác định lại mục tiêu: nếu ai đó muốn dùng Tiếng Anh như Tiếng Việt thì mới nên học theo topic này, vì nó rất là khó khăn. Đừng nên học theo kiểu hôm nay tôi học bài 1,2 thì biết được hết các từ vựng, hôm sau học xong bài 3,4... thì bắt đầu rơi rụng các từ ở 1,2.. Và chỉ cần 1 tháng tôi không gặp lại nó là quên sạch. Hãy đi chậm nhưng mà chắc, học được 1.000 từ thì nó phải tồn tại 1.000, học 10.000 thì phải vận dụng và nhớ hết 10.000 từ

Tóm tắt lại cái Listening_Practice_Through_Dictation:

Nghe đi nghe lại mà vẫn không được tra từ điển

Đọc đi đọc lại mà vẫn không được tra từ điển

Viết lại và tra từ điển để hiểu

Học thuộc lòng, có nghĩa là đọc lại bài văn đó mà không cần nhìn vào transcrip và biết được nghĩa của cái câu mà ta đọc

4. Cách học tương tự cho Effortless của AJ Hoge nhưng không cần phải học thuộc vì các bài đó quá dài

Tóm tắt lại 1 lần nữa các tác dụng của những tài liệu mà Doremon đã cung cấp

1. Xem phim có tác dụng là tắm Tiếng Anh và thấm Tiếng Anh nhờ các cảm xúc được truyền đạt bởi các diễn viên

2. Học phát âm để phát âm được từ đơn

3. Học Listening_Practice_Through_Dictation để làm quen với repetition, để có được 1 lượng từ vựng căn bản, để đọc được các đoạn văn ngắn, học thuộc các đoạn văn ngắn

4. Học Power English Now của EJ Hoge và các bạn nhớ chú ý điểm này: hãy học cho thật kỹ và thật sâu cái MiniStory và POW trong Power English Now (coi lại bài số 5), vì đây là nơi AJ Hoge đã thiết kế để các bạn học ngữ pháp 1 cách tự nhiên mà không cần đến cuốn sách ngữ pháp nào. Cái Listening_Practice_Through_Dictation chỉ là để các bạn làm quen với Tiếng Anh thôi, còn MiniStory và POW trong Power English Now sẽ cung cấp cho các bạn cái khung ngữ pháp trong Tiếng Anh

5. Đọc 1 đống sách thiếu nhi, khoảng hơn 300 cuốn chứ không ít đâu, hãy nhớ là chọn cái cuốn nào có audio (trong cái đống đó có cái không có audio), với mục đích là khi nghe audio và nhìn vào sách thì các bạn không có thời gian để dịch (và nhớ đừng có dừng lại để tra từ điển) cứ kệ xác nó vì sao thì đọc lại. Và nó còn giúp cho các bạn thấm được các cảm xúc trong Tiếng Anh, như những cuốn liên quan đến chuyện kinh dị, thì khi đến mấy cái từ liên quan đến máu me.. thì giọng đọc audio sẽ run rẫy... mấy cuốn biển thì các bạn sẽ được nghe âm thanh của biển... Chỉ cần nghe 1 và nhìn vào sách 1 lần là đủ, sau đó qua cuốn khác, nhưng đừng có vứt sau khi học xong vì còn để dùng vào việc khác. Việc gì thì sau này sẽ rõ

Và tác dụng của việc đọc sách thiếu nhi là giúp các bạn làm quen dần với những câu chuyện có ý nghĩa thực sự, thay vì các bài văn ngắn... Và giúp tăng thêm khả năng thấm Tiếng Anh. Các bạn nên nhớ việc đọc sách không hề có tác dụng là tăng từ vựng (theo cái nghĩa là nhớ dai luôn), cho nên nếu trong quá trình đọc sách, có những từ các bạn gặp đi gặp lại nhiều lần và muốn tra từ điển để hiểu thì cứ làm, nhưng sau khi đọc xong vài ngày mà quên mất cái từ đó thì cũng bình thường, vì mục đích của nó không phải giúp các bạn tăng thêm từ vựng theo cách học của topic này. Vậy từ vựng (theo nghĩa là nhớ dai luôn) ở đâu ra? Ở cái Listening_Practice_Through_Dictation và Power English Now, vì 2 cái này cái bạn đã nghe đi nghe lại, đọc đi đọc lại... quá nhiều lần, hoàn toàn khác với đọc sách, chỉ nghe 1 lần, vì nó quá dài, ai muốn đọc sách nhiều lần thì càng tốt



Tóm lại: Doremon đã ráng bỏ thời gian để viết hết sức cụ thể mà ai đó học sai nữa thì chịu. Đương nhiên không ai bắt các bạn phải học theo Doremon, các bạn có quyền riêng tư của mình, nhưng một khi các bạn học theo cách riêng thì không ai đảm bảo các bạn có thành công hay không

Thời gian để học hết chương trình trên: khoảng 1 năm 6 tháng (tuỳ theo khả năng của mỗi người)

Sau khi học xong tất cả những cái này các bạn sẽ đạt đến trình độ sau: có 1 lượng từ vựng không quên được (là từ vựng của Listening_Practice_Through_Dictation và Power English Now) kèm theo các từ vựng có được do xem phim, đọc sách, nhưng các từ này chỉ mang tính chất cưỡi ngựa xem hoa thôi, tức là không gặp lại nó khoảng 1 tháng là có thể quên tuốt, đọc sách cơ bản không cần dịch vô tư, thậm chí đọc sách cấp cao cũng khá dễ dàng, nghe người bản xứ nói chuyện cũng khá dễ dàng (cái quan trọng là do từ vựng mà họ dùng), đọc các bài tiếng anh gần như người bản xứ nếu chịu học theo đúng thứ tự đó là ngày nào cũng tập phát âm từ đơn, sau đó đọc lại bài văn và nhớ là đọc phải càng to càng tốt, thậm chí là gào.

Cái hạn chế sau khi học xong hết chương trình trên: chỉ có thể tự nói mà không cần suy nghĩ (phản xạ) được vài câu cơ bản, viết được các bài văn cơ bản, các câu thông thường, hiểu được cái bài nhưng vẫn còn mơ hồ

Vì các hạn chế nêu trên cho nên theo dự định của Doremon từ lúc đầu mở topic là sẽ còn phần 2. Phần 2 này sẽ cung cấp tài liệu và phương pháp để người học đạt đến cấp độ: hiểu sâu, hiểu chính xác, và hiểu hết, viết hay, viết tốt và viết rõ ràng cũng như nói theo phản xạ 1 cách vô tư mà không chỉ dừng lại ở những thứ cơ bản như phần 1

Nếu ai đó có bảo, đã tốn 1 năm 6 tháng và vẫn không đạt được kết quả như các trung tâm giới thiệu... Thì Doremon xin nói với các bạn rằng: nổ thì cũng phải có mức độ thôi. Những người đã qua Mỹ sống hơn 5 năm mà vẫn còn khó khăn với Tiếng Anh thì đừng nói chi là học ở Trung Tâm này thì chỉ cần 6 tháng đến 1 năm là dùng được như người bản xứ. Thậm chí là các giáo viên đứng lớp hơn 10 năm kinh nghiệm, các bạn hãy bảo họ tâm sự 1 cách thật lòng, rằng họ có đủ khả năng đọc mà hiểu hết những cuốn sách viết bằng tiếng anh ở dạng cấp cao chưa, có viết được bài văn nào ở dạng cấp cao chưa hay là chỉ viết được những thứ cơ bản

Theo dự định là phần 2 sẽ viết sau khi phần 1 hoàn thành khoảng vài tháng. Nhưng vì kế hoạch đã đổi nên có thể là viết mà cũng có thể là không. Nhưng Doremon sẽ giúp thêm các bạn cái này

Muốn đạt đến cấp độ hiểu chính xác, hiểu kỹ... ngoài con đường kinh nghiệm như người ta vẫn hay dùng, đó là "cày cuốc" nhiều thì biết nhiều, thì còn con đường thứ 2 đó là: tìm ra các giáo trình được thiết kế riêng cho mục đích này. Tương tự cho việc viết, giống như chúng ta là người bình thường thì vẫn xây nhà được, nhưng hiệu suất không bao giờ vượt qua các kỹ sư, vì họ là người được đào tạo riêng cho cái nghề này. Cho nên hiện nay trên mạng có tồn tại các giáo trình phục vụ cho mục đích kể trên, nếu các bạn tìm ra được thì thành công sẽ được rút ngắn, còn không thì ráng "cày cuốc" nhiều vào, cần cù bù thông minh. Và kết quả 10 năm kinh nghiệm cày cuốc của các bạn cũng chỉ bằng 1 năm của người học đúng giáo trình.